Cần rõ cơ quan có quyền lập tổ chức thanh tra tại sở quản lý rộng, chuyên ngành phức tạp

   Lượt xem: 9273    In bài viết   Độ tương phản  

 

Đại biểu Quốc hội Trần Nhật Minh. Ảnh: P.Thắng

Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ tại kỳ họp thứ 4 tới đây (tháng 10/2022).

So với dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 vào tháng 5/2022, dự thảo mới đây có nhiều chỉnh lý. Một trong những điều được chỉnh lý là không phân quyền hoàn toàn cho UBND cấp tỉnh quyết định thành lập thanh tra sở.

Cụ thể, “thanh tra sở được thành lập tại một số sở có phạm vi quản lý rộng và yêu cầu quản lý chuyên ngành phức tạp theo quy định của Chính phủ. Việc thành lập thanh tra tại các sở khác do UBND cấp tỉnh quyết định căn cứ vào yêu cầu quản lý và biên chế được giao tại địa phương”.

Bày tỏ quan điểm tán thành, nhưng đại biểu Quốc hội Trần Nhật Minh (tỉnh Nghệ An) băn khoăn khi dự thảo luật quy định không rõ cơ quan nào quyết định thành lập thanh tra sở tại sở có phạm vi rộng, yêu cầu quản lý chuyên ngành phức tạp.

Theo ông Minh, việc thành lập thanh tra sở tại các sở này vẫn nên do UBND tỉnh quyết định “trên cơ sở quy định của Chính phủ” nhằm đảm bảo tính thống nhất, bình đẳng giữa các tổ chức này.

“Đề nghị dự án luật quy định nguyên tắc khi Chính phủ quyết định các sở được tổ chức thanh tra thì cần tính đến đặc thù của từng địa phương, đặc biệt là với các địa phương có quy mô diện tích, dân số lớn để quy định mức biên chế với các tổ chức thanh tra, nhằm đảm bảo đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ”, ông Minh nhấn mạnh, không nên đánh đồng các đơn vị với nhau.

 

 Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Huy. Ảnh: P.Thắng

Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình Nguyễn Văn Huy nhận định, quy định như dự thảo là “phù hợp, vừa đáp ứng yêu cầu về phần cứng là sự thống nhất một cách tương đối tổ chức bộ máy thanh tra sở trong phạm vi cả nước, vừa đáp ứng phần mềm là đặc thù yêu cầu quản lý của từng địa phương cụ thể”.

Đại biểu Huy cũng đề nghị quy định rõ, cụ thể, cơ quan nào có thẩm quyền thành lập thanh tra ở những sở có phạm vi quản lý rộng và yêu cầu quản lý chuyên ngành phức tạp.

“Báo cáo của đơn vị thẩm tra có đề cập là UBND tỉnh, tuy nhiên trong dự thảo luật chưa đề cập rõ”, đại biểu tỉnh Thái Bình bày tỏ quan điểm đồng tình với đề xuất của ông Minh.

Ủy viên Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Trần Đình Gia nhất trí giữ nguyên hệ thống cơ quan thanh tra theo cấp hành chính, trong đó có thanh tra huyện như hiện hành; quy định thành lập thanh tra sở tại một số sở có phạm vi quản lý rộng và yêu cầu quản lý chuyên ngành phức tạp.

 

 Ủy viên Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Trần Đình Gia. Ảnh: Đ.X

Nhưng ở góc độ cá nhân, ông Gia cho rằng, “chỉ những sở đặc biệt mới thành lập cơ quan thanh tra”. Theo ông, hiện tất cả những vướng mắc, chồng chéo và phiền hà ở cơ sở chủ yếu là vì tất cả các sở đều có cơ quan thanh tra, có đối tượng thanh tra.

Ông Gia nêu ví dụ, một trường học có khi phải tiếp thanh tra chuyên ngành của các sở: giáo dục, tài chính, nội vụ. Như vậy, có những năm liên tục đón các đoàn thanh tra và trong hình ảnh của giáo viên, học sinh, phụ huynh, nhà trường không còn thân thiện nữa.

“Chỉ những sở đặc biệt thì mới thành lập cơ quan thanh tra. Gắn với đó là phân cấp nhiều hơn cho cơ quan thanh tra cấp huyện. Sau khi luật có hiệu lực cần sớm hướng dẫn để tổ chức bộ máy và điều kiện đảm bảo để thanh tra huyện thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình”, Ủy viên Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội nhấn mạnh.

Thanh tra tỉnh dự kiến được giao tăng nhiệm vụ 

Theo thiết kế của dự thảo luật, ở những nơi không tổ chức thanh tra sở, giám đốc sở giao cho đơn vị thuộc sở giúp thực hiện trách nhiệm tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật.

Thanh tra tỉnh được giao thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của các sở không có cơ quan thanh tra; xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền hoặc kiến nghị người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

Đại biểu Trần Nhật Minh cho rằng, dự luật cần có điều khoản chuyển tiếp, cụ thể với các sở không thuộc đối tượng được thành lập thanh tra mà đang có phòng thanh tra hoặc thanh tra được lồng ghép ở tổ chức khác thì xử lý như thế nào khi luật có hiệu lực.

Còn theo Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum Phạm Đình Thanh, để thanh tra tỉnh đủ sức hoàn thành tốt khối lượng công việc dự kiến được giao tăng thêm này thì cũng cần nghiên cứu, xem xét, tính toán để quy định về tăng cường biên chế, củng cố, hoàn thiện tổ chức bộ máy của cơ quan này. 

Cân nhắc thể chế hóa một số quy định, tạo thuận lợi thanh tra phòng chống tiêu cực

Dự thảo luật đã bổ sung chức năng thanh tra phòng chống tiêu cực. Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Lê Minh Nam, phòng chống tiêu cực là yêu cầu rất bức thiết, rất quan trọng, được Trung ương, Bộ Chính trị và Tổng Bí thư rất quan tâm, đặt ra chủ trương lớn là tập trung phòng chống tiêu cực để phòng, chống tham nhũng hiệu quả.

Ông Nam thấy, “nội hàm về tiêu cực rất rộng”, nhưng mới đây, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã ban hành Hướng dẫn số 25, trong đó, chỉ ra 19 hành vi tiêu cực cần tập trung phòng, chống.

“Dự thảo luật có nên cân nhắc thể chế hóa một số quy định để thuận lợi trong quá trình tổ chức thực hiện luật hay không”, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách nêu. 

Nguồn: thanhtra.com.vn

 

Dấu ấn thanh tra Bình Dương
Liên kết website
Các Sở,Ban ngành

Các Trang khác

Thống kê truy cập

Lượt xem: 5313287