Điểm nghẽn trong công tác thu hồi tài sản tham nhũng Việt Nam

   Lượt xem: 9238    In bài viết   Độ tương phản  

     Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn tới việc tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng ở Việt Nam còn thấp và nhiều nghiên cứu, chuyên gia cũng đã chỉ ra, từ nhận thức của nhà làm luật, của cơ quan có thẩm quyền cho tới điều kiện kinh tế - xã hội, yếu tố con người, cơ sở vật chất chi phối. Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, những vướng mắc về thiết chế, thể chế trong công tác thu hồi tài sản tham nhũng đang là nguyên nhân căn bản, gốc rễ, bức thiết nhất cần và có thể được giải quyết trong bối cảnh hiện nay. Khi các điều kiện kinh tế - xã hội như nền kinh tế sử dụng tiền mặt, hệ thống tài chính, ngân hàng, quản lý tài sản hay trình độ chuyên môn của đội ngũ thực thi, cơ sở vật chất kỹ thuật không thể nào thay đổi trong “một sớm, một chiều” thì việc xác định được trúng và đúng những điểm yếu then chốt trong hệ thống thiết chế, thể chế về thu hồi tài sản tham nhũng là điều có ý nghĩa lớn nhất hiện nay. Từ đó, có thể giúp thiết kế được các phương án chính sách phù hợp, khả thi nhất nhằm tạo ra được những thay đổi đột phá hơn cho công tác này.

      Điểm nghẽn mấu chốt ở “thể chế”

      Nhận thức về tầm quan trọng của thu hồi tài sản tham nhũng ngày càng cao nhưng thể chế pháp lý dường như chưa được sửa đổi để theo kịp nhận thức này. Cho đến nay, thu hồi tài sản tham nhũng vẫn chủ yếu được thực hiện dựa trên bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Để tịch thu tài sản theo kênh này đòi hỏi quy trình hết sức nghiêm ngặt, khó khăn, kéo dài. Theo ông Ngô Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục phòng, chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ, việc thu hồi tài sản tham nhũng lâu nay gặp khó khăn do phải thực hiện qua kênh duy nhất là truy tố, xét xử, có bản án, sau đó mới kê biên tài sản, “thực tế này khiến tội phạm tham nhũng có thời gian tẩu tán tài sản”[1]. Kinh nghiệm nhiều quốc gia như Úc, Anh, Thái Lan, Hồng Kong (Trung Quốc), Singapore… cho thấy, việc áp dụng các biện pháp thu hồi không qua thủ tục kết án hình sự và buộc đối tượng tình nghi phải tự chứng minh nguồn gốc hợp pháp của tài sản mang lại nhiều hiệu quả đột phá, đó cũng là yêu cầu của Công ước Liên hợp quốc vế chống tham nhũng. Úc, Hồng Kông (Trung Quốc), Indonesia, Singapore và Nam Phi đều thực hiện chiến lược thu hồi tài sản tham nhũng bằng cách hình sự hóa hành vi “làm giàu bất chính”. Tại Hồng Kông (Trung Quốc), hành vi bị coi là tội phạm khi một viên chức chính phủ có một mức sống cao, sở hữu tài sản không phù hợp với thu nhập, trừ khi người đó có thể đưa ra giải thích có tính thuyết phục với tòa án. Quy định này đặt nghĩa vụ chứng minh mình vô tội lên bị cáo. Singapore có quy định tương tự, Cục điều tra tham nhũng có quyền điều tra bất kỳ người nào sở hữu tài sản không phù hợp với thu nhập chính thức và không thể giải thích lý do. Tòa án cũng được quyền ra quyết định tịch thu các tài sản đó. Luật Phòng, chống tham nhũng của Indonesia quy định khi một người bị kết án về tội phạm về tham nhũng nghiêm trọng, bên cạnh việc bị tịch thu tài sản do phạm tội mà có, họ còn có thể buộc phải chứng minh rằng của cải của họ không phải là tài sản có được do tham nhũng. Dựa trên bản án kết tội, tòa án sẽ tiến hành một phiên nghe người bị kết án trả lời những câu hỏi về tính hợp pháp của những tài sản này, nếu không chứng minh được họ cũng có thể bị tịch thu. Ngoài ra, thu hồi tài sản tham nhũng ở các quốc gia này còn có thể đạt được dựa vào các chế tài mang tính kinh tế, ví dụ như phạt tiền hoặc bồi thường thiệt hại. Ở Singapore, tòa án có thể áp dụng thêm phạt tiền với mức tương đương với giá trị của “của hối lộ”. Ở Nam Phi, phạt tiền bổ sung có thể được áp dụng với mức phạt lên đến năm lần giá trị của khoản lợi bất chính do tham nhũng. Những quy định tương tự được tìm thấy trong các hệ thống pháp luật khác. Ở Hồng Kông (Trung Quốc), của hối lộ và các lợi ích khác có được từ hành vi phạm tội hối lộ sẽ bị thu hồi. Thậm chí người đưa hối lộ còn có thể bị yêu cầu khắc phục lại bất kì thiệt hại nào gây ra bởi hành vi phạm tội hối lộ.

     Các biện pháp tịch thu không thông qua thủ tục tố tụng sau nhiều năm cân nhắc vẫn chưa được bổ sung một cách có hệ thống vào quy định của pháp luật Việt Nam, thu hồi theo thủ tục hành chính bước đầu được quy định trong Luật Thanh tra nhưng thiếu cụ thể, thu hồi tài sản tham nhũng thông qua tố tụng dân sự mới chỉ là các quy định chung về bảo vệ quyền sở hữu và bồi thường thiệt hại. Lí do mà các nhà làm luật thường đưa ra để chưa hình sự hóa hành vi “làm giàu bất chính” là: Thiếu công cụ pháp lý và hành chính để thực hiện việc kiểm soát tài sản của người có chức vụ, quyền hạn, hầu hết các giao dịch ở Việt Nam đã và đang được thực hiện không qua hệ thống ngân hàng, ‘mô hình gia đình truyền thống’ trong đó tài sản không được chia tách cho từng cá nhân mà thuộc về ‘tất cả các thế hệ trong gia đình’ đang sống chung với nhau, nguyên tắc ‘suy đoán vô tội’… Những lý lẽ này được một nghiên cứu do ông Jairo Acuña-Alfaro, nguyên Cố vấn Chính sách về Cải cách hành chính và Chống tham nhũng của UNDP Việt Nam điều phối cho rằng không thuyết phục, đồng thời chỉ ra rằng “ở Hồng Kong và Singapore, những yếu tố văn hóa và truyền thống tương tự cũng được thấy trong thời gian cách đây chưa lâu nhưng họ vẫn mạnh dạn áp dụngNếu một hệ thống muốn tạo ra những ngoại lệ đối với nguyên tắc “suy đoán vô tội”  trong trường hợp hình sự hóa hành vi “làm giàu bất chính” thì điều này có thể xem như một dấu hiệu của sự nghiêm túc giải quyết những thách thức của tham nhũng”. Mới đây, năm 2019, Bộ Tư pháp mới được giao chủ trì “Nghiên cứu đề xuất xây dựng quy định biện pháp tịch thu tài sản không thông qua thủ tục kết tội, buộc đối tượng tình nghi phải chứng minh nguồn gốc hợp pháp của tài sản và đề xuất sửa đổi quy định có liên quan trong Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật Phòng, chống tham nhũng”. Gần đây, Bộ Tư pháp cũng đã hoàn thiện Đề án “Nghiên cứu vấn đề xử lý hình sự về hành vi làm giàu bất hợp pháp”. Dư luận đang chờ đợi những thay đổi phù hợp về vấn đề này trong thời gian tới.

     Mỗi lần Luật Phòng, chống tham nhũng và các dự luật quy định về thu hồi tài tài sản tham nhũng như Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, Luật Thi hành án dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tương trợ tư pháp,… được sửa đổi, các chuyên gia, dư luận xã hội đều đặt ra kỳ vọng khá lớn vào việc những phương án đột phá về thu hồi tài sản tham nhũng được thông qua. Trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, nhiều phương án mạnh mẽ được đưa ra xem xét để thu hồi tài sản không giải trình được nguồn gốc hợp pháp như giải quyết tại tòa án, đánh thuế 45% hay phạt tiền ở mức cao. Các đại biểu, chuyên gia, quan chức, dư luận xã hội thảo luận rất sôi nổi về vấn đề này. Tuy nhiên, sau đó, không có phương án nào nhận được sự ủng hộ cao nên quy định này cuối cùng vẫn không được đưa vào luật. Đơn cử như phương án đánh thuế 45%, các thành viên của Ủy ban Tư pháp lo ngại về việc không phù hợp với các quy định về thuế, tài sản[2]. Như vậy, kể từ khi là thành viên của Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng năm 2003 tới nay, Luật Phòng, chống tham nhũng của Việt Nam vẫn bỏ trống một quy định được xem là kinh nghiệm phổ quát của các nước để thu hồi được tài sản tham nhũng.

     Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 cũng chưa có quy định trình tự, thủ tục, thẩm quyền thu hồi một cách chi tiết và đầy đủ, Bộ luật Tố tụng hình sự còn thiếu những giải pháp cho phép truy tìm tài sản tham nhũng, nhất là tài sản của người thứ ba. Mặc dù Bộ luật hình sự 2015 đã có chính sách khuyến khích người bị kết án tử hình nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham nhũng thì sẽ được chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân nhưng đến nay, hình phạt tiền vẫn chưa được coi là hình phạt chính đối với tội phạm tham nhũng theo thông lệ quốc tế. Một số quy định pháp luật về tố tụng hình sự còn bó hẹp như biện pháp phong tỏa chỉ được áp dụng đối với người bị buộc tội nhưng thực tế cho thấy, có những đối tượng không bị buộc tội nhưng lại đứng tên giúp tài sản cho bị can hoặc đối tượng bị buộc tội, đến khi Cơ quan điều tra xác minh làm rõ được việc này, thì đối tượng cũng đã thừa thời gian để tẩu tán tài sản, việc truy tìm, thu hồi hết sức gian nan. Một số minh chứng như: Tòa án từng phải ra quyết định không có điều kiện thi hành án đối với khoản tiền còn lại trên 88,5 tỷ đồng của Dương Chí Dũng vì xác minh thấy “không còn tài sản”; vụ án Trịnh Xuân Thanh, tổng số tiền bồi thường là 122 tỷ đến nay mới thi hành án được khoảng 31 tỷ[3]; trong vụ án Giang Kim Đạt, bố mẹ của Đạt giúp Đạt 92 lần nhận tiền từ công ty nước ngoài, lên tới 15 triệu USD, tương đương hơn 260 tỷ đồng, đứng tên 37 nhà đất và 2 xe ô tô, trải qua quá trình đấu tranh lâu dài cơ quan điều tra mới làm rõ được các thủ đoạn[4]. Năm 2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 33/2020/NĐ-CP ngày 17/3/2020, trong đó quy định về chủ động ra quyết định thi hành án nhưng còn có nhiều cách hiểu và thực hiện chưa thống nhất như về ra quyết định thi hành án, kê biên, xử lý tài sản trong trường hợp bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật mà người phải thi hành án dân sự bán, chuyển nhượng, cho, tặng… nhưng không sử dụng tiền thu được để thi hành án mà không còn tài sản khác, về bán đấu giá tài sản trong trường hợp bán tài sản có giá trị lớn, đã đủ tiền thi hành án thì không tiếp tục bán các tài sản còn lại.

     Những phức tạp, lỗ hổng trong quy định về quản lý đất đai, kinh doanh, ngân hàng… bị tội phạm lợi dụng, thông qua việc nhờ người thân, người có quan hệ quen biết đứng tên, tiến hành các giao dịch để tẩy rửa tiền “bẩn” thành tiền “sạch”. Luật chưa quy định bắt buộc việc giao dịch kinh tế, dân sự với số tiền lớn phải thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt cho nên nhiều giao dịch vẫn chủ yếu được thực hiện bằng hình thức thanh toán bằng tiền mặt, do đó khó kiểm soát được thu nhập, tài sản của tổ chức, cá nhân, gây khó khăn cho việc phong tỏa, kê biên tài sản của cơ quan có thẩm quyền trong quá tình tiến hành tố tụng. Theo TS. LS Lương Khải Ân, Luật dân sự cho phép các tổ chức, cá nhân được sử dụng vốn, xác lập các giao dịch cho mục đích tiêu dùng cá nhân hoặc kinh doanh sinh lời. Các giao dịch này đa dạng, được thực hiện qua các hợp đồng đơn vụ hoặc hợp đồng song vụ. Ở các hợp đồng song vụ, khi vận dụng các biện pháp tư pháp có thể bỏ sót các khoản sinh lợi trái pháp luật hoặc trùng lắp[5]. Với khái niệm đầu tư, kinh doanh trải dài, mở rộng, việc phân định phạm vi giao dịch hợp pháp, ngay tình trong hoạt động này có những khác biệt cơ bản, không thể vận dụng quy định chung theo luật dân sự về một giao dịch ngay tình dựa trên đặc điểm đối tượng tài sản khi tài sản đó chưa được nhà nước công nhận quyền sở hữu hợp pháp. Đây cũng là những mâu thuẫn tiềm tàng giữa luật chuyên ngành kinh doanh với luật chung (dân sự), cho dù các nhà làm luật, cũng như quy định theo Bộ luật Dân sự năm 2015 đã nỗ lực khắc phục, nhưng vẫn chưa đạt được hiệu quả mong đợi.

     Dù nhiều quy định của UNCAC liên quan đến thu hồi tài sản tham nhũng chỉ mang tính khuyến nghị nhưng nó là những kinh nghiệm mang tính phổ quát, việc nội luật hóa nó mới giúp tạo ra cơ chế đồng bộ, tương thích, đảm bảo hiệu quả tối đa của công tác này dựa trên những bài học mà thế giới đã đúc rút ra. Chúng ta khó có thể làm khác mà đạt hiệu quả cao, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, tội phạm tham nhũng lợi dụng để rửa tiền, chuyển tiền ra nước ngoài. Trong khi đó, cho đến nay, nhiều quy định của pháp luật Việt Nam còn chưa đáp ứng yêu cầu của Công ước Liên hợp quốc như thiếu cơ chế chi tiết, cụ thể trong hợp tác quốc tế về thu hồi tài sản do phạm các tội về tham nhũng mà có, thiếu quy định cụ thể về việc kiểm tra, giám sát các tài khoản được mở, được duy trì hoặc nhân danh các cá nhân đang hoặc đã từng giữ chức vụ chủ chốt trong bộ máy nhà nước, hay các thành viên trong gia đình hoặc cộng sự thân thiết của người này; thói quen sử dụng tiền mặt khiến việc phát hiện, chứng minh, truy tìm, thu giữ, quản lý tài sản do phạm tội tham nhũng mà có khó khăn, vai trò của hệ thống ngân hàng trong kiểm tra dòng tiền chưa tốt, mức độ minh bạch tài sản chưa cao, hệ thống đăng ký tài sản chưa phát triển dẫn đến nhiều tài sản có thể không chứng minh được nguồn gốc, nghĩa vụ chứng minh của những người sở hữu tài sản bất minh cũng chưa được đề cao.

     Luật Tương trợ tư pháp chưa có các quy định cụ thể về phát hiện, thu hồi, chuyển giao tài sản tham nhũng hay chia sẻ thông tin với các cơ quan có thẩm quyền nước ngoài liên quan đến tài sản tham nhũng. Trong quy định về phạm vi tương trợ tư pháp về dân sự, hình sự, vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng chưa được quan tâm đề cập nên việc thực hiện tương trợ tư pháp vẫn phụ thuộc vào sự thiện chí, tích cực và quy định pháp luật của các nước. Việt Nam chưa ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp với nhiều nước, đây cũng là vấn đề gây nhiều khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc phối hợp điều tra làm rõ các vụ việc, vụ án tham nhũng cũng như thu hồi tài sản tham nhũng có yếu tố nước ngoài. Thực tiễn áp dụng tại Tòa án nhân dân cho thấy, pháp luật Việt Nam chưa có các quy định cụ thể về trình tự, thủ tục ủy thác tư pháp ra nước ngoài và tiếp nhận, xử lý yêu cầu ủy thác tư pháp của nước ngoài còn chưa cụ thể, chi tiết đến mức có thể áp dụng trực tiếp để thực hiện, nhưng Luật Tương trợ tư pháp chưa cho phép ban hành văn bản hướng dẫn thi hành, quy trình xử lý yêu cầu ủy thác tư pháp tại Việt Nam và ở nước ngoài còn qua nhiều khâu trung gian nên mất nhiều thời gian thực hiện và chờ đợi kết quả thực hiện. Đơn cử như vụ án Dương Chí Dũng, có 4,3 triệu USD chuyển cho công ty Global Success ở Nga tới nay vẫn chưa thể thu hồi dù Việt Nam đã có văn bản đề nghị tương trợ tư pháp.

      “Thiết chế” thực thi của nhà nước chưa đủ mạnh, còn lệ thuộc vào vai trò của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng

      Quy định về các thiết chế, chức năng nhiệm vụ, thẩm quyền của các thiết chế nhà nước liên quan đến công tác thu hồi tài sản tham nhũng còn phức tạp, thiếu mạnh mẽ, gây khó khăn trong phối hợp nên còn lệ thuộc nhiều vào sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo trung  ương về phòng, chống tham nhũng. Bộ Tư pháp được giao là cơ quan đầu mối về thu hồi tài sản tham nhũng để thực hiện UNCAC nhưng chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của Bộ Tư pháp chưa đảm bảo tốt cho việc thực hiện nghĩa vụ này. Bộ Tư pháp chỉ là cơ quan giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về hoạt động tương trợ tư pháp nhưng không phải cơ quan đầu mối tương trợ tư pháp về hình sự nên các thông tin có được thường không cập nhật và chuyên sâu, không đáp ứng yêu cầu hợp tác mang tính kỹ thuật cao trong lĩnh vực thu hồi tài sản tham nhũng, đặc biệt là khi tham gia các diễn đàn như Mạng lưới các cơ quan chống tham nhũng và cơ quan thực thi (ACT- NET) thuộc Nhóm công tác về chống tham nhũng trong khuôn khổ Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) thường là đại diện từ các cơ quan công tố, điều tra xét xử. Bộ cũng chưa xây dựng được đội ngũ chuyên gia sâu của mình để giải quyết vấn đề này. Cục phòng chống rửa tiền nằm trong cơ quan thanh tra thuộc Ngân hàng Nhà nước trong khi ở các nước mô hình này thường độc lập về cơ chế, tài chính, con người.

     Thu hồi tài sản liên quan tới trách nhiệm của nhiều cơ quan trên nhiều giai đoạn từ khâu phòng ngừa và phát hiện việc chuyển tài sản do tham nhũng mà có (tổ chức tài chính, ngân hàng), ra lệnh tịch thu tài sản (tòa án), phong tỏa, tạm giữ tài sản (tòa án, viện kiểm sát, cơ quan điều tra tùy theo giai đoạn tố tụng), nhận dạng, truy tìm và phong tỏa hay tạm giữ tài sản (tòa án, viện kiểm sát, cơ quan điều tra tùy theo giai đoạn tố tụng), yêu cầu tương trợ tư pháp (Bộ Tư pháp, Viện Kiểm sát); thực hiện thi hành phần dân sự trong các bản án hình sự về tham nhũng (Bộ Tư pháp - cơ quan thi hành án dân sự). Tuy nhiên, địa vị pháp lý và thẩm quyền một số cơ quan này còn thiếu sự độc lập cần thiết. Đơn cử như cơ quan điều tra là một cơ quan thuộc Chính phủ, lệ thuộc về tổ chức, biên chế và chịu sự chỉ đạo trong hoạt động từ Chính phủ. Bộ phận có thẩm quyền điều tra tội phạm tham nhũng của Bộ Công an cũng không được quy định bất cứ thẩm quyền, quyền hạn điều tra đặc biệt nào khác. Hệ thống các cơ quan này còn khó khăn trong khâu phối hợp, phụ thuộc vào thiện chí của các bên liên quan do quy định chưa đầy đủ, hợp lý.

     Trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong việc thu hồi chưa rõ ràng; chưa xác định rõ trách nhiệm cu thể của các cơ quan quản lý nhà nước trong các lĩnh vực có liên quan như ngân hàng, tài chính, đất đai, xây dựng, giao thông… trong phối hợp với các cơ quan chức năng trong xử lý tài sản tham nhũng. Theo bà Trần Thị Phương Hoa, Phó Tổng cục trưởng Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp, công tác phối hợp giữa cơ quan thi hành án dân sự với các cơ quan có thẩm quyền để thu hồi TSTN còn bộ lộ bất cập. Ở Trung ương, cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành chủ yếu thông qua quy chế phối hợp, giá trị pháp lý không cao, quy định về trách nhiệm của các cơ quan quản lý các lĩnh vực tài chính, đất đai, nhà, công trình, phương tiện trong việc cung cấp thông tin về hiện trạng, tình trạng pháp lý của tài sản còn chưa rõ và có “độ vênh”[6].

     Nếu cứ duy trì các thiết chế và thẩm quyền như hiện nay, cùng với những cơ chế đã phân tích phía trên thì trong nhiều trường hợp sẽ gây lãng phí thời gian, công sức, đối tượng có thời gian để hợp thức hóa, tẩu tán tài sản, không tạo ra được đột phá trong công tác thu hồi tài sản tham nhũng. Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN được lập ra nhằm hỗ trợ cho các cơ chế này, thúc đẩy sự phối hợp nhưng chỉ là giải pháp tình thế, không giúp giải quyết tận gốc vấn đề khi chưa đảm bảo được sự độc lập, khách quan, vô tư, thẩm quyền đủ mạnh của các thiết chế chống tham nhũng. Trong bối cảnh các thiết chế nói trên chưa đủ mạnh, thu hồi tài sản tham nhũng khó có thể được làm tốt nếu thiếu đi sự chỉ đạo quyết liệt từ Ban chỉ đạo. Nhưng về lâu dài, cái mà Việt Nam cần hướng tới là việc các thiết chế nhà nước có thể tự mình đảm bảo hiệu quả của công tác này.

     Một số gợi mở chính sách

     Theo Nghị quyết số 96/2019/QH14 ban hành ngày 27/11/2019 của Quốc hội, trong thời gian tới, các cơ quan pháp luật phải “nâng tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản bị chiếm đoạt đạt tỷ lệ trên 60%”. Đây là một thách thức đối với các cơ quan thực thi và là bài toán với các nhà hoạch định chính sách, pháp luật. Vì vậy, để có thể làm được điều đó, thời gian tới cần có những giải pháp đột phá hơn cho công tác thu hồi tài sản tham nhũng ở Việt Nam.

      Về thể chế để thu hồi tài sản tham nhũng cần phải: Bổ sung vào Luật Phòng, chóng tham nhũng quy định xử lý tài sản không rõ nguồn gốc (tất cả những thu nhập, tài sản không thể giải trình thỏa đáng về nguồn gốc được coi là tài sản bất minh và phải được thu hồi, trước mắt có thể lựa chọn trong các phương án như giải quyết tại tòa án, đánh thuế hay xử phạt hành chính ở mức cao…); Nhanh chóng hoàn tất các đề án nghiên cứu và tiến hành sửa đổi hàng loạt luật, bộ luật như Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật Phòng, chống tham nhũng… cho đồng bộ để tạo điều kiện cho việc: Hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp, tịch thu tài sản không qua thủ tục kết tội, nghĩa vụ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của thu nhập, tài sản thuộc về người bị tình nghi phạm tội; Bổ sung vào Bộ Luật hình sự chính sách hình sự giảm nhẹ đặc biệt đối với người bị kết án phạm tội tham nhũng, kinh tế đã chủ động khắc toàn bộ thiệt hại cũng như hậu quả do hành vi phạm tội gây ra.

     Về thiết chế để thu hồi tài sản tham nhũng, cần phải: Sửa đổi quy định về thiết chế thực thi, trao thẩm quyền đặc biệt, cơ cấu tổ chức đặc biệt đảm bảo được sự độc lập, khách quan, vô tư, thẩm quyền đủ mạnh của các thiết chế chống tham nhũng, giải quyết điểm nghẽn trong phối hợp, từ đó giảm dần sự lệ thuộc vào chỉ đạo trực tiếp, điều phối của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; tăng cường các yếu tố đảm bảo (chức năng, thẩm quyền, tổ chức....) cho Bộ Tư pháp thực hiện vai trò cơ quan đầu mối về thu hồi tài sản tham nhũng để thực hiện UNCAC, bổ sung thẩm quyền cần thiết cho cơ quan này hoặc giao nhiệm vụ này cho các cơ quan khác có đủ thẩm quyền; Nghiên cứu thành lập cơ quan chuyên biệt chống tham nhũng có thẩm quyền điều tra, truy tố đủ mạnh, tạo dựng niềm tin của người dân, huy động tốt hơn sự tố cáo của người dân đối với những tài sản có dấu hiệu bất minh của cán bộ, công chức.

         Nguồn: Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra

 


[1] Hoài Vũ (2016), Đề xuất xác minh tài sản cán bộ trước khi bổ nhiệm, Báo Giao thông điện tử

[2] Bảo Yến (2018), Cân nhắc tính khả thi của các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập, quoihoi.vn

[3] Xuân Ân (2021), Trịnh Xuân Thanh còn thiếu ít nhất 91 tỷ đồng tiền thi hành án, Báo tienphong.vn

[4] T Nhung - T Linh, Cha con Giang Kim Đạt khai về số tài sản kếch xù

[5] TS.LS Lương Khải Ân, Hiệu quả thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự tham nhũng – kinh tế, Website Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội.

[6] Gia Khánh (2021), Triển khai đồng bộ, thu hồi triệt để, Báo nhân dân hàng tháng

Dấu ấn thanh tra Bình Dương
Liên kết website
Các Sở,Ban ngành

Các Trang khác

Thống kê truy cập

Lượt xem: 5328019