Một số giải pháp nâng cao hiệu quả xử lý hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng hiện nay

   Lượt xem: 7821    In bài viết   Độ tương phản  

1. Khái quát về hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng  

Theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, có thế thấy rằng hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng là hành vi trái pháp luật, do chủ thể có năng lực hành vi thực hiện một cách có lỗi, vi phạm trong việc thực hiện các quy định  về phòng, chống tham nhũng theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng và các văn bản hướng dẫn thi hành mà không phải là hành vi tham nhũng. Điều 94, 95 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 đã quy định cụ thể các hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng bao gồm các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, và hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp tổ chức khu vực ngoài nhà nước, cụ thể:

(i) Hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị bao gồm các hành vi sau:

- Vi phạm quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị;

- Vi phạm quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ;

- Vi phạm quy định về quy tắc ứng xử;

- Vi phạm quy định về xung đột lợi ích;

- Vi phạm quy định về chuyển đổi vị trí công tác của người có chức vụ, quyền hạn

- Vi phạm quy định về nghĩa vụ báo cáo về hành vi tham nhũng và xử lý báo cáo về hành vi tham nhũng;

- Vi phạm các quy định về kiểm soát tài sản thu nhập:

+ Vi phạm quy định về nghĩa vụ trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm;

+ Vi phạm quy định về thời hạn kê khai tài sản, thu nhập hoặc vi phạm quy định khác về kiểm soát tài sản, thu nhập.

ii) Hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước bao gồm các hành vi sau:

- Vi phạm nguyên tắc công khai, minh bạch, nội dung công khai, minh bạch, hình thức công khai, trách nhiệm thực hiện việc công khai, minh bạch;

- Vi phạm về kiểm soát xung đột lợi ích;

- Vi phạm trách nhiệm, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu.

Việc xử lý hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng xuất phát từ những lý do như sau:

Thứ nhất, đảm bảo mọi hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng đều được xử lý nghiêm minh.

Về nguyên tắc, mọi hành vi vi phạm pháp luật đề phải được xử lý nghiêm minh, theo quy định của pháp luật. Các hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng phải được xử lý để đảm bảo không bỏ sót, bỏ lọt người có hành vi vi phạm pháp luật. Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, mọi chủ thể đều ngang hàng trước pháp luật, mặt khác, các hành khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng được thực hiện chủ yếu bởi các các bộ, công chức, viên chức nhà nước nên cần phải được xử lý nghiêm minh, kịp thời, đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa.

Thứ hai, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng. 

Công tác phòng, chống tham nhũng không chỉ là việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng, nó còn bao gồm cả công tác phát hiện, xử lý hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Hậu quả của hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng đôi khi gây hậu quả nghiêm trọng đến mức phải xử lý hình sự đối với các hành vi này. Do đó, việc xử lý hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng. Mặt khác, việc xử lý các hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng còn thể hiện việc phòng, chống tham nhũng cần phải được thực hiện một cách toàn diện, hiệu quả, ngăn chặn mọi nguy cơ nảy sinh tham nhũng từ những nguy cơ nhỏ nhất. 

Thứ ba, góp phần đẩy mạnh việc thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống tham nhũng, đảm bảo các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng được thực hiện triệt để trong thực tiễn. 

Việc xử lý các hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng hướng tới việc đảm bảo các cơ quan, tổ chức, đơn vị và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực hiện đúng và đầy đủ các quy định của pháp luật phòng, chống tham nhũng về thực hiện, tuân thủ các biện pháp phòng, chống tham nhũng trong thực tiễn. Đây có thể coi như là một phương thức nhằm tổ chức thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống tham nhũng, đồng thời là phương thức đảm bảo  đưa các quy định của pháp luật vể phòng, chống tham nhũng vào thực hiện trong thực tiễn.

Thứ tư, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong khu vực nhà nước và doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước.

Thông qua quy định của pháp luật và thực tiễn việc xử lý các hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng sẽ đảm bảo việc tuân thủ pháp luật về phòng, chống tham nhũng, đồng thời nâng cao nhận thức, ý thức của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân về trách nhiệm đối với hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị trong khu vực nhà nước và trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước. Qua đó, tăng cường, nâng cao nâng suất, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp đó trong thực tiễn. Ngoài ra, việc xử lý nghiêm các hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng sẽ tạo niềm tin của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nói riêng và người dân nói chung có sự tin tưởng vào sự hoạt động minh bạch, công khai, hiệu quả các hệ thống các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp này.

2. Đánh giá chung về thực trạng xử lý hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng

2.1. Kết quả đạt được 

Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 đã khắc phục được nhiều hạn chế, bất cập của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 (sửa đổi năm 2007 và năm 2012), góp phần quan trọng vào việc nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng nói chung và nâng cao hiệu quả xử lý hành vi khác vi phạm pháp luật vể phòng, chống tham nhũng nói riêng. Trong thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng nói chung và công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi khác nói riêng đã đạt được một số thành tựu như sau:

Thứ nhất, công tác phòng, chống tham nhũng luôn được lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện quyết liệt, kiên trì, đồng bộ, toàn diện, bài bản, với quyết tâm chính trị rất cao, đạt nhiều kết quả quan trọng, tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị và nhân dân, để lại dấu ấn tốt, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Với quyết tâm đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng như vậy, từ năm 2019 đến nay, các hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng đã được các cơ quan, tổ chức, đơn vị quan tâm xử lý góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng hiện nay.

Thứ hai, chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng tiếp tục được tăng cường, cụ thể hóa và triển khai thực hiện nghiêm túc. Nhiều quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến phòng, chống tham nhũng được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới và triển khai thực hiện có hiệu quả, nhất là các quy định về nêu gương, chế độ kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền; trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với người dân; ngăn chặn, xử lý tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Qua đó, hạn chế được các hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong thực tiễn, và một số hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng đã không xảy ra trong thực tiễn. Cùng với đó công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội, phòng, chống tham nhũng, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được đẩy mạnh, từng bước hình thành cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể tham nhũng” cùng với đó là sẽ không có hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng xảy ra.

Thứ ba, công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng có nhiều đổi mới, vai trò tích cực của các cơ quan truyền thông, báo chí trong phòng, chống tham nhũng ngày càng được khẳng định và phát huy. Công tác cán bộ, cải cách hành chính, công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong hoạt động công vụ và các giải pháp phòng ngừa tham nhũng được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện và đạt nhiều kết quả tích cực. Vai trò, trách nhiệm của các cơ quan và đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp và nhân dân trong phòng, chống tham nhũng ngày càng phát huy hiệu quả thiết thực. Hợp tác quốc tế được tăng cường; hoạt động phòng, chống tham nhũng từng bước được mở rộng ra khu vực ngoài nhà nước. Với những tác động tích cực trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật như vậy đã góp phần hạn chế các hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

Thứ tư, công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán được tăng cường, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh nhiều sai phạm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước, góp phần đắc lực nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng. Công tác điều tra, truy tố, xét xử được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, thực hiện đúng quan điểm chỉ đạo của Đảng, của Đồng chí Tổng Bí thư - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng là “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” tạo bước đột phá trong công tác phòng, chống tham nhũng. Qua đó, việc xử lý hành vi tham nhũng cũng gắn liền với việc xử lý các hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng nhằm đảm bảo mọi sai phạm đề phải chịu trách nhiệm trước pháp luật

Đề đạt được những kết quả trên, Đảng và Nhà nước đã có chủ trương đúng, với quyết tâm chính trị cao trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, cùng với đó là sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Quốc hội, Chính phủ. Bên cạnh đó, sự nỗ lực, cố gắng, phối hợp nhịp nhàng của các cấp ủy, tổ chức đảng, bộ, ngành, địa phương, nhất là các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng cùng với đó là sự đồng lòng, nhất trí của toàn Đảng, toàn dân, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của báo chí, truyền thông và toàn xã hội, tạo nên sức mạnh tổng hợp trong phòng, chống tham nhũng nói chung và việc phát hiện và xử lý hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng nói riêng.

2.2. Bất cập, hạn chế và nguyên nhân của bất cập hạn chế

2.2.1. Bất cập, hạn chế

Qua thực tiễn các quy định của pháp luật, cũng như kết quả xử lý các hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam trong thời gian qua, sau khi Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 có hiệu lực thi hành, có thể thấy còn một số bất cập, hạn chế về xử lý hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng, cụ thể như sau:

Thứ nhất, hệ thống pháp luật về xử lý hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng chưa đầy đủ.

Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định tùy theo tính chất, mức độ phải truy cứu trách nhiệm hình sự, xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tuy nhiên hiện nay Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 mới chỉ hình sự hóa hành vi tham nhũng, do đó các tội phạm hình sự về được thực hiện bởi hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng chưa được quy định trong Bộ luật Hình sự. Dẫn đến việc khó xác định tội danh đối với các hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng; đối với việc xử lý kỷ luật thì việc xác định tính chất, mức độ như thế nào để xử lý kỷ luật đối với hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng thì chưa có quy định cụ thể, dẫn đến khó khăn trong việc áp dụng và xử lý trong thực tiễn; đối với xử phạt vi phạm hành chính hiện nay chưa có quy định cụ thể về xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

Thứ hai, việc phát hiện các hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng chưa cao.

Việc xác định các hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng được quy định cụ thể trong Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, tuy nhiên các hành vi khác này cũng đã được quy định trong các Luật Phòng, chống tham nhũng trước đó, chỉ là không được nhóm gọn vào nhóm các "Hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng". Việc phát hiện, xử lý các hành vi này được thực hiện qua công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, qua giải quyết các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của các cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên thực tiễn cho thấy, các hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát có thiên hướng nhiều hơn đối với việc phát hiện và xử lý tham nhũng và chưa có sự quan tâm thích đáng đến việc phát hiện và xử lý các hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng, do đó hiệu quả phát hiện và xử lý các hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng chưa đạt hiệu quả cao.

Thứ ba, việc tổ chức xử lý hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng chưa đảm bảo tính răn đe.

Thông qua công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát cũng đã phát hiện ra một số các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã có hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Bên cạnh việc có một số hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng đã bị xử lý kỷ luật, thì một số cơ quan, tổ chức, đơn vị chỉ phải rút kinh nghiệm trong công tác. Vì vậy, đòi hỏi các cơ quan có thẩm quyền phải tăng cường công tác phát hiện và gắn liền với đó là xử lý nghiêm khắc hơn nữa đối với hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

2.2.2. Nguyên nhân của bất cập, hạn chế

Thứ nhất, sự lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác xử lý người có hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng chưa được quan tâm, trú trọng. Các cơ quan có thẩm quyền quan tâm chủ yếu đến việc phát hiện và xử lý tham nhũng nhiều hơn do hậu quả của tham nhũng lớn và có sự quan tâm lớn của xã hội.

Thứ hai, việc tổ chức xử lý các hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng còn có sự nể nang, dẫn đến việc xử lý hành vi vi phạm chủ yếu là xử lý kỷ luật.

Thứ ba, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán tập trung nhiều vào các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, đồng thời thanh tra, kiểm tra, giám sát về việc thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng chỉ là một nội dung nhỏ trong quá trình thanh tra, kiểm tra, giám sát, do đó, việc phát hiện các hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng còn hạn chế dẫn đến hiệu quả xử lý hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng chưa cao.

Thứ tư, sự phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong việc phát hiện, xử lý các hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng còn nhiều bất cập. Hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát của các cơ quan có thẩm quyền đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị đôi khi còn gặp khó khăn, do sự không hợp tác của đối tượng chịu sự thanh tra, kiểm tra, giám sát, bên cạnh đó còn có sự trùng lắp, chồng chéo về nội dung thanh tra, kiểm tra, giám sát gây ảnh hưởng đến hiệu quả phát hiện hành vi vi phạm, ngoài ra các đoàn thanh tra, kiểm tra, giám sát có phát hiện sai phạm thì chỉ có quyền kiến nghị cơ quan, người có thẩm quyền xử lý vi phạm, cho nên hiệu quả xử lý hành vi vi phạm chưa cao, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan phát hiện hành vi vi phạm và cơ quan xử lý hành vi vi phạm.

Thứ năm, người có hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng đó là những cán bộ, công chức, viên chức người có trình độ được đào tạo bài bản, có trình độ, năng lực và sự hiểu biết nhất định, do đó việc che dấu, bao che các hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng sẽ được thực hiện một cách tinh vi hơn gây khó khăn trong việc phát hiện và xử lý hành vi vi phạm.

Thứ sáu, cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ công tác phát hiện, xử lý hành vi khác vi phạm pháp luật còn chưa đảm bảo. Vì vậy trong thời gian tới Nhà nước cần quan tâm, đầu tư nhiều hơn cơ sở vật chất để phục vụ tốt hơn trong phát hiện, xử lý người có hành vi vi phạm. 

Thứ bảy, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế, chế độ đãi ngộ còn thấp. Hiện nay, chế độ đã ngộ dành cho đội ngũ cán bộ, công  chức, viên chức còn thấp dẫn đến việc chưa thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho các cơ quan nhà nước, do đó chất lượng nguồn nhân lực hiện nay chưa đảm bảo. Điều này dẫn đến việc người tham mưu, thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng chưa đúng, có nhiều sai phạm, mặt khác do chế độ đãi ngộ thấp nên dễ nảy sinh việc vun vén lợi ích cá nhân mà thực hiện các hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

3. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả xử lý hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng

Thứ nhất, tăng cường xử lý hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng đồng bộ với xử lý hành vi tham nhũng và trách nhiệm của người đứng đầu

Thứ hai, phát huy vai trò của các chủ thể trong và ngoài khu vực nhà nước trong việc phát hiện, thông tin, giám sát việc xử lý hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng

Thứ ba, tăng cường công tác xây dựng thể chế đảm bảo cho việc xử lý hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Theo đó, cần hoàn thiện pháp luật về xử lý hình sự, xử lý kỷ luật và xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi  này.

Thứ tư, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng và chính quyền trong triển khai thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

Thứ năm, tăng cường công tác kiểm tra Đảng đối với các tổ chức Đảng và Đảng viên, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng, đồng thời, tăng cường công tác giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp đối với công tác phòng, chống tham nhũng.

Thứ sáu, bảo đảm sự phối hợp giữa các chủ thể có thẩm quyền trong việc phát hiện, xử lý hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng

Thứ bảy, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức về phòng, chống tham nhũng

Nguồn: http://www.issi.gov.vn/

Dấu ấn thanh tra Bình Dương
Liên kết website
Các Sở,Ban ngành

Các Trang khác

Thống kê truy cập

Lượt xem: 5306796