DỰ THẢO LUẬT THANH TRA (SỬA ĐỔI): PHẢI THỂ CHẾ HOÁ QUY ĐỊNH CỦA HIẾN PHÁP 2013, KIỂM SOÁT QUYỀN LỰC NHÀ NƯỚC, THỰC HIỆN CÁC QUYỀN CÔNG DÂN
Tại phiên thảo luận về dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) tại phiên họp thứ 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các ý kiến đại biểu cơ bản thống nhất với sự cần thiết sửa đổi Luật Thanh tra nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Thanh tra; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) mà Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 10 có bố cục gồm 08 chương và 116 điều, quy định về tổ chức, hoạt động thanh tra nhà nước. Cụ thể, Chương I về Những quy định chung (09 điều); Chương II về Tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan thanh tra (27 điều); Chương III về Thanh tra viên (06 điều); Chương IV về Hoạt động thanh tra (57 điều); Chương V về Thực hiện kết luận thanh tra (06 điều); Chương VI về Phối hợp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán nhà nước, điều tra (05 điều); Chương VII về Điều kiện bảo đảm hoạt động của cơ quan thanh tra (03 điều); Chương VIII về Điều khoản thi hành (03 điều).
Qua thảo luận, các ý kiến đại biểu đánh giá cao hồ sơ dự án Luật và cơ bản thống nhất với sự cần thiết sửa đổi Luật Thanh tra nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Thanh tra; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, Luật Thanh tra năm 2010 đã tạo hành lang pháp lý quan trọng trong việc hoàn thiện tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động thanh tra, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tuy nhiên, Luật Thanh tra năm 2010 còn chưa cụ thể hóa quan điểm đổi mới của Đảng trong hơn 10 năm qua và Hiến pháp năm 2013; mặt khác, Luật Thanh tra năm 2010 qua quá trình thực hiện đã bộc lộ những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, làm giảm hiệu quả, hiệu lực của hoạt động thanh tra, chưa đáp ứng tốt các yêu cầu, nhiệm vụ của tình hình mới trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Do vậy, việc sửa đổi Luật Thanh tra 2010 là cần thiết.
Báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Phát luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với sự cần thiết ban hành và phạm vi sửa đổi của dự án Luật. Tuy nhiên, bên cạnh 05 nhóm quan điểm, nguyên tắc xây dựng Luật như đã được nêu trong Tờ trình của Chính phủ; Ủy ban Pháp luật đề nghị cần bổ sung nhấn mạnh 03 quan điểm xây dựng luật cần: bám sát định hướng nghiên cứu, rà soát sửa đổi Luật Thanh tra đã được đề ra tại Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; phân định rạch ròi nhiệm vụ, quyền hạn giữa các cơ quan thanh tra và trách nhiệm giữa Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước với cơ quan thanh tra; Việc tổ chức hệ thống cơ quan thanh tra phải đặt trong tổng thể bảo đảm thực hiện được đầy đủ, hiệu quả nhiệm vụ của cơ quan thanh tra; xử lý hài hòa mối quan hệ giữa Luật Thanh tra và các luật khác có quy định về thanh tra.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, hồ sơ dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) đã được chuẩn bị khá công phu, bài bản, với bộ tài liệu dày, đáp ứng được quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh, nội dung Luật sửa đổi lần này liên quan đến nhiều luật hiện hành như Luật quản lý thuế, bảo vệ môi trường, chứng khoán, Bộ luật Lao động, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật phòng chống tham nhũng…, Ban soạn thảo cần rà soát kỹ để với phạm vi điều chỉnh, những vấn đề cơ bản của tổ chức, hoạt động thanh tra không trùng, có chồng chéo với các luật khác. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, việc bổ nhiệm thanh tra viên trong lĩnh vực đặc thù có thể chấp nhận được, còn thành lập cơ quan quản lý theo ngành, lĩnh vực (tại Điều 35) cần đánh giá có phát sinh thêm đầu mối không? Và cần đảm bảo làm sao để không phát sinh đầu mối, biên chế.
Góp ý cụ thể cho dự thảo Luật, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, bên cạnh các quan điểm được nêu trong Tờ trình dự án Luật, cần tiếp tục rà soát để quán triệt, cụ thể hóa tối đa đường lối, chủ trương của Đảng về công tác thanh tra; thể chế hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, phù hợp với chức năng nhiệm vụ về thanh tra, tiếp công dân, kiểm soát quyền lực Nhà nước, thực hiện các quyền của công dân; khắc phục bất cập, hạn chế đã được chỉ ra trong báo cáo tổng kết thi hành Luật Thanh tra. Qua đó, bảo đảm sau khi ban hành Luật này có điều kiện xây dựng một ngành thanh tra thực sự trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực, hiệu quả công tác thanh tra, góp phần quan trọng nâng cao năng lực quản lý Nhà nước, xã hội. Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, cơ hội để sửa đổi, bổ sung một đạo luật không nhiều, trung bình phải qua chu kỳ 5 đến 7 năm mới nghiên cứu, rà soát thực hiện, đòi hỏi các cơ quan chức năng cần cố gắng tối đa để cho đời sống pháp luật được kéo dài.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu ý kiến
Về định hướng và phạm vi sửa đổi, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhất trí với phạm vi điều chỉnh chỉ quy định về tổ chức, hoạt động thanh tra Nhà nước. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra cần rà soát hồ sơ dự án Luật để tập trung vào 3 lĩnh vực: Sửa đổi quy định nhằm hoàn thiện mô hình tổ chức, chức năng, quyền hạn của các cơ quan; đổi mới thanh tra các bộ ngành, phù hợp với từng bộ ngành; phân định hoạt động giữa thanh tra và kiểm toán, phân định phạm vi thanh tra giữa các cơ quan thanh tra để hạn chế chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.
Tại dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) lần này đã quy định cụ thể các nguyên tắc để tránh chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra và giữa hoạt động thanh tra với hoạt động kiểm toán nhà nước khi xây dựng kế hoạch và trong quá trình triển khai thực hiện. Trong đó, quy định mỗi Bộ, ngành, địa phương chỉ có một Kế hoạch thanh tra hằng năm do Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnhố ban hành. Kế hoạch thanh tra của Bộ, ngành, địa phương được xây dựng trên cơ sở Định hướng chương trình thanh tra và hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ. Đồng thời, quy định cụ thể về trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán nhà nước phải có đánh giá, tổng kết công tác thanh tra, kiểm toán hằng năm để có căn cứ xây dựng kế hoạch cho năm tiếp theo; việc xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm toán hằng năm phải có sự trao đổi, thống nhất giữa Tổng Thanh tra Chính phủ và Tổng Kiểm toán nhà nước.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải bày tỏ tán thành với ý kiến thẩm tra của Ủy ban Pháp luật về nội dung này, cho rằng Chính phủ đã chỉ đạo đưa vào dự thảo Luật nhiều quy định nhằm khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra, giữa hoạt động thanh tra với kiểm tra, kiểm toán. Tuy nhiên, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định rõ trách nhiệm, cơ chế phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương và địa phương, các cơ quan có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra, kiểm toán trong việc xây dựng Định hướng, kế hoạch thanh tra nhằm lược bỏ ngay từ đầu những nội dung có nguy cơ dẫn đến chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra; chỉnh lý quy định về xử lý chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra và hoạt động kiểm toán nhà nước, bảo đảm thống nhất với quy định của Luật Kiểm toán nhà nước.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, Kiểm toán là cơ quan do Quốc hội thành lập nhằm mục tiêu kiểm toán các đơn vị sử dụng tài sản công; đối tượng, phạm vi cũng như kết quả khác với Thanh tra. Do vậy, không có sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ của 2 cơ quan này. Tuy nhiên để tránh phiền hà cho đơn vị, đối tượng phục vụ kiểm toán, thanh tra thì 2 cơ quan này cần có sự phối hợp chặt chẽ với nhau để bàn thảo ngay từ lúc lập kế hoạch thanh tra, kiểm toán để tránh cả 2 cơ quan cùng thực hiện hoạt động với 1 đơn vị, đối tượng trong cùng một thời điểm là hợp lý.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng cho rằng, mỗi cơ quan mang một chức năng khác nhau, không thể nói có trùng lắp ở đây. Kiểm toán Nhà nước là cơ quan kiểm tra tài chính và tài sản công, do Quốc hội thành lập, hoạt động theo pháp luật. Một chức năng chức năng căn bản là kiểm tra, xác nhận thực trạng tài chính, báo cáo tài chính, để giải trình trách nhiệm của Chính phủ, phục vụ hoạt động cho các cơ quan quản lý Nhà nước. Trong khi đó thanh tra là để phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, nên nếu kiểm toán xong thấy cần thiết vẫn có thể tiến hành thanh tra. Vấn đề là cơ chế phối hợp giữa hai cơ quan làm sao để tránh phiền hà cho các đối tượng chịu thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, thậm chí có thể phối hợp thông qua sử dụng kết quả thanh tra, kiểm toán của các cơ quan.
Đưa ví dụ từ Hàn Quốc tổ chức một cơ quan có hai chức năng thanh tra và kiểm toán, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, các cơ quan cần làm đúng chức năng được luật định, tránh lấn sân, để vừa bảo đảm yêu cầu quản lý, vừa giảm gánh nặng. Nếu năng lực có hạn thì trong một khoảng thời gian, thanh tra làm ở phạm vi này thì Kiểm toán làm ở phạm vi khác, thực hiện phối hợp nhuần nhuyễn trên cơ sở thực hiện đúng quy định về chức năng, nhiệm vụ được Hiến pháp, luật quy định.
Liên quan đến sắp xếp, tổ chức bộ máy ở cơ quan thanh tra, nhiều ý kiến cho rằng, cần đánh giá thay đổi, phát sinh bộ máy để bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; nội dung nào hiệu quả cần giữ thì kế thừa; nội dung nào gì chưa có nhưng thấy cấp bách thì xem xét bổ sung. Trên nguyên tắc này, các đại biểu đề nghị, nên giữ nguyên thanh tra theo 3 cấp, không nên bỏ thanh tra cấp huyện, vì thanh tra cấp huyện thay mặt nhà nước để thanh tra việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương, sử dụng ngân sách, giải quyết khiếu nại, tố cáo ở địa phương… Do vậy, nếu bỏ thanh tra cấp huyện thì sẽ có lỗ hổng từ cấp xã đến cấp huyện, tỉnh.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu
Góp ý tại phiên họp về nội dung liên quan đến tổ chức hệ thống thanh tra, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, Chính phủ trình 3 cấp và một ý kiến cho rằng chỉ nên duy trì 2 cấp, bỏ đi thanh tra ở cấp huyện. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, thanh tra ở cấp huyện là cấp không thể thiếu. Hệ thống thanh tra của chúng ta hiện nay đang theo hình nón lộn ngược, có nghĩa ở trên thì nhiều nhưng dưới cơ sở quá ít. Trong khi đó thực tế thanh tra cấp huyện đúng là biên chế, con người, tổ chức ít, nhưng việc lại nhiều hơn. Do vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, nhất thiết phải tổ chức 3 cấp thanh tra và cần tăng cường năng lực cho thanh tra hoạt động ở cấp huyện cấp huyện.
Tại phiên họp, nhiều ý kiến cũng bày tỏ tán thành dự thảo Luật tách nội dung thanh tra nhân dân, để đưa vào điều chỉnh tại dự án Luật Thực hành dân chủ ở cơ sở, bởi bản chất thanh tra nhân dân mang tính quyền lực nhân dân, do vậy thanh tra nhân dân có thể thực hiện hoạt động qua tổ chức thanh tra nhân nhân ở cơ sở, nằm thực hiện chủ trương dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, thanh tra...
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu kết luận
Phát biểu kết thúc phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra, cùng với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội đã phối hợp chặt chẽ, chuẩn bị hồ sơ, tài liệu trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp rất đầy đủ, dày dặn và đáp ứng các yêu cầu đề ra. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị, Ban soạn thảo tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp hôm nay, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, đảm bảo chất lượng để trình Quốc hội thảo luận lần đầu tại kỳ họp thứ 3 vào tháng 5/2022.
Trong quá trình hoàn thiện hồ sơ, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị, Báo cáo tổng kết cần đánh giá đầy đủ, khách quan, toàn diện hơn kết quả thi hành luật; Báo cáo đánh giá tác động cần bám sát các chính sách của dự án luật, có số liệu chứng minh cụ thể, phân tích, lựa chọn giải pháp bảo đảm thuyết phục; Tờ trình cần làm rõ hơn các quan điểm, mục tiêu, nguyên tắc sửa đổi luật và phạm vi sửa đổi luật, những nội dung kế thừa, những nội dung mới, những vấn đề khác với chiến lược để báo cáo Quốc hội; đồng thời bổ sung vào hồ sơ Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến thẩm tra của Ủy ban Pháp luật để Quốc hội xem xét.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định giao Ủy ban Pháp luật chủ trì, phối hợp Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban khác của Quốc hội tiến hành thẩm tra chính thức dự án Luật này.
Một số hình ảnh tại phiên họp:
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) quán triệt quan điểm thanh tra là tai mắt của trên, là bạn của dưới và mục đích hoạt động thanh tra nhằm kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách, phòng ngừa, phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật trong quản lý nhà nước
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị thực hiện nguyên tắc tại cơ quan Bộ chỉ tổ chức một cơ quan thanh tra chuyên ngành đối với mỗi ngành, lĩnh vực
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho rằng, dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) lần này không chỉ khắc phục những tồn tại, hạn chế trong hoạt động thanh tra thời gian vừa qua mà đã đề cập và cập nhật rất nhiều những vấn đề, yêu cầu mới trong bối cảnh đất nước hội nhập quốc tế
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho rằng thanh tra cấp huyện rất quan trọng và cho rằng cần phải tăng cường thêm vai trò và nhân lực cho thanh tra cấp huyện hơn nữa trong thời gian tới
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị, Ban soạn thảo tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp hôm nay, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, đảm bảo đủ điều kiện để trình Quốc hội thảo luận lần đầu tại kỳ họp thứ 3 vào tháng 5/2022
Nguồn: www.quochoi.vn
Liên kết website
Các Trang khác
Thống kê truy cập
Lượt xem: 7567295