Xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo - Nhu cầu và hướng hoàn thiện pháp luật

26/04/2022    Lượt xem: 47537    In bài viết   Độ tương phản  

1. Thực trạng vi phạm hành chính trong tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo

Qua thực tiễn làm công tác tiếp công dân, kết quả nắm bắt tình hình tiếp công dân, tiếp nhận, đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo tại một số địa phương, có thể thấy thực trạng vi phạm hành chính trong tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo xảy ra trong thời gian qua như sau:

1.1. Vi  phạm hành chính trong tiếp công dân

Hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiếp công dân được thực hiện bởi các chủ thể thuộc ba nhóm: (1) người thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị, đề nghị và người có liên quan đến vụ việc khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị, đề nghị; (2) cá nhân có thẩm quyền, trách nhiệm tiếp công dân; (3) cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ tiếp công dân.

-  Nhóm các hành vi vi pháp luật của người thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị, đề nghị và người có liên quan đến vụ việc khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị, đề nghị, gồm:

+ Có lời nói xúc phạm danh dự, nhân phẩm của cán bộ tiếp công dân, người tiếp công dân: Khi đến trụ sở, địa điểm, nơi tiếp công dân (gọi chung là nơi tiếp công dân), một số công dân thường có thái độ bức xúc, những cử chỉ, lời nói thô bạo, chửi tục xúc phạm danh dự, nhân phẩm của cán bộ tiếp công dân, người tiếp công dân. Công dân có những hành vi trên chủ yếu do khiếu kiện của họ là những vụ việc kéo dài, chậm giải quyết hoặc đã được giải quyết nhưng không đúng với mong muốn của họ, và bị cán bộ, người tiếp công dân từ chối tiếp. Một vài trường hợp có trạng thái tâm thần không bình thường.

+ Gây mất trật tự tại nơi tiếp công dânCũng như hành vi nói xúc phạm danh dự, nhân phẩm của cán bộ tiếp công dân, người tiếp công dân, hành vi gây mất trật tự tại nơi tiếp công dân, nhất là vào những phiên tiếp công dân định kỳ của đại biểu tiếp công dân khi bị cán bộ, công chức, người tiếp công dân từ chối tiếp. Công dân thường có hành vi gọi, réo tên người đứng đầu, người tiếp công dân; gào thét, chửi bâng quơ; đập bàn, đập cửa hoặc nằm lăn ra sàn nhà dẫy dụa, khóc lóc…gây sự chú ý của những người xung quanh, gây áp lực cho người tiếp công dân; chặn xe, thậm chí đứng, ngồi, lăn, nằm trước xe của cán bộ, người tiếp công dân.

+ Tụ tập đông người ở nơi công cộng gây mất trật tự công cộng, khu vực cấm tụ tập đông người: Một số vụ việc khiếu kiện đông người (thông thường liên quan đến thu hồi đất, cưỡng chế, giải phóng mặt bằng, dự án xây dựng nhà máy xử lý rác thải rắn…), công dân thường tụ tập tại cổng Trụ sở của một số cơ quan hành chính như: Uỷ ban nhân dân tỉnh, Trụ sở Tỉnh ủy, Trụ sở cơ quan công an, ngân hàng, thanh tra…; cổng nhà riêng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước để gây áp lực cho người đứng đầu phải tiếp, hoặc phải giải quyết ngay, hoặc hứa giải quyết theo yêu sách mà họ đưa ra. Có vụ việc, công dân căng băng rôn, khẩu hiệu hoặc tụ tập thành đoàn có người đứng đầu. Một số đoàn được tuyên truyền vận động và tự giải tán, có đoàn phải chấp nhận yêu sách của họ đưa ra, cũng có đoàn cơ quan thực thi pháp luật phải tiến hành cưỡng chế đưa về trụ sở công an để tiến hành xử lý hành chính theo quy định.

+ Gây rối, cản trở hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức: Hành vi vi phạm pháp luật này thường do đoàn khiếu kiện đông người (trong đó có cả những người không khiếu kiện bị lôi kéo hoặc do tò mò) có tổ chức thực hiện. Để gây áp lực cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đoàn đông người “bao vây” không cho người người tiếp công dân đi ra khỏi khu vực cơ quan, công sở, hay khu vực mà họ vây kín. Người bị vây sẽ phải ở yên một chỗ cho đến khi yêu sách của họ được đáp ứng, hoặc bị cơ quan chức năng tiến hành giải tỏa.

+ Lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để dụ dỗ, lôi kéo, kích động, đe dọa người khác tham gia vào việc khiếu nại, tố cáo, tập trung đông người: Các hành vi này diễn ra trong trường hợp khi việc thực thi chính sách của chính quyền địa phương làm ảnh hưởng đến quyền lợi của nhiều người, thậm chỉ cả một cộng đồng dân cư. Những người khiếu kiện tổ chức thành đoàn đông người (thường là những người có cùng quyền lợi). Người đứng đầu đơn sẽ thực hiện việc vận động, lôi kéo, thậm chí là đe dọa nếu có người nào đó không tham gia vào việc khiếu kiện.

+ Lợi dụng quyền tố cáo để đe dọa người khác để trực lợi: Thực tế đã phát sinh những người chuyên đi kiện cáo. Ban đầu họ khiếu kiện nội dung liên quan đến quyền lợi trực tiếp của họ, sau do khiếu kiện của họ không đạt được nên đeo bám dai dẳng. Họ khiếu kiện hết nội dung này đến nội dung khác, hết vụ này đến vụ khác. Những gì họ thấy ở địa phương, nơi họ sống mà họ cho rằng không đúng là họ tố cáo. Cá biệt có trường hợp, khi họ phát hiện ra hành vi sai phạm, họ đến gặp gỡ, đe dọa sẽ tố cáo, gây áp lực để người bị đe dọa buộc phải đáp ứng yêu cầu mà họ đưa ra.

+ Xuyên tạc, vu khống, lăng mạ người bị khiếu nại, tố cáo: Một số công dân khi không nhất trí với việc giải quyết với cơ quan nhà nước có thẩm quyền đến trụ sở tiếp công dân tố cáo người giải quyết, cho rằng người giải quyết bao che, dung túng, từ đó có những lời lẽ xuyên tạc, lăng mạ, vu khống. Tuy nhiên, việc lăng  mạ, vu khống đó chưa đến mức bị xử lý hình sự.

+ Vi phạm các quy định khác trong nội quy, quy chế tiếp công dânNgoài các hành vi nêu trên, công dân còn có các hành vi vi phạm khác tại trụ sở tiếp công dân như: (1) mang theo dụng cụ sát thương trong người vào phòng tiếp; (2) uống rượu, bia; (3) cởi trần; (4) vứt rác bừa bãi; (5) không tuân theo hướng dẫn của cán bộ tiếp công dân, cán bộ an ninh; (6) kích động và quay video đưa lên mạng xã hội…

- Nhóm hành vi vi phạm pháp luật của cá nhân có thẩm quyền, trách nhiệm tiếp công dân, gồm:

+ Không ban hành Nội quy, Quy chế tiếp công dân: Đa số các cơ quan ban hành Nội quy tiếp công dân và niêm yết tại trụ sở tiếp công dân, nhưng cũng có một số cơ quan, đơn vị không ban hành Quy chế Tiếp công dân trên địa bàn.

+ Không có Trụ sở, địa điểm, phòng tiếp công dân riêngkhông phân công cán bộ, công chức tiếp công dân thường xuyên tại nơi tiếp công dân

Tại một số địa phương cấp xã không có phòng tiếp công dân riêng, không có cán bộ thường trực tiếp công dân. Mặc dù pháp luật tiếp công dân không quy định các cơ quan, tổ chức đơn vị phải bố trí phòng tiếp công dân riêng mà chỉ có trách nhiệm “bố trí địa điểm thuận lợi và các điều kiện cần thiết khác cho việc tiếp công dân tại Trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã”. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều xã, phường, thị trấn chưa có phòng tiếp công dân. Phòng tiếp công dân định kỳ của lãnh đạo cấp xã được bố trí chung với phòng họp của cấp xã. Việc tiếp công dân thường trực được bố trí cùng với phòng “một cửa”. Công dân đến khiếu nại không biết đến đâu (gặp trực tiếp Chủ tịch hay đến phòng một cửa). Điều này gây bất lợi không chỉ cho công dân mà ảnh hưởng trực tiếp đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, bởi Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã không thể ngày nào cũng tiếp công dân. Cá biệt có đơn vị cấp xã đồng nhất tiếp công dân với thủ tục hành chính công.

Tại cấp huyện, một số đơn vị chưa bố trí được trụ sở tiếp công dân riêng. Trụ sở tiếp công dân[1] được bố trí bên trong khuôn viên Uỷ ban nhân dân, không có phòng dành cho công dân ngồi chờ. Dân đến khiếu kiện phải đứng ngoài sân. Điều này rất bất tiện trong điều kiện thời tiết mưa gió. Tại trụ sở tiếp công dân, không có cán bộ thường trực và khóa cửa khi không có dân. Điều này hoàn toàn không tiện cho việc công dân đến khiếu kiện.

+ Không có thông báo lịch tiếp công dân: Theo quy định của pháp luật thì người đứng đầu cơ quan nhà nước phải thông báo lịch tiếp công dân. Lịch tiếp công dân của người đứng đầu cơ quan nhà nước được thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, cổng thông tin điện tử của cơ quan đơn vị. Căn cứ vào lịch tiếp công dân, người đứng đầu cơ quan sẽ thực hiện việc tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân. Tuy nhiên, một số đơn vị không có thông báo, không niêm yết lịch tiếp công dân.

Không trực tiếp tham gia tiếp công dân hoặc có tham gia nhưng không đầy đủ: Mặc dù đã có lịch tiếp công dân, tuy nhiên đến ngày tiếp công dân, người đứng đầu cơ quan, đơn vị lại không tham gia tiếp công dân với nhiều những lý khác nhau (bận họp, bận đi công tác…); hoặc ủy quyền có cấp phó, hay cơ quan thanh tra và các cơ quan chuyên môn tiếp công dân.

Ngoài các hành vi vi phạm nêu trên, nhóm chủ thể có thẩm quyền, trách nhiệm tiếp công dân còn có thể có các hành vi vi phạm khác như: tiếp công dân hình thức; thiếu sát sao trong công tác chỉ đạo, trong việc thanh tra, kiểm tra, đôn đốc cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có trách nhiệm thuộc quyền quản lý của mình thực hiện các quy định của pháp luật trong việc tiếp công dân, để xảy ra nhiều sai phạm.

- Nhóm các hành vi vi pháp luật của cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ tiếp công dân. Thực tiễn làm công tác tiếp công dân cho thấy cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ tiếp công dân thường có những hành vi vi phạm sau:

+ Không mặc trang phục, không đeo thẻ công chức, viên chức theo quy địnhhiện tại, cán bộ tiếp công dân được hưởng chế độ trang phục riêng theo Thông tư số 03/2016/TT-TTCP ngày 29/12/2016 của Thanh tra Chính phủ quy định về trang phục đối với cán bộ, công chức làm nhiệm vụ tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện gặp phải một số khó khăn dẫn đến việc mặc trang phục tiếp công dân không được thực hiện đồng bộ. Cán bộ tiếp công dân hưởng chế độ trang phục nhưng không mặc trang phục khi tiếp công dân.

+ Có thái độ không đúng mực khi tiếp công dân: Trong quá trình tiếp công dân, một phần do áp lực công việc, phần do lỗi công dân, cán bộ tiếp công dân không giữ được bình tĩnh có thái độ không chuẩn mực khi tiếp công dân. Cá biệt có trường hợp còn thách thức công dân khiếu kiện.

+ Thiếu trách nhiệm trong việc tiếp công dânCó một bộ phận cán bộ tiếp công dân thiếu trách nhiệm trong việc tiếp công dân, bỏ vị trí tiếp công dân, không tham gia tiếp công dân hoặc tiếp một cách đại khái. Hành vi vi phạm này xảy ra đối với cả thủ trưởng cơ quan, người có trách nhiệm tiếp công dân và cán bộ được phân công nhiệm vụ tiếp công dân thường xuyên, tiếp công dân định kỳ tại trụ sở tiếp công dân.

+ Gây phiền hà, sách nhiễu hoặc cản trở người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánhHành vi này thể hiện ở việc cán bộ tiếp công dân ngoài thiếu trách nhiệm, còn có sự sách nhiễu, máy móc, vô tâm, không hướng dẫn, giải thích rõ ràng, hoặc hướng dẫn, giải thích một cách đại khái, qua loa khiến họ phải đi lại nhiều, gây nên ức chế cho một số người khiếu kiện.

+Phân biệt đối xử trong khi tiếp công dânHành vi này có xảy ra nhưng ít gặp.

Không vào sổ, ghi chép: Qua thị sát thực tế cho thấy một số cơ quan đơn vị không mở sổ ghi chép, theo dõi tiếp công dân; hoặc có sổ nhưng không đúng quy định, ghi chép không đầy đủ.

1.2. Vi phạm hành chính trong việc gửi; tiếp nhận, xử lý đơn thư, theo dõi đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo

Chủ thể của hành vi vi phạm hành chính trong việc gửi; tiếp nhận, xử lý đơn thư, theo dõi đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo gồm hai nhóm: (1) nhóm các chủ thể thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo; (2) nhóm chủ thể có thẩm quyền, trách nhiệm tiếp nhận, xử lý đơn thư; theo dõi đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo.

- Hành vi vi phạm của nhóm chủ thể thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo bao gồm:

+ Cố ý tố cáo sai sự thật;

+ Cưỡng ép, lôi kéo, kích động, dụ dỗ, mua chuộc người khác khiếu nại, tố cáo sai sự thật;

+ Sử dụng họ tên của người khác để tố cáo;

+ Lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để tuyên truyền chống nhà nước, xâm phạm lợi ích của nhà nước; gây rối an ninh, trật tự công cộng; xuyên tạc, vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác.

Ngoài các hành vi vi phạm nêu trên, công dân còn có hành vi “cố tình khiếu nại, tố cáo không đúng”, “cố tình gửi đơn đeo bám kéo dài” mặc dù vụ việc đã được cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, chưa có đủ cơ sở để xác định và khẳng định hai hành vi này là hành vi vi phạm pháp luật.

- Hành vi vi phạm của nhóm chủ thể có thẩm quyền, trách nhiệm tiếp nhận, xử lý đơn thư; theo dõi đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, bao gồm:

+ Không vào sổ theo dõi đơn thư: cũng như việc tiếp công dân, pháp luật hiện hành quy định mẫu sổ đối với việc tiếp nhận đơn, theo dõi kết quả giải quyết. Thực tiễn cho thấy một số cơ quan, đơn vị ở địa phương không mở sổ theo dõi; hoặc có mở sổ nhưng sổ không đúng mẫu, cập nhật thông tin không đầy đủ về tiếp nhận, xử lý đơn thư, theo dõi kết quả giải quyết

+ Chậm trễ trong xử lý đơn: Theo quy định của pháp luật hiện hành, thời gian nghiên cứu, xử lý đơn (từ khi tiếp nhận, đến việc thông báo cho công dân biết về việc thụ lý khiếu nại, tố cáo, hoặc hướng dẫn, chuyển đến cấp có thẩm quyền giải quyết) tối đa là 10 ngày (khiếu nại lần 01 và lần 02), 07 - 10 ngày đối với tố cáo, 20 ngày đối với tố cáo tiếp. Tuy nhiên, do nhiều lý do khác nhau đơn khiếu nại, tố cáo của công dân thường kéo dài hơn so với quy định. Cá biệt có những đơn kéo dài hàng tháng, vài tháng.

+ Phân loại đơn thư không chính xác: Hành vi này diễn ra khá phổ biến không chỉ ở cấp xã, mà xảy ra ở cấp huyện, thậm chí cả cấp tỉnh, trung ương. Hành vi này được thực hiện với lỗi vô ý (do chuyên môn nghiệp vụ), và cố ý (né tránh). Chẳng hạn, đơn tố cáo phân loại thành đơn phản ánh, hay đơn khiếu nại thì phân thành đơn kiến nghị, đề nghị; đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của thủ trưởng cơ quan, đơn vị mình nhưng không đề xuất thụ lý mà chuyển hoặc hướng dẫn công dân gửi đơn đến cơ quan, đơn vị khác… điều này không những ảnh đến chất lượng giải quyết, mà còn làm lộ danh tính người tố cáo.

+ Làm mất, thất lạc đơn, không xử lý đơn: Do thiếu trách nhiệm trong công tác tiếp nhận, xử lý đơn, một số đơn thư bị thất lạc, bị mất hoặc bị bỏ quên không xử lý.

+ Lộ, tiết lộ danh tính người tố cáo: Việc để lộ danh tính người tố cáo trong quá trình tiếp nhận, xử lý đơn một phần do cơ chế tiếp nhận, xử lý đơn hiện nay chưa đảm bảo; phần khác do lỗi vô ý, hoặc cố ý của cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ tiếp nhận, xử lý đơn. Nhiều trường hợp, người xử lý chuyển đơn tố cáo về cho chính người bị tố cáo để giải quyết.

+ Thiếu sát sao trong việc theo dõi, đôn đốc kết quả giải quyết đơn thư: Các đơn thư sau khi phân loại, xử lý và chuyển đến người có thẩm quyền, giải quyết, tuy nhiên không theo dõi sát sao; không nắm được tiến độ, thông tin về vụ việc đã chuyển.

1. 3. Vi phạm hành chính trong hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo

Chủ thể vi phạm hành chính trong hoạt động này gồm ba nhóm: (1) Thủ trưởng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo; (2) Thủ trưởng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ thẩm tra, xác minh, tham mưu, đề xuất việc giải quyết; (3) Cá nhân được giao nhiệm vụ tham mưu trong việc thụ lý, ban hành quyết định giải quyết. Các hành vi vi phạm trong hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo gồm:

- Nhóm các hành vi vi phạm về trình tự, thủ tục, thể thức, thẩm quyền và thời hạn giải quyết: Không thụ lý giải quyết khiếu nại, tố cáo; Không thành lập tổ, đoàn xác minh, báo cáo kết quả thẩm tra, xác minh, kết luận nội dung khiếu nại, nội dung tố cáo; Không tổ chức đối thoại trong giải quyết khiếu nại, tổ chức đối thoại không đúng thẩm quyền; Đình chỉ, tạm đình chỉ giải quyết khiếu nại, tố cáo không đúng; chây ỳ, kéo dài thời gian giải quyết khiếu nại, tố cáo; Giải quyết tố cáo không đúng thẩm quyền; Không ban hành kết luận nội dung tố cáo, quyết định giải quyết khiếu nại; Ban hành văn bản giải quyết, trả lời khiếu nại, tố cáo không đúng thẩm quyền.

- Nhóm các hành vi vi phạm về nội dung giải quyết: Bỏ qua những tài liệu, chứng cứ do người khiếu nại, tố cáo cung cấp ảnh làm hưởng trực tiếp đến sự thật khách quan của vụ việc; Giả mạo các tài liệu, chứng cứ; Mất, thất lạc tài liệu trong hồ sơ giải quyết khiếu nại, tố cáo; không giải quyết hoặc cố ý giải quyết, ra quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận, xử lý tố cáo không đúng.

Nhóm các hành vi vi phạm pháp luật về việc thực hiện và theo dõi, đôn đốc việc thực hiện kết luận, quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo: Thiếu sát sao trong việc theo dõi, đôn đốc thực hiện hiện kết luận, quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo; Không chủ động, thiếu trách nhiệm trong việc kế hoạch và biện pháp cần thiết để thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo; Cố tình trây ì không thực hiện hoặc kéo dài thời gian thực hiện kết luận, quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo.

- Nhóm các hành vi khác: tiết lộ nội dung, danh tính người tố cáo; cản trở, gây khó khăn, phiền hà cho người khiếu nại, tố cáo; bao che cho người bị khiếu nại, tố cáo; đe dọa, mua chuộc, trả thù, trù dập, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khiếu nại, tố cáo; đưa tin sai sự thật về việc khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo; không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm bảo vệ người tố cáo; can thiệp trái pháp luật, cản trở việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; vi phạm quy định về thiết lập, lưu trữ hồ sơ giải quyết khiếu nại, tố cáo.

[1] Thực chất chỉ là phòng tiếp công dân

                                                                                                                                                                          Nguồn: Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra - Thanh tra Chính phủ.

Dấu ấn thanh tra Bình Dương
Liên kết website
Các Sở,Ban ngành

Các Trang khác

Thống kê truy cập

Lượt xem: 7636679