Quốc hội thảo luận về kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2023
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV ngày 22/11/2023, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận về kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2023. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp
Trước khi thảo luận, Quốc hội nghe: Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình trình bày Báo cáo kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2023 (1); Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo (2); Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2023 (3).
Cổng Thông tin điện tử Quốc hội sẽ liên tục cập nhật nội dung thông tin:
8h00: Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp
Điều hành phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, sáng nay, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2023. Phiên họp được truyền hình trực tiếp trên Truyền hình Quốc hội Việt Nam để cử tri và Nhân dân theo dõi.
Mở đầu phiên họp, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình trình bày Báo cáo kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2023.
8h01: Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình trình bày Báo cáo kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2023
Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình trình bày Báo cáo kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2023.
Về tình hình chung, Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình cho biết, sau thời gian bị tác động của đại dịch Covid-19 và thực hiện các biện pháp thực hiện giãn cách xã hội, tình hình công dân đến các cơ quan của Quốc hội, Đoàn ĐBQH có xu hướng tăng trở lại và gần bằng với thời điểm trước đại dịch.
Trong năm 2023, số lượt công dân đến các cơ quan của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tăng 1.615 vụ việc và tăng 102 lượt đoàn đông người so với năm 2022. Riêng tại Địa điểm tiếp công dân của Quốc hội ở Hà Nội số lượt công dân tăng 752 lượt người với 877 vụ việc và 48 lượt đoàn đông người so với năm 2022. Số lượng đơn thư của công dân gửi đến các cơ quan của Quốc hội cũng tăng 1.384 đơn so với năm 2022.
Qua nghiên cứu, nội dung đơn thư của công dân gửi đến trong lĩnh vực hành chính chủ yếu có liên quan đến các lĩnh vực: về quản lý đất đai, xây dựng; về việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; về công nhận và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; về tranh chấp đất đai; về đòi lại đất cũ; về quản lý và vận hành nhà chung cư; về việc đầu tư, xây dựng và hoạt động của khu xử lý rác thải, chăn nuôi tập trung gây ô nhiễm môi trường...
Nội dung đơn thư thuộc lĩnh vực giải quyết của các cơ quan tư pháp chủ yếu là đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật…
Đánh giá chung về công tác tiếp công dân và xử lý đơn thư, Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình cho biết, việc thực hiện công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đã được các cơ quan của Quốc hội, Đoàn ĐBQH thực hiện ngày càng bài bản, chất lượng, hiệu quả ngày càng được nâng lên.
Thông qua việc thực hiện công tác dân nguyện, nhiều vấn đề bức xúc, nổi cộm trong xã hội, những khó khăn, vướng mắc trong việc thực thi chính sách, pháp luật trên thực tiễn đã được phản ánh kịp thời để kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, xem xét, giải quyết; nhiều vụ việc phức tạp, đông người đã được các cơ quan có thẩm quyền giải quyết dứt điểm đã củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước và thể hiện được vai trò, trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội, Đoàn ĐBQH với cử tri và Nhân dân.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân còn một số tồn tại, hạn chế như: Việc chủ động tổ chức, thực hiện tiếp công dân của Đoàn ĐBQH, ĐBQH ở một số địa phương còn hạn chế, còn phụ thuộc vào kế hoạch tiếp công dân định kỳ của địa phương và phân công của Đoàn ĐBQH.
Chất lượng phân loại, xử lý đơn còn hạn chế, vẫn còn tình trạng chuyển đơn đến cơ quan không đúng thẩm quyền giải quyết. Việc thực hiện chế độ báo cáo công tác dân nguyện của một số Đoàn ĐBQH chưa bảo đảm thời gian theo quy định…
Đối với Chính phủ, Bộ ngành Trung ương, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, việc thực hiện kiến nghị giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn ĐBQH đã được các cơ quan có thẩm quyền thực hiện nghiêm túc và có nhiều chuyển biến tích cực.
Nhiều kiến nghị đã được các cơ quan có thẩm quyền tiếp thu và thực hiện có hiệu quả, như: kiến nghị về hoàn thiện thể chế liên quan đến lĩnh vực đất đai, xây dựng đã được Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng quan tâm nghiên cứu và bổ sung trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi) để khắc phục vướng mắc, bất cập trong thực tiễn.
Việc rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp gây bức xúc trong nhân dân, được dư luận quan tâm đã được rà soát, giải quyết kịp thời; Nhiều vụ việc phức tạp, nổi cộm về an ninh, trật tự đã được Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ và Công an một số địa phương tích cực điều tra, kết luận để xử lý nghiêm minh, theo đúng quy định của pháp luật, được cử tri và Nhân dân đồng tình ủng hộ.
Bên cạnh những kết quả đạt được, qua giám sát, việc thực hiện kiến nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của các cơ quan của Quốc hội, Đoàn ĐBQH còn một số tồn tại, hạn chế như: Việc thực hiện kiến nghị về hoàn thiện thể chế còn chậm, chưa rõ lộ trình thực hiện, như: quy định của pháp luật về giải quyết đơn kiến nghị, phản ánh; quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo. Việc rà soát, lập danh sách vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài ở một số địa phương còn thiếu tính chủ động, chưa kịp thời lập kế hoạch và tiến hành kiểm tra, rà soát để giải quyết dứt điểm tại địa phương.
Việc thông báo kết quả tiếp nhận, thụ lý và giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo cho cơ quan của Quốc hội, ĐBQH chuyển đến chưa kịp thời; chất lượng văn bản trả lời, thông tin kết quả giải quyết còn thiếu tính thuyết phục; một số vụ việc chưa xác minh, làm rõ vào nội dung công dân tiếp khiếu, tiếp tố dẫn đến công dân tiếp tục bức xúc; một số vụ việc cụ thể đã có kiến nghị nhưng chậm được thực hiện, việc giải quyết còn để kéo dài, không nêu rõ lộ trình giải quyết…
Việc chấp hành quy định tiếp công dân định kỳ của Chủ tịch UBND cấp huyện, một số Bộ ngành chưa đảm bảo theo quy định của Luật Tiếp công dân, việc ủy quyền cho cấp phó còn khá phổ biến. Việc thực hiện đề nghị cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đối với vụ việc cụ thể chậm được các cơ quan có thẩm quyền thực hiện, hoặc cung cấp không đầy đủ theo yêu cầu mặc dù đã nhiều lần đôn đốc…
Để nâng cao hiệu quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục triển khai, thực hiện có hiệu quả các nội dung kiến nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Nghị quyết số 623/NQ-UBTVQH15 ngày 07/10/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo”, trong đó cần quan tâm đến việc triển khai, tổ chức thực hiện các kiến nghị hoàn thiện thể chế đã được đề cập cụ thể trong Nghị quyết.
Tăng cường công tác quản lý nhà nước về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo; chủ động trong việc nắm tình hình khiếu nại, tố cáo, nhất là ở những địa phương đang có hoặc tiềm ẩn xảy ra vụ việc đông người, phức tạp để chủ động đôn đốc, phối hợp với địa phương giải quyết, xử lý.
Tăng cường công tác thanh tra công vụ, thanh tra trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước trên các lĩnh vực dễ xảy ra sai phạm và phát sinh khiếu nại, tố cáo. Chỉ đạo Bộ, ngành Trung ương và địa phương xem xét, giải quyết các đơn nhận được trong kỳ báo cáo và thực hiện kiến nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với một số vụ việc cụ thể được đề cập tại Báo cáo kỳ trước nhưng đến nay chưa được giải quyết.
Đối với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, tiếp tục triển khai, thực hiện có hiệu quả các nội dung kiến nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Nghị quyết số 623/NQ-UBTVQH15 ngày 07/10/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo”, trong đó cần quan tâm đến việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp giữa cơ quan Tòa án và cơ quan Kiểm sát trong các hoạt động tố tung dân sự, tố tụng hành chính; nâng cao tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị tái thẩm, giám đốc thẩm.
Đối với 75 vụ việc chưa được xem xét, trả lời của cơ quan Tòa án; 43 vụ việc chưa được xem xét, trả lời của cơ quan Viện kiểm sát , đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao tiếp tục chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, cơ quan Tòa án, Viện kiểm sát theo thẩm quyền quan tâm giải quyết để kịp thời thông tin, trả lời cho cơ quan chuyển đơn và công dân.
8h18: Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo
Trình bày Báo cáo về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, về kết quả tiếp công dân, đối với các cơ quan hành chính, trong năm 2023, có 391.512 lượt người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về 294.909 vụ việc, có 2.943 đoàn đông người. Tòa án nhân dân các cấp đã tiếp 285 lượt người về 253 vụ việc. Viện kiểm sát nhân dân các cấp và Kiểm toán nhà nước không có công dân đến khiếu nại, tố cáo.
Về kết quả tiếp nhận và xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, đối với các cơ quan hành chính tiếp nhận 453.097 đơn các loại; đã xử lý 428.955 đơn, có 348.181 đơn đủ điều kiện, trong đó có 52.637 đơn khiếu nại, 22.342 đơn tố cáo; có 29.040 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền. Tòa án nhân dân các cấp đã tiếp nhận 386 đơn các loại, trong đó có 74 đơn khiếu nại, 313 đơn tố cáo; 141 đơn đủ điều kiện thụ lý. Viện kiểm sát nhân dân các cấp đã tiếp nhận 99 đơn, trong đó 05 đơn khiếu nại, 57 đơn tố cáo, 37 đơn kiến nghị, phản ánh; có 04 đơn đủ điều kiện thụ lý. Kiểm toán nhà nước đã tiếp nhận 112 đơn, trong đó có 12 đơn thuộc thẩm quyền (tố cáo 10 đơn, kiến nghị phản ánh 02 đơn).
Về kết quả giải quyết khiếu nại, các cơ quan hành chính đã giải quyết 17.463/21.374 vụ việc, đạt 81,7%. Tòa án nhân dân các cấp đã giải quyết 29/29 đơn. Viện kiểm sát nhân dân các cấp và Kiểm toán nhà nước không có vụ việc thuộc thẩm quyền.
Về kết quả giải quyết tố cáo, cơ quan hành chính đã giải quyết 6.618/7.666 vụ việc, đạt 86,3%. Tòa án nhân dân các cấp đã giải quyết 100/110 đơn. Viện kiểm sát nhân dân các cấp đã thụ lý, giải quyết 04 đơn. Kiểm toán nhà nước đã giải quyết 10/10 đơn.
Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, năm 2023, bám sát sự chỉ đạo của Đảng, triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; mặc dù tình hình công dân đến cơ quan nhà nước khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh có tăng so với năm 2022 nhưng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước đã thường xuyên quan tâm, lãnh đạo chỉ đạo; Các cấp, các ngành đã nỗ lực, cố gắng có nhiều giải pháp phù hợp nên công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2023 có nhiều chuyển biến tích cực.
Trong công tác tiếp công dân, thủ trưởng các cơ quan hành chính các cấp nhận thức rõ trách nhiệm của mình về việc tiếp công dân định kỳ theo luật định, nên đã bố trí trực tiếp tiếp công dân nhiều hơn so với trước; thực hiện tốt hơn việc tiếp công dân, gắn việc tiếp công dân với giải quyết khiếu nại, tố cáo và coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm.
Trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, đối với cơ quan hành chính, việc tiếp nhận, thụ lý giải quyết khiếu nại, tố cáo về cơ bản được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục và thẩm quyền quy định của pháp luật; việc đôn đốc, thi hành quyết định, kết luận giải quyết khiếu nại, tố cáo có hiệu lực pháp luật được quan tâm. Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân và Kiểm toán nhà nước đã thực hiện tốt việc giải quyết, xử lý các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền.
Theo Tổng Thanh tra Chính phủ, việc kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài, các vụ việc công dân khiếu kiện đến trụ sở các cơ quan trung ương và nhà riêng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt với nhiều biện pháp, thúc đẩy cả hệ thống chính trị vào cuộc (một số vụ việc phức tạp, Thủ tướng Chính phủ trực tiếp họp với các bộ, ngành địa phương để cho ý kiến chỉ đạo xử lý).
Các bộ ngành, địa phương, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, đã chủ động chỉ đạo, kiểm tra, rà soát nhiều vụ việc phức tạp, gây bức xúc trong Nhân dân, dư luận xã hội quan tâm để đề rà các giải pháp giải quyết, xử lý nghiêm, khách quan, đúng pháp luật, góp phần ổn định tình hình an ninh, trật tự xã hội của từng địa phương và cả nước.
Việc thực hiện các kiến nghị của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, giải quyết đơn do các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu, đại biểu Quốc hội chuyển đến thường xuyên được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, trong đó có pháp luật về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo được thực hiện dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú, sáng tạo.
Phân tích những tồn tại, hạn chế, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, công tác tiếp công dân, mặc dù đã chuyển biến tốt hơn so với giai đoạn trước nhưng việc thực hiện tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu một số cơ quan bộ ngành, địa phương chưa thực hiện đầy đủ theo quy định của Luật; chất lượng xử lý đơn ở một số địa phương chưa cao, còn tình trạng sai sót, nhầm lẫn, chưa xem xét xử lý kịp thời ngay từ cơ sở.
Tỷ lệ giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của các cơ quan hành chính thấp hơn so với năm 2022 và chưa đạt mục tiêu phấn đấu (85%); chất lượng giải quyết ở một số địa phương còn hạn chế; việc tổ chức thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo có nơi còn chậm, chưa triệt để. Việc kiểm tra, rà soát các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài ở một số địa phương chưa chủ động, còn chậm so với yêu cầu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Việc xem xét giải quyết một số vụ việc do các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu, đại biểu Quốc hội chuyển đến còn chậm, chưa kịp thời báo cáo kết quả thực hiện. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nói chung và pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo nói riêng còn nhiều hạn chế, hiệu quả chưa cao, nhất là ở những nơi vùng sâu, vùng xa.
Về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, các cấp, các ngành cần tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm các quy định Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và các Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Các bộ, ngành trung ương tiếp tục rà soát, đánh giá việc thực hiện các chính sách, pháp luật liên quan đến khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực thuộc bộ, ngành quản lý để kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về khiếu nại, tố cáo.
Thanh tra Chính phủ thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo; chủ động nắm tình hình khiếu nại, tố cáo trên phạm vi cả nước; đặc biệt là ở những địa phương đang có hoặc tiềm ẩn xảy ra vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài để chủ động đôn đốc, phối hợp với địa phương giải quyết, xử lý; trước mắt phối hợp các bộ ngành, địa phương tập trung xử lý những vụ việc liên quan đến đất đai có nguồn gốc đất nông, lâm trường quốc doanh.
8h31: Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2023
Thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành chính năm 2023, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, báo cáo của Chính phủ đã tích hợp, phản ánh toàn diện kết quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) về hành chính của các cơ quan hành chính nhà nước và của Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Kiểm toán nhà nước theo đúng yêu cầu của Quốc hội.
Qua Báo cáo cho thấy, công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC năm 2023 tiếp tục có sự đổi mới, đạt kết quả tích cực, giải quyết kịp thời theo quy định của pháp luật đối với 81,7% số vụ việc khiếu nại, 86,3% số vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền.
Ủy ban Pháp luật đánh giá cao nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương; những kết quả đạt được trong công tác này đã góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Về công tác tiếp công dân, Ủy ban Pháp luật đánh giá cao kết quả đạt được trong công tác tiếp công dân năm 2023. Mặc dù số lượt, số vụ việc và số đoàn đông người tăng mạnh so với năm 2022, nhưng Thanh tra Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương vẫn tổ chức thực hiện tốt công tác tiếp công dân, cho thấy lĩnh vực này đang có những chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, việc công dân trực tiếp đến các Bộ, ngành để KNTC, kiến nghị, phản ánh tăng mạnh, nhất là về số lượng đoàn đông người cho thấy hiệu quả công tác giải quyết KNTC ở cơ sở còn hạn chế, tình hình công dân khiếu kiện lên các cơ quan ở Trung ương vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp; do đó, đề nghị Chính phủ chỉ đạo đánh giá làm rõ nguyên nhân để có giải pháp phù hợp giải quyết dứt điểm các vụ việc KNTC ngay từ cơ sở, không để xảy ra tình trạng KNTC vượt cấp, bức xúc, kéo dài.
Về kết quả tiếp nhận và xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ làm rõ lý do dẫn đến số lượng đơn thuộc trách nhiệm xử lý của Bộ, ngành tăng cao, số đơn đủ điều kiện xử lý giảm để có giải pháp khắc phục phù hợp, bảo đảm hiệu quả, chất lượng của công tác tiếp nhận, xử lý đơn, giảm tải khối lượng công việc cho cán bộ, công chức làm công tác này.
Về kết quả giải quyết khiếu nại, theo báo cáo cho thấy chất lượng giải quyết công việc của cơ quan nhà nước chưa thực sự có chuyển biến tích cực, có mặt còn kém hơn so với năm 2022; chất lượng giải quyết khiếu nại lần đầu của các cơ quan nhà nước chưa được cải thiện mặc dù đã có nhiều giải pháp được áp dụng. Đề nghị Chính phủ tiếp tục đánh giá, làm rõ nguyên nhân để đề ra giải pháp khắc phục hiệu quả.
Về kết quả giải quyết tố cáo, Ủy ban Pháp luật nhận thấy, năm 2023, tổng số vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính nhà nước các cấp là 7.666 vụ việc, tăng 15,5%; trong đó đã giải quyết 6.618 vụ việc, đạt 86,3%, cao hơn mục tiêu đề ra (85%) thể hiện sự cố gắng, nỗ lực của cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong công tác giải quyết tố cáo.
Tuy nhiên, số vụ việc tố cáo tăng nhiều cho thấy hoạt động của bộ máy hành chính công vụ còn không ít bất cập, người dân còn thiếu tin tưởng vào sự khách quan, công tâm của một bộ phận công chức, người có thẩm quyền trong giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp. Do đó, đề nghị Chính phủ cần đánh giá kỹ để có giải pháp khắc phục hiệu quả hơn.
Về kết quả kiểm tra, rà soát và việc giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài, đề nghị Chính phủ báo cáo bổ sung, cung cấp số liệu cụ thể hơn về tình hình giải quyết các vụ việc KNTC tồn đọng, phức tạp, kéo dài; kết quả rà soát, giải quyết các vụ việc theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đề xuất, kiến nghị của cơ quan khác có liên quan. Đồng thời, từ Báo cáo năm sau, đề nghị Chính phủ trình Quốc hội kèm theo Danh mục các vụ việc KNTC tồn đọng, phức tạp, kéo dài để có cơ sở giám sát việc giải quyết.
Về kết quả giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo do các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội chuyển đến, Ủy ban Pháp luật nhận thấy, tình trạng các cơ quan hành chính nhà nước chậm xem xét, giải quyết hoặc trả lời không đầy đủ, đúng hạn đơn thư của công dân do các cơ quan Quốc hội chuyển đến là vấn đề tồn tại đã được Ủy ban Pháp luật và các cơ quan khác của Quốc hội chỉ ra trong nhiều năm qua, mặc dù đã rất cố gắng nhưng vẫn chưa khắc phục được triệt để.
Do đó, đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm trách nhiệm giải quyết và thông báo kịp thời kết quả giải quyết theo đúng quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh, Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với đánh giá về tồn tại, hạn chế trong công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC về hành chính năm 2023 được nêu trong Báo cáo của Chính phủ; đồng thời nhận thấy, một số hạn chế, bất cập và nguyên nhân là những vấn đề tồn tại từ nhiều năm, đã được nêu trong Báo cáo của Chính phủ các năm trước, được Ủy ban Pháp luật chỉ ra trong các báo cáo thẩm tra hằng năm song đến nay vẫn chưa được khắc phục triệt để.
Do đó, đề nghị Chính phủ báo cáo cụ thể hơn kết quả của việc khắc phục những hạn chế, bất cập này; đồng thời, bổ sung, làm rõ “địa chỉ” cụ thể cơ quan, địa phương còn nhiều tồn tại, hạn chế để xác định trách nhiệm và có chế tài xử lý thích hợp, giúp cho công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC trong thời gian tới tại những nơi này có chuyển biến thực sự.
Năm 2024, cùng với các dự án đầu tư lớn đã và đang được triển khai, các dự án phát triển kinh tế - xã hội khác tại các địa phương có tốc độ đô thị hóa cao dự báo vẫn tiếp tục là điểm nóng phát sinh KNTC hành chính liên quan đến đất đai, môi trường, nhất là đối với các dự án phải thu hồi đất, bồi thường, tái định cư... Vì vậy, đề nghị Chính phủ cần quan tâm, bám sát tình hình, quyết liệt chỉ đạo, đề ra các nhiệm vụ cụ thể tăng cường trách nhiệm của các cơ quan có liên quan để kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh, không để xảy ra tình trạng KNTC phức tạp.
8h46: Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung thảo luận
Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương cho biết Báo cáo kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2023 là nội dung được tổng hợp trên cơ sở kết quả dân nguyện và giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hàng tháng, báo cáo tại Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội.
Báo cáo của Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là báo cáo thường niên nhưng năm nay có điểm mới là tổng hợp cả nội dung của khối tư pháp về nội dung giải quyết khiếu nại hành chính.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận về vấn đề như đề xuất của Ủy ban Pháp luật, đồng thời gợi mở thêm các nội dung về: Công tác tiếp công dân và trách nhiệm tiếp công dân của người đứng đầu, cần làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm. Tình trạng đoàn đông người tăng chủ yếu trong lĩnh vực hành chính.
Việc giải quyết các vụ khiếu nại tố cáo tồn đọng kéo dài. Việc tiếp nhận giải quyết đơn thư do các đại biểu Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội chuyển đến. Làm rõ những tồn tại hạn chế, nguyên nhân trong tiếp công dân, giải quyết đơn thư, giám sát giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đánh giá 1 năm thực hiện Nghị quyết 623 của Quốc hội, nhất là những nội dung Quốc hội giao các cơ quan hành chính thực hiện trong năm 2023.
8h52: Đại biểu Điểu Huỳnh Sang - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước: Cần đánh giá rõ đặc điểm, tình hình tiếp công dân, tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2023
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Điểu Huỳnh Sang - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước cơ bản thống nhất với Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành chính năm 2023, đã tổng hợp khá đầy đủ báo cáo của TANDTC, VKSNDTC, Kiểm toán nhà nước về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.
Qua nghiên cứu, đại biểu nhận thấy, năm 2023, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành địa phương đã nỗ lực đẩy mạnh thực hiện các giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo, góp phần ổn định chính trị và trật tự, an toàn xã hội.
Năm 2023, số lượng công dân đến các cơ quan của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tăng 2.040 lượt người, 1.615 vụ việc, tăng 102 lượt đoàn đông người so với năm 2022. Số lượng công dân đến cơ quan hành chính nhà nước khiếu nại, tố cáo, kiến nghị tăng 37,7%...
Do đó, đại biểu Điểu Huỳnh Sang đề nghị Báo cáo của Chính phủ cần đánh giá, làm rõ đặc điểm, tình hình tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2023, trong đó cần phải xác định rõ nguyên nhân của việc tăng mạnh số lượt, số người, số vụ và số đoàn đông người đến cơ quan hành chính Nhà nước khiếu nại, tố cáo, kiến nghị.
Đồng thời bổ sung đánh giá thực trạng và nguyên nhân của quá trình khiếu nại, tố cáo tăng nhiều về số đơn và số vụ việc, phân loại làm rõ hơn những vụ việc khiếu nại, tố cáo mới phát sinh và những vụ việc tồn đọng từ những năm trước, những vụ việc tồn đọng kéo dài nhiều năm… để có giải pháp và lộ trình xử lý cụ thể.
Bổ sung đánh giá rõ hơn về kết quả thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, UBTVQH và của Đoàn ĐBQH chuyển đến các bộ ngành và địa phương để xử lý.
Đại biểu Điểu Huỳnh Sang đề nghị Chính phủ rà soát, bổ sung các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khắc phục các tồn tại, hạn chế để nâng cao chất lượng tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, tập trung chỉ đạo và có giải pháp, lộ trình cụ thể để xử lý dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài, tồn đọng, hạn chế phát sinh các vụ việc mới, trong đó có giải pháp trọng tâm, then chốt, mang tính đột phá, cần thực hiện ngay các giải pháp cơ bản, lâu dài, chú trọng giải pháp hoàn thiện thể chế pháp luật, tuyên truyền giáo dục, phổ biến pháp luật. Đồng thời xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để hoạt động trái pháp luật.
8h58: Đại biểu Cầm Thị Mẫn - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa: Tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về tiếp công dân
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Cầm Thị Mẫn đánh giá cao sự nỗ lực quyết tâm của Chính phủ, các bộ, ngành trong khối Nội chính và các địa phương trong thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong năm 2023. Những kết quả đạt được đã góp phần rất lớn trong việc giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, củng cố lòng tin của Nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh kết quả đạt được, đại biểu Cầm Thị Mẫn đồng tình với những tồn tại, hạn chế đã nêu trong các báo cáo đã nêu.
Đại biểu nhấn mạnh,năm 2024 là năm cao điểm thực hiện việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo Nghị quyết số 35 Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XV; là năm bản lề chuẩn bị Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030; các vấn đề về kinh tế - xã hội, về đất đai, về chế độ chính sách có thể sẽ phát sinh khiếu nại tố cáo.
Do vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành trong khối Nội chính, các địa phương tiếp tục xác định công tác tiếp công dân giải quyết khiếu nại tố cáo là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu; chủ động nắm chắc tình hình, tập trung xử lý và kịp thời giải quyết các vụ việc, không để phát sinh vấn đề phức tạp về an ninh, chính trị và trật tự xã hội.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định về Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại luật tố cáo và các bạn văn bản chỉ đạo của Trung ương, của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan quản lý Nhà nước trong công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân, đặc biệt là trách nhiệm của cơ quan thanh tra các cấp trong công tác quản lý nhà nước về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo.
Chủ động nắm chắc tình hình khiếu nại tố cáo tại các địa phương, đặc biệt là đối với những địa phương đang có; hoặc tiềm ẩn xảy ra các vụ việc đông người phức tạp để chủ động đôn đốc phối hợp giải quyết.
Đại biểu Cầm Thị Mẫn cũng đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương tăng cường phổ biến tuyên truyền giáo dục pháp luật đến toàn thể Nhân dân để mỗi người dân nắm bắt được các quy định của pháp luật, đặc biệt là chính sách pháp luật liên quan đến quyền lợi nghĩa vụ của công dân trong khiếu nại tố cáo.
Đối với các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng nắm chắc tình hình khiếu nại tố cáo trên địa bàn, có kế hoạch tổ chức tiếp công dân, giải quyết kịp thời dứt điểm các vụ việc khiếu nại tố cáo thuộc thẩm quyền mới phát sinh; tổ chức thực hiện nghiêm túc triệt để các quyết định kết luận giải quyết khiếu nại tố cáo đã có hiệu lực pháp luật và những vụ việc đã được Thủ tướng Chính phủ các bộ ngành chức năng của Trung ương có ý kiến chỉ đạo giải quyết…
9h06: Đại biểu Phạm Thị Kiều - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông: Đẩy nhanh việc rà soát, lập danh sách vụ việc đông người, phức tạp
Đại biểu Phạm Thị Kiều bày tỏ nhất trí với Báo cáo kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo công dân gửi đến Quốc hội năm 2023.
Góp ý về vấn đề cụ thể, đại biểu cho biết, thực trạng cho thấy việc tiếp công dân, xử lý đơn thư của Đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương còn một phần mang tính chất hành chính, chỉ dừng lại ở việc chuyển đơn. Đối với một số đơn, thư hợp lệ bao gồm các bước nhận đơn, đọc đơn, chuyển đơn nhằm trả lời đơn là chủ yếu.
Đại biểu nêu rõ, nguyên nhân của thực trạng trên xuất phát từ nhiều khía cạnh. Theo đó, khi công dân nộp đơn thường cung cấp đầy đủ các hồ sơ, tài liệu có liên quan như hồ sơ về đất đai, đối với đơn có nội dung khác thường cung cấp không đầy đủ hồ sơ, tài liệu liên quan đến vụ việc.
Do đó, Đoàn đại biểu Quốc hội không nắm bắt được hết nội dung, quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo lần đầu hay đã giải quyết nhiều lần. Vì vậy, không tránh khỏi có trường hợp chuyển đơn đến cơ quan không còn thẩm quyền giải quyết...
Bên cạnh đó, chưa có hướng dẫn cụ thể về văn bản trả lời của các cơ quan, đơn vị, ngoại trừ các vụ việc liên quan đến giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư, đền bù phức tạp kéo dài. Thông thường, Đoàn đại biểu Quốc hội nhận được văn bản trả lời rất vắn tắt, mang tính chất thông báo, không có giải trình rõ ràng quy trình giải quyết nên cũng không có cơ sở đánh giá, nắm bắt toàn diện vụ việc....
Để nâng cao chất lượng công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, đại biểu tại các địa phương cần có quy định thống nhất về phần mềm như đơn, thư khiếu nại, tố cáo riêng với hệ thống quản lý văn bản và điều hành để dễ tra cứu, theo dõi các vụ việc.
Đối với Trung ương, cần mở hệ thống phần mềm tập hợp, tổng hợp các vụ việc phức tạp, nổi cộm đã chấm dứt thụ lý để giảm tải lượng đơn của Đoàn đại biểu Quốc hội. Đồng thời đẩy nhanh việc rà soát, lập danh sách vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài ở một số địa phương, hướng tới việc chủ động lập kế hoạch và tiến hành kiểm tra, rà soát để giải quyết dứt điểm tại địa phương.
9h11: Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận: Tiếp tục nâng cao chất lượng hiệu quả tiếp công dân, xử lý đơn thư…
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Quốc hội Đàng Thị Mỹ Hương bày tỏ tán thành cao với Báo cáo về kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội từ ngày 1/8/2022 đến ngày 31/7/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình ra Quốc hội…
Đại biểu bày tỏ tán thành cao với những nhận định của Báo cáo thông qua việc thực hiện công tác dân nguyện, nhiều vấn đề bức xúc, nổi cộm trong xã hội, những khó khăn, vướng mắc trong việc thực thi chính sách, pháp luật trong thực tiễn đã được phản ánh kịp thời để kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, xem xét, giải quyết. Nhiều vụ việc phức tạp, đông người đã được các cơ quan có thẩm quyền giải quyết dứt điểm đã củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và thể hiện được vai trò, trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội với cử tri và nhân dân.
Bên cạnh đó, Báo cáo cũng đã phản ánh rõ nét về những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế của từng việc đối với từng đối tượng; các số liệu phản ánh được nêu khá cụ thể…
“Tuy nhiên, để giải quyết các hạn chế, khó khăn được nêu thì tại Báo cáo mới dừng ở kiến nghị và đề xuất. Trong báo cáo thẩm tra về nội dung này đánh giá một số hạn chế, bất cập và nguyên nhân là những vấn đề tồn tại từ nhiều năm đã được nêu trong báo cáo của Chính phủ ở các năm trước, được Ủy ban Pháp luật chỉ ra trong các báo cáo thẩm tra hàng năm song đến nay vẫn chưa được khắc phục triệt để. Về vấn đề này, Ủy ban Pháp luật cũng đã đưa ra minh chứng rất cụ thể. Tôi mong muốn Quốc hội ban hành nghị quyết quy định giao nhiệm vụ cụ thể để sớm giải quyết dứt điểm các tồn tại, hạn chế đã được chỉ rõ nhưng bị kéo dài, chậm giải quyết để góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.”, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương nêu ý kiến.
9h16: Đại biểu Thái Thị An Chung - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An: Nâng cấp, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo
Theo đại biểu Thái Thị An Chung - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An, tiến độ thực hiện nâng cấp, mở rộng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo như vậy là chậm, chưa xác định được lộ trình cụ thể để đưa Cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo vào vận hành đáp ứng yêu cầu của Quốc hội.
Đại biểu đề nghị Chính phủ, Thanh tra Chính phủ cần chỉ rõ nguyên nhân của tồn tại, hạn chế này- ngoài việc chưa được đầu tư thoả đáng thì nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan khác là gì? để sớm có giải pháp khắc phục và cam kết tiến độ hoàn thành để tránh lãng phí thời gian, công sức của người dân và cán bộ, công chức.
Về một số giải pháp để nâng cao chất lượng công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu đề nghị cần quan tâm một số vấn đề sau:
Cụ thể, UBTVQH cần sớm nghiên cứu, bổ sung quy định về phân loại xử lý đơn khiếu nại, tố cáo của cơ quan dân cử; tiếp tục tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng cho đại biểu dân cử và cán bộ, công chức tham mưu, giúp việc về nội dung này trong thời gian tới.
Ngoài ra, đại biểu kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu chỉ đạo việc xây dựng, hoàn thiện và đưa vào sử dụng phần mềm cơ sở dữ liệu quản lý đơn thư sử dụng chung giữa các cơ quan của Quốc hội, Đoàn ĐBQH để thuận tiện trong việc quản lý, lưu trữ, tra cứu, xử lý đơn thư và theo dõi, đôn đốc việc giải quyết, trả lời đơn thư, từ đó có thể lựa chọn các vụ việc để tập trung giám sát, đáp ứng được nguyện vọng của cử tri.
9h23: Đại biểu Lê Văn Thìn - Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên phát biểu: Rà soát, phân loại các vướng mắc, bất cập, phân loại thẩm quyền giải quyết theo quy định pháp luật
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Lê Văn Thìn - Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên nêu rõ, qua công tác tiếp công dân, phần lớn các vấn đề tập trung khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai, nhất là những đơn thư khiếu nại kéo dài. Các vướng mắc phát sinh từ quá trình phát triển kinh tế - xã hội qua các thời kỳ.
Có những vướng mắc kéo dài rất nhiều năm. Đại biểu Lê Văn Thìn chỉ rõ nguyên nhân của những vướng mắc này là do các cơ quan quản lý Nhà nước là chủ yếu, hoặc tại địa phương trước đây thực hiện chưa đúng, chưa đầy đủ các quy định pháp luật, hoặc do pháp luật thay đổi qua các thời kỳ mà không áp dụng được các điều khoản chuyển tiếp. Và hiện các vụ việc này hầu như không giải quyết được, nếu áp dụng pháp luật hiện hành cũng không giải quyết được.
Do đó, đại biểu Lê Văn Thìn đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương rà soát, thống kê lại các vướng mắc, bất cập, phân loại các thẩm quyền giải quyết theo quy định pháp luật. Đối với các vướng mắc thuộc thẩm quyền của địa phương, vướng mắc nào chưa rõ, cần sự hỗ trợ của các bộ ngành thì giao cho các bộ ngành và Tổ Công tác của Chính phủ nghiên cứu có những hướng dẫn để giải quyết dứt điểm. Đại biểu cho rằng, đây chỉ là giải pháp áp dụng trong một thời gian nhất định, tránh trường hợp lạm dụng ở các bộ ngành phải thực hiện thay phần việc của mình.
9h27: Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cảm ơn Quốc hội và các đại biểu Quốc hội đã đánh giá cao nỗ lực, cố gắng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2023 – một công việc khó khăn, phức tạp.
Với sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo năm 2023 tiếp tục có sự đổi mới, tích cực, giải quyết kịp thời theo quy định của pháp luật. Công tác chỉ đạo điều hành, phối hợp giữa các cơ quan ngày càng chặt chẽ, hiệu quả hơn. Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết sẽ tiếp thu đầy đủ ý kiến thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, ý kiến của các đại biểu Quốc hội.
Giải trình làm rõ thêm một số nội dung, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết về tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, thời gian qua công tác này đã được thực hiện bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, sáng tạo, phù hợp với từng vùng miền, từng đối tượng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để truyền tải nội dung tuyên truyền.
Tuy nhiên, hiệu quả công tác này này còn hạn chế. Do đó, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết thời gian tới sẽ tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung và tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo nói riêng.
Về tiếp công dân và xử lý đơn thư, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết số đơn thư năm 2023 tăng mạnh; tỉ lệ đơn đủ điều kiện xử lý càng lên cao lại càng giảm; việc chuyển đơn và xử lý đơn còn nhiều bất cập.
Tiếp thu ý kiến thẩm tra và ý kiến đại biểu Quốc hội, thời gian tới Thanh tra Chính phủ cùng các bộ ngành địa phương tiếp tục tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; đồng thời nghiên cứu đầu tư nâng cấp, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo, phân định rõ các loại đơn theo thẩm quyền giải quyết hạn chế trùng lặp.
Về kết quả kiểm tra, rà soát các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, kéo dài, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết thực hiện Nghị quyết 623, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành địa phương khẩn trương kiểm tra rà soát giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, kéo dài. Thanh tra Chính phủ đã tích cực phối hợp với Bộ Công an, các bộ ngành chức năng, địa phương tiến hành rà soát, phân loại, giải quyết cụ thể 1003 vụ việc. Các địa phương rà soát, phân loại, giải quyết 856/1003 vụ việc đạt 85,3%.
Thời gian tới, Thanh tra Chính phủ tiếp tục tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương phát huy trách nhiệm các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong giải quyết khiếu nại, tố cáo; phối hợp chặt chẽ với bộ ngành trung ương tập trung giải quyết dứt điểm những vụ việc tồn đọng, kéo dài còn lại.
9h36: Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương kết luận nội dung thảo luận
Phát biểu kết luận nội dung phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, phiên họp đã có 5 lượt ý kiến phát biểu, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong đã giải trình, báo cáo làm rõ một số vấn đề mà đại biểu Quốc hội nêu. Các đại biểu cơ bản nhất trí với các báo cáo, cho rằng nội dung các báo cáo đã phản ánh, đánh giá đầy đủ tình hình tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội trong kỳ báo cáo…
Quốc hội ghi nhận, đánh giá công tác này đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế- xã hội trên phạm vi cả nước và ở từng địa phương. Đại biểu Quốc hội cũng cơ bản nhất trí với đánh giá về những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, đồng thời phân tích, làm rõ thêm tình hình, kết quả thực hiện. Cùng với đó đề nghị Chính phủ, Quốc hội, các bộ, ngành làm rõ hơn nguyên nhân chủ quan, trách nhiệm của các cơ quan và cá nhân.
Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội cũng thống nhất với những nhóm giải pháp và kiến nghị thêm các giải pháp khác để khắc phục các tồn tại, hạn chế nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác này trong thời gian tới. Cụ thể, cần tuyên truyền cho người dân hiểu và tạo sự đồng thuận, hướng dẫn cung cấp thông tin vụ việc với đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và các cơ quan Quốc hội để hạn chế việc chuyển đơn thư nhiều lần, lòng vòng, nhất là các đơn đã hết thẩm quyền giải quyết mà vẫn khiếu nại nhiều lần; tiếp tục đầu tư xây dựng phần mềm trong đề án chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia để chia sẻ dữ liệu quản lý đơn thư…
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, Tổng thư ký Quốc hội sẽ tập hợp đầy đủ ý kiến của đại biểu để gửi đến Chính phủ và các cơ quan; cùng với đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghiêm túc tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội để đưa nội dung này vào Nghị quyết chung của Kỳ họp.
9h39: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Tờ trình về việc điều chỉnh Chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận tại phiên họp ngày 03/11/2023 và ý kiến của các cơ quan, ngày 16/11/2023, tại Phiên họp giữa 02 đợt của Kỳ họp thứ 6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến thống nhất về nhiều nội dung tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Tuy nhiên, dự thảo Luật vẫn còn một số nội dung, chính sách lớn cần tiếp tục nghiên cứu để thiết kế phương án chính sách tối ưu; việc rà soát, hoàn thiện toàn diện dự thảo Luật cần thêm thời gian để bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp và thống nhất của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật.
Do đây là dự án Luật có tính chất đặc biệt quan trọng, tác động rất lớn đến các hoạt động kinh tế - xã hội và đời sống của người dân, vì vậy, sau khi thống nhất với Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội cho phép điều chỉnh thời gian thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi) từ kỳ họp này sang kỳ họp gần nhất của Quốc hội để tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý, rà soát kỹ lưỡng và hoàn thiện dự thảo Luật, bảo đảm chất lượng tốt nhất trước khi trình Quốc hội thông qua; đồng thời, đề nghị điều chỉnh chương trình phiên họp sáng ngày 29/11/2023, Kỳ họp thứ 6 như dự kiến gửi kèm theo.
9h41: Biểu quyết thông qua việc điều chỉnh Chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV
Tiếp đó, Quốc hội tiến hành biểu quyết, kết quả 91,70% đại biểu tham gia biểu quyết tán thành điều chỉnh Chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Cổng Thông tin điện tử Quốc hội
Liên kết website
Các Trang khác
Thống kê truy cập
Lượt xem: 7636733