Điểm mới về quy trình xử lý đơn trong thời gian hiện nay

26/04/2022    Lượt xem: 18236    In bài viết   Độ tương phản  

Theo quy định của Thông tư số 05/2021/TT-TTCP ngày 01 tháng 10 năm 2021 của Thanh tra Chính phủ, có hiệu lực từ ngày 15 tháng 11 năm 2021 quy định quy trình xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh, việc tiếp nhận, xử lý ban đầu không phụ thuộc vào tiêu đề của đơn mà phụ thuộc vào nội dung đơn. Và điều kiện xử lý đơn. Cụ thể như thế nào? Trong bài viết này, tôi phân tích một số tiêu chí mới về thụ lý đơn trong thời gian hiện nay.

- Đầu tiên, việc phân loại đơn căn cứ vào nội dung trình bày trong đơn, mục đích, yêu cầu của người viết đơn, không phụ thuộc vào tiêu đề của đơn.  Chính vì vậy, công chức làm công tác xử lý đơn không phân loại đơn theo tiêu đề của đơn mà phải đọc toàn bộ nội dung đơn để phân loại. Mặt khác, phải xem xét mục đích, yêu cầu của người viết đơn, như thế việc giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh mới đi đúng hướng, giải quyết được vấn đề, không để tình trạng khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh kéo dài, gây mất trật tự, an ninh xã hội.

- Thứ hai, điều kiện xử lý đơn bổ sung một số quy định mới

Theo điểm a khoản 2 Điều 6 Thông tư số 05/2021/TT-TTCP về đơn đủ điều kiện xử lý có bổ sung một số quy định mới, cụ thể:

- Về chữ viết trong đơn: Bổ sung trường hợp đơn được viết bằng tiếng nước ngoài thì phải kèm bản dịch được công chứng. Trong trường hợp này, đối tượng là người nước ngoài, công ty nước ngoài có trụ sở ở Việt Nam, sinh sống và làm việc tại Việt Nam có quyền gửi đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, nhưng phải kèm theo bản dịch sang tiếng Việt Nam đã được công chứng.   

Đối với đơn khiếu nại: Ngoài các yêu cầu về việc ghi rõ tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị khiếu nại; nội dung, lý do khiếu nại, yêu cầu của người khiếu nại, Thông tư số 05/2021/TT-TTCP còn bổ sung thêm quy định mới về yêu cầu bổ sung thêm tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại.

Đối với đơn tố cáo: Ngoài các yêu cầu được giữ nguyên theo quy định cũ, Thông tư số 05/2021/TT-TTCP còn bổ sung yêu cầu về cách thức liên hệ với người tố cáo và các thông tin khác có liên quan.

Đặc biệt, Thông tư số 05/2021/TT-TTCP bổ sung thêm một trường hợp đủ điều kiện xử lý đơn, cụ thể: “Đơn không rõ họ tên, địa chỉ của người gửi đơn nhưng có nội dung tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật và nêu rõ người có hành vi vi phạm pháp luật, có tài liệu, chứng cứ cụ thể về hành vi vi phạm pháp luật và có cơ sở để thẩm tra, xác minh theo quy định tại khoản 2 Điều 25 Luật Tố cáo”.

Thứ ba, quy định mới về đơn không đủ điều kiện xử lý

Thông tư số 05/2021/TT-TTCP bổ sung thêm hai trường hợp đơn không đủ điều kiện xử lý:

- Đơn có nội dung chống đối đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đơn có nội dung chia rẽ đoàn kết dân tộc, tôn giáo; đơn có lời lẽ thô tục, bôi nhọ, xúc phạm danh dự, uy tín của cá nhân, cơ quan, tổ chức, đơn vị.

- Đơn rách nát, chữ viết bị tẩy xóa, không rõ, không thể đọc được.

Thứ tư, quy định mới về xử lý đơn tố cáo không đúng thẩm quyền

Theo khoản 2  Điều 14 Thông tư số 05/2021/TT-TTCP về xử lý đơn tố cáo không thuộc thẩm quyền giải quyết quy định: “Đơn tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp dưới trực tiếp nhưng quá thời hạn theo quy định của Luật Tố cáo mà chưa được giải quyết thì người xử lý đơn đề xuất người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị ra văn bản yêu cầu người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp dưới trực tiếp báo cáo về quá trình giải quyết tố cáo, lý do chậm giải quyết, xác định trách nhiệm giải quyết tố cáo và phải báo cáo kết quả giải quyết”. Theo quy định này, ngoài việc yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp dưới phải giải quyết đơn tố cáo, Thông tư số 05/2021/TT-TTCP còn bổ sung thêm quy định về yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp dưới báo cáo về quá trình giải quyết tố cáo, lý do chậm giải quyết, xác định trách nhiệm giải quyết tố cáo.

Thứ năm, xử lý đơn tố cáo hành vi vi phạm thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại

Điều 17 Thông tư số 05/2021/TT-TTCP có bổ sung quy định mới về việc xử lý đơn tố cáo hành vi vi phạm thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại, cụ thể:

“1. Đơn tố cáo người giải quyết khiếu nại vi phạm về thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại thì không thụ lý đơn theo quy định của Luật Tố cáo. Trong trường hợp này, người xử lý đơn hướng dẫn người có đơn tiếp tục thực hiện việc khiếu nại hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

2. Đối với đơn tố cáo mà người tố cáo cung cấp được thông tin, tài liệu, chứng cứ xác định người giải quyết khiếu nại có hành vi vi phạm một trong các điều cấm được quy định tại các khoản 1, 2 và 4 của Điều 6 Luật Khiếu nại thì thụ lý giải quyết theo quy định của Luật Tố cáo”.

Theo quy định này, trường hợp người tố cáo cung cấp được thông tin, tài liệu, chứng cứ xác định người giải quyết khiếu nại có hành vi vi phạm về điều cấm quy định tại khoản 1, 2 và 4 Điều 6 Luật Khiếu nại năm 2011, cụ thể: “Cản trở, gây phiền hà cho người thực hiện quyền khiếu nại; đe doạ, trả thù, trù dập người khiếu nại; thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết khiếu nại; không giải quyết khiếu nại; làm sai lệch các thông tin, tài liệu, hồ sơ vụ việc khiếu nại; cố ý giải quyết khiếu nại trái pháp luật; bao che cho người bị khiếu nại; can thiệp trái pháp luật vào việc giải quyết khiếu nại” thì người có thẩm quyền thụ lý giải quyết.

Trên đây là một số tiêu chí mới về quy trình xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo Thông tư số 05/2021/TT-TTCP có hiệu lực từ ngày 15 tháng 11 năm 2021.

                                                              Nguồn: ThS. Phạm Thị Thùy Dương, Giảng viên, Khoa Nghiệp vụ 2, Trường Cán bộ thanh tra - Thanh tra Chính phủ.

 

Dấu ấn thanh tra Bình Dương
Liên kết website
Các Sở,Ban ngành

Các Trang khác

Thống kê truy cập

Lượt xem: 7637073