Tiếp tục hoàn thiện pháp luật về thanh tra đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra
Nhằm hoàn thiện pháp luật về thanh tra, trong thời gian qua Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã xây dựng và ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thanh tra năm 2022 và các nghị định, nghị quyết hướng dẫn thi hành. Để hiểu rõ hơn về quá trình xây dựng các văn bản đó, phóng viên Báo Thanh tra đã có cuộc trò chuyện với TS Trần Đăng Vinh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, TTCP về công tác này.
TS Trần Đăng Vinh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, TTCP. Ảnh: TH
11 thông tư hướng dẫn thực hiện Luật Thanh tra 2022
+ Xin ông cho biết quá trình xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Thanh tra năm 2022?
+ TS Trần Đăng Vinh: Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Chương trình Xây dựng pháp luật của Quốc hội Khoá XV, trên cơ sở kết quả tổng kết 10 năm thực hiện Luật Thanh tra năm 2010, TTCP đã chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành địa phương giúp Chính phủ xây dựng, trình Quốc hội thông qua Luật Thanh tra tại kỳ họp thứ 4 vào ngày 14/11/2022 với tỷ lệ tán thành cao.
Luật Thanh tra năm 2022 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023 gồm 8 chương, 118 điều (tăng 1 chương và 40 điều so với Luật Thanh tra 2010) đã thể chế hóa quan điểm của Đảng, Nhà nước và Hiến pháp năm 2013 về tổ chức, hoạt động của các cơ quan thanh tra và khắc phục những hạn chế, bất cập của các quy định pháp luật về thanh tra, trong đó có một số điểm mới so với Luật Thanh tra 2010.
Trên cơ sở quy định của Luật Thanh tra, TTCP đã chủ trì xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định 43/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và hướng dẫn thi hành Luật Thanh tra; Nghị định số 81/2023/NĐ-CP quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của TTCP; Nghị định số 03/2024/NĐ-CP quy định về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành; giúp Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 37/2023/UBTVQH15 ngày 6/9/2023 quy định việc các cơ quan thanh tra được trích một phần từ các khoản tiền thu hồi phát hiện qua thanh tra sau khi nộp vào ngân sách Nhà nước; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 20/10/2023 về việc chấn chỉnh, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ.
Theo thẩm quyền và với trách nhiệm là cơ quan quản lý Nhà nước về thanh tra, TTCP đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương xây dựng 11 thông tư, trong đó, Tổng Thanh tra đã ban hành Thông tư số 01/2023/TT-TTCP hướng dẫn về vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành Thanh tra; Thông tư 02/2023/TT-TTCP hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thanh tra huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố thuộc Trung ương; Thông tư số 01/2024/TT-TTCP quy định chế độ báo cáo công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Thông tư 02/2024/TT-TTCP quy định xét tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Thanh tra”; Thông tư số 03/2024/TT-TTCP quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng đối với ngành Thanh tra; Thông tư 04/2024/TT-TTCP quy định việc xây dựng, phê duyệt định hướng chương trình thanh tra và ban hành kế hoạch thanh tra; Thông tư 05/2024/TT-TTCP quy định về mẫu thẻ thanh tra và việc cấp, quản lý, sử dụng thẻ thanh tra.
Để pháp luật thanh tra vào cuộc sống, TTCP đã có nhiều hình thức để triển khai Luật Thanh tra năm 2022, trong đó, xuất bản sách tìm hiểu pháp luật về thanh tra; tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc để tuyên truyền, phổ biến Luật Thanh tra năm 2022 và các văn bản hướng dẫn thi hành; cử báo cáo viên dự các hội nghị phổ biến, quán triệt, triển khai Luật Thanh tra năm 2022 của các bộ, ngành, địa phương.
Nhiều biện pháp tháo gỡ vướng mắc
+ Trong quá trình thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về thanh tra, đã không ít các bộ, ngành, địa phương còn gặp nhiều vướng mắc. TTCP có biện pháp gì để tháo gỡ những vướng mắc đó, thưa ông?
+ TS Trần Đăng Vinh: Khi có vướng mắc, TTCP nghiên cứu để có biện pháp tháo gỡ về mặt thể chế, trong đó, đã ban hành hàng chục văn bản trả lời, hướng dẫn nghiệp vụ thanh tra cho các bộ, ngành địa phương, chủ yếu là các quy định về thẩm quyền ban hành quyết định thanh tra, thời gian tiến hành thanh tra, ban hành nhiều kết luận thanh tra; việc sử dụng con dấu tài khoản trong hoạt động thanh tra; tiêu chuẩn bổ nhiệm vào ngạch thanh tra theo thủ tục chuyển ngạch; việc miễn nhiệm thanh tra viên...
Đồng thời, TTCP đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đánh giá việc thực hiện Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp; đánh giá việc thực hiện Quyết định số 774/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục bí mật Nhà nước thuộc lĩnh vực thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; sơ kết 5 năm thực hiện Thông tư liên tịch số 03/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP-TTCP của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, TTCP quy định về phối hợp giữa cơ quan điều tra, viện kiểm sát, cơ quan thanh tra trong việc trao đổi thông tin về tội phạm và giải quyết kiến nghị khởi tố phát hiện thông qua hoạt động thanh tra.
TTCP tổ chức hội nghị giải đáp, làm rõ nhiều nội dung về pháp luật thanh tra. Ảnh: TH |
Có thể nói công tác xây dựng văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Thanh tra năm 2022 đã được triển khai đồng bộ nhằm tạo cơ sở pháp lý thống nhất cho tổ chức và hoạt động thanh tra. Đây là nhiệm vụ quan trọng, thể hiện tinh thần trách nhiệm và sự nỗ lực rất lớn của đội ngũ cán bộ, công chức của TTCP, nhất là vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Ban Cán sự Đảng, Đảng ủy, lãnh đạo TTCP.
Mặc dù vậy, một số văn bản tiến độ hoàn thành còn chậm, chất lượng soạn thảo chưa cao. Nguyên nhân cơ bản là do đối tượng tác động rộng lớn, không chỉ trong phạm vi quản lý Nhà nước của TTCP mà còn giao thoa giữa các lĩnh vực quản lý Nhà nước khác nhau; quá trình soạn thảo có nhiều ý kiến khác nhau, nhiều lần phải tiếp thu, hoàn thiện, chỉnh sửa hoặc phải chờ ban hành văn bản có cấp độ cao hơn; đội ngũ công chức làm công tác pháp chế của TTCP còn thiếu, kinh nghiệm trong công tác thanh tra còn mức độ nên ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng tham mưu xây dựng pháp luật về thanh tra.
Không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật
+ Xin ông cho biết thời gian tới, TTCP có những biện pháp gì để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về công tác pháp chế về thanh tra?
+ TS Trần Đăng Vinh: Thời gian tới, TTCP sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Ngân hàng Nhà nước để xây dựng, trình Chính phủ ban hành 3 nghị định quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra trong lực lượng công an nhân dân, quân đội nhân dân, ngân hàng nhà nước.
Đồng thời, tiếp tục xây dựng và trình Tổng Thanh tra ban hành 4 thông tư quy định về thẩm quyền, nội dung thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; việc lập hồ sơ thanh tra, hồ sơ giải quyết khiếu nại, hồ sơ giải quyết tố cáo; trang phục của cán bộ, thanh tra viên, công chức, viên chức thuộc các cơ quan thanh tra; trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra, đồng thời, xây dựng, ban hành các quy định về chức năng, nhiệm vụ của các cục, vụ, đơn vị thuộc TTCP theo Nghị định số 81/2023/NĐ-CP; quy chế về tổ chức và hoạt động đoàn thanh tra của TTCP; quy chế về quản lý, sử dụng kinh phí trích cho TTCP từ các khoản tiền thu hồi phát hiện qua thanh tra sau khi nộp vào ngân sách Nhà nước.
Bên cạnh đó, TTCP tiếp tục triển khai các chương trình, kế hoạch về tuyên truyền, phổ biến pháp luật, theo dõi thi hành pháp luật, rà soát, hệ thống hóa, kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật năm 2024 của TTCP. Phấn đấu khắc phục hạn chế, tồn tại đã được chỉ ra, bảo đảm hoàn thành đúng tiến độ; không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật nói riêng và công tác pháp chế nói chung, góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ của TTCP và ngành Thanh tra trong năm 2024.
Để đạt được kết quả tốt, cần quan tâm đổi mới phương pháp chỉ đạo, điều hành, phân công tổ chức thực hiện nhiệm vụ pháp chế một cách linh hoạt, khoa học, phù hợp với năng lực, trình độ, sở trường của cán bộ, công chức; phát huy vai trò, nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác pháp chế; chủ động nghiên cứu khoa học theo chuyên đề phục vụ cho công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật; tăng cường phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng, phát huy tối đa trí tuệ tập thể trong quá trình xây dựng và hoàn thiện pháp luật.
Đồng thời, quan tâm ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý công việc để bảo đảm tiết kiệm thời gian, tăng thêm tính hiệu quả nhằm hoàn thành tốt hơn các nhiệm vụ được giao.
Điều quan trọng nhất là cần có sự phối hợp kịp thời, chặt chẽ của các cục, vụ, đơn vị và thanh tra các bộ, ngành, địa phương trong việc xây dựng thể chế, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, theo dõi thi hành pháp luật; rà soát, hệ thống hóa, kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật, nhất là nghiên cứu, tham gia góp ý đầy đủ, trách nhiệm đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác quản lý Nhà nước của TTCP và ngành Thanh tra.
+ Xin trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: https://thanhtra.com.vn/
Liên kết website
Các Trang khác
Thống kê truy cập
Lượt xem: 7567306