Một số khó khăn, vướng mắc và kiến nghị hoàn thiện một số quy định của Luật Khiếu nại năm 2011

24/11/2023    Lượt xem: 8843    In bài viết   Độ tương phản  

Như vậy, việc giải quyết khiếu nại hành chính vừa là trách nhiệm và cũng là nghĩa vụ của các cơ quan hành chính nhà nước. Tuy nhiên, thực tiễn trong quá trình triển khai thực hiện Luật Khiếu nại từ năm 2012 đến nay đã hơn 10 năm nên bộc lộ những hạn chế, bất cập nhất định như thẩm quyền giải quyết khiếu nại, vấn đề về tạm đình chỉ, đình chỉ khiếu nại… Trong bài viết này, tác giả chỉ đề cập đến một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết giải quyết khiếu nại hành chính và có một số kiến nghị nhằm góp phần hoàn thiện Luật Khiếu nại năm 2011 trong thời gian tới. Cụ thể:

Thứ nhất, về thẩm quyền giải quyết khiếu nại

Tại khoản 6, Điều 2 của Luật Khiếu nại năm 2011:“Người giải quyết khiếu nại là cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết khiếu nại”. Đồng thời, khoản 1 Điều 7 của Luật Khiếu nại quy định: “Khi có căn cứ cho rằng quyết định hành chính, hành vi hành chính là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì người khiếu nại khiếu nại lần đầu đến người đã ra quyết định hành chính hoặc cơ quan có người có hành vi hành chính hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật Tố tụng hành chính”. 

Tuy nhiên Luật Khiếu nại năm 2011 quy định thẩm quyền giải quyết khiếu nại cụ thể từ Điều 17 đến Điều 26 Luật Khiếu nại 2011 được thực hiện thuộc về cá nhân cụ thể chứ không quy định thẩm quyền giải quyết cụ thể của cơ quan, tổ chức, dẫn đến khó khăn cho người khiếu nại khi thực hiện việc khiếu nại. Cụ thể Điều 66 Luật Đất đai năm 2013, quy định thẩm quyền ban hành quyết định thu hồi đất là UBND cấp huyện hoặc UBND cấp tỉnh trong những trường hợp cụ thể. Khi người khiếu nại không nhất trí với quyết định thu hồi đất của UBND cấp huyện, tỉnh thì có quyền thực hiện việc khiếu nại và người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại là người bị khiếu nại trong việc khiếu nại quyết định thu hồi đất phải là UBND cấp huyện hoặc UBND cấp tỉnh. Tuy nhiên, Luật Khiếu nại năm 2011 chỉ quy định thẩm quyền giải quyết cụ thể của Chủ tịch UBND cấp huyện, tỉnh mà không quy định thẩm quyền của cơ quan, tổ chức như UBND các cấp. Do vậy, khó khăn cho người khiếu nại khi xác định thẩm quyền giải quyết vụ việc, trong một số trường hợp nếu người khiếu nại không được hướng dẫn kịp thời sẽ dẫn đến việc gửi đơn khiếu nại lòng vòng, không đúng đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại dẫn đến mất quyền khiếu nại do thời hiệu khiếu nại đã hết. Vì vậy, Luật Khiếu nại cần bổ sung thẩm quyền giải quyết khiếu nại của cơ quan, tổ chức.

Thứ hai: Về hình thức gửi đơn khiếu nại

Luật Khiếu nại năm 2011 mới chỉ quy định hình thức khiếu nại được thực hiện bằng đơn khiếu nại hoặc khiếu nại trực tiếp mà chưa quy định cụ thể về hình thức gửi đơn khiếu nại cụ thể như thế nào. Do đó theo tác giả cần bổ sung về hình thức gửi đơn khiếu nại cụ thể để người khiếu nại thực hiện quyền của mình ví dụ người khiếu nại gửi đơn khiếu nại bằng một trong các phương thức sau: nộp đơn khiếu nại trực tiếp tại cơ quan có thẩm quyền; gửi qua dịch vụ bưu chính; hoặc gửi trực tuyến qua cổng thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị (nếu có).

Thứ ba: Về thời hiệu khiếu nại

Điều 9 Luật Khiếu nại năm 2011 quy định thời hiệu khiếu nại là 90 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hành chính, hành vi hành chính hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính. Đồng thời, tại Điều 44 Luật Khiếu nại năm 2011 quy định về hiệu lực pháp luật của quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu có hiệu lực sau 30 ngày, kể từ ngày ban hành mà người khiếu nại không khiếu nại lần hai, đối với vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn có thể kéo dài nhưng không quá 45 ngày. Quyết định giải quyết khiếu nại lần hai có hiệu lực sau 30 ngày kể từ ngày ban hành, đối với vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn có thể kéo dài nhưng không quá 45 ngày.

 Tuy nhiên, Điều 116 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 quy định về thời hiệu khởi kiện đối với quyết định hành chính trong đó quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc quyết định giải quyết khiếu nại lần 2, hành vi hành chính là 01 năm kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính. Việc quy định như trên đã tạo ra sự xung đột, gây khó khăn trong việc thi hành các quyết định hành chính và quyết định giải quyết khiếu nại của các cơ quan hành chính nhà nước. Do đó, Luật Khiếu nại cần phải có quy định thống nhất về thời hiệu khiếu nại và thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính.

Thứ tưvề quyền của người khiếu nại; luật sư, trợ giúp viên pháp lý trong việc được biết, đọc, sao chụp, sao chép, tài liệu, chứng cứ do người giải quyết khiếu nại thu thập.

Tại điểm d khoản 1 Điều 12 Luật Khiếu nại năm 2011 quy định, người khiếu nại có quyền: “Được biết, đọc, sao chụp, sao chép, tài liệu, chứng cứ do người giải quyết khiếu nại thu thập để giải quyết khiếu nại, trừ thông tin, tài liệu thuộc bí mật nhà nước”. Tuy nhiên, trên thực tế có những vụ việc khiếu nại mà tài liệu, chứng cứ thu thập được từ nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương gồm nhiều thông tin, tài liệu, do đó việc cung cấp những thông tin, tài liệu cho người khiếu nại, luật sư hoặc trợ giúp viên pháp lý khi họ yêu cầu cần phải có thời gian và kinh phí. Tuy nhiên, Luật Khiếu nại chưa có quy định hướng dẫn cách thức để thực hiện quyền sao chép thông tin, tài liệu như thế nào, khi sao chép có phải làm giấy đề nghị sao chép không, lệ phí sao chụp quy định cụ thể  như thế nào, người được thực hiện quyền sao chép được bao nhiêu lần, dẫn đến trong quá trình thực hiện còn gặp khó khăn, lúng túng.

Thứ năm, vấn đề đình chỉ giải quyết khiếu nại

Điều 10 Luật Khiếu nại năm 2011 quy định: “việc rút khiếu nại phải được thực hiện bằng đơn có chữ ký hoặc điểm chỉ của người khiếu nại, đơn xin rút đơn khiếu nại phải gửi đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại”.

Luật Khiếu nại năm 2011 chỉ quy định duy nhất đối với 01 trường hợp đình chỉ khi người khiếu nại rút khiếu nại là chưa phù hợp. Bởi vì trên thực tế trong quá trình xác minh, làm việc với người khiếu nại, sau khi được giải thích, phân tích, tuyên truyền pháp luật người khiếu nại hiểu và có nguyện vọng rút khiếu nại nhưng khi được đề nghị thực hiện thủ tục rút khiếu nại theo quy định: người khiếu nại phải có đơn rút khiếu nại gửi người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại thì người khiếu nại không thực hiện việc viết đơn rút khiếu nại, mà chỉ trình bày nguyện vọng rút đơn trong khi làm việc với người được giao nhiệm vụ xác minh hoặc người giải quyết khiếu nại. Do đó, cần phải sửa đổi Luật Khiếu nại theo hướng bổ sung hình thức rút đơn khiếu nại bằng ý kiến của người khiếu nại trong các biên bản làm việc, trong quá trình xác minh nội dung khiếu nại hoặc biên bản đối thoại của người giải quyết khiếu nại với người khiếu nại trong đó có thể hiện ý kiến, nguyện vọng về việc rút đơn và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người khiếu nại về việc rút đơn khiếu nại để làm căn cứ đình chỉ giải quyết khiếu nại.

Ngoài ra trong quá trình giải quyết khiếu nại, người có thẩm quyền ban hành quyết định hành chính, hành vi hành chính nhận thấy quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình đã ban hành, đã thực hiện là không đúng nên chủ động thu hồi, hủy bỏ các quyết định, hành vi là đối tượng bị khiếu nại. Trong trường hợp này cần có quy định phải đình chỉ giải quyết do đối tượng bị khiếu nại không còn nhưng trong Luật Khiếu nại năm 2011 lại chưa có quy định cụ thể, dẫn đến còn lúng túng trong thực hiện.

Hơn nữa, trong quá trình giải quyết khiếu nại, có trường hợp người khiếu nại đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai, thứ ba nhưng không có mặt tại cơ quan giải quyết khiếu nại nhưng người giải quyết khiếu nại không có căn cứ để đình chỉ giải quyết. Do đó, cần phải sửa đổi, bổ sung đối với trường hợp triệu tập hợp lệ thì coi như từ bỏ quyền khiếu nại nên cần đình chỉ giải quyết khiếu nại để không mất thời gian của cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Ngoài ra, đối với trường hợp đang trong quá trình giải quyết khiếu nại, người khiếu nại là cá nhân đã chết mà quyền, nghĩa vụ của họ không được thừa kế nhưng không có người có quyền, nghĩa vụ kế thừa Luật Khiếu khiếu nại năm 2011 chưa quy định cụ thể. Vì vậy, cần bổ sung đây là một trong những căn cứ để đình chỉ giải quyết khiếu nại.

Thứ sáu: Vấn đề tạm đình chỉ giải quyết khiếu nại

Luật Khiếu nại năm 2011 chưa quy định về trường hợp tạm đình chỉ giải quyết khiếu nại. Trong quá trình giải quyết khiếu nại người khiếu nại chết nhưng chưa có người kế thừa quyền, nghĩa vụ. Hoặc trường hợp trong quá trình giải quyết khiếu nại cần đợi kết quả giải quyết của cơ quan khác. Trong trường hợp này, cần quy định về tạm đình chỉ trong quá trình giải quyết khiếu nại để đảm bảo quyền cho người khiếu nại, cũng như đảm bảo thời hạn giải quyết khiếu nại./.

Trường cán bộ thanh tra

Dấu ấn thanh tra Bình Dương
Liên kết website
Các Sở,Ban ngành

Các Trang khác

Thống kê truy cập

Lượt xem: 7412869