Bàn về thời điểm bảo vệ vị trí công tác, ví trí việc làm của người tố cáo theo quy định của pháp luật tố cáo
Luật Tố cáo năm 2018 đã dành Chương VI, gồm 12 điều quy định cụ thể việc bảo vệ người tố cáo nhằm bảo vệ, khuyến khích, động viên cá nhân, công dân dũng cảm đấu tranh chống lại các hành vi vi phạm pháp luật, giúp cơ quan nhà nước có thẩm quyền phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ lợi ích nhà nước, cá nhân, cơ quan, tổ chức. Đồng thời, thể hiện rõ quan điểm bảo vệ người tố cáo là trách nhiệm của Đảng, nhà nước và cả hệ thống chính trị, thể hiện đúng nguyên tắc nhà nước ta là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Nhà nước của dân, do dân và vì dân.
Theo quy định của Luật, bảo vệ người tố cáo bao gồm các biện pháp cụ thể như: bảo vệ bí mật thông tin của người tố cáo; bảo vệ vị trí công tác, vị trí việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người tố cáo, vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người tố cáo (gọi chung là người được bảo vệ). Thông tin cá nhân của người tố cáo được bảo vệ bí mật, trừ trường hợp người tố cáo tự tiết lộ. Khi có căn cứ cho rằng vị trí công tác, vị trí việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của tố cáo và người thân thích của người tố cáo đang bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại ngay tức khắc do việc tố cáo hành vi vi phạm gây ra, người có thẩm quyền giải quyết tố cáo, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền khác tự quyết định hoặc theo đề nghị của người tố cáo quyết định việc áp dụng biện pháp bảo vệ cần thiết.
Như vậy, so với Luật Tố cáo 2011 trước đây thì Luật Tố cáo 2018 đã xây dựng những quy định khá hiệu quả cho việc bảo vệ người tố cáo, tạo cơ sở thuận lợi khuyến khích công dân, cá nhân dũng cảm đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, trong các biện pháp bảo vệ người tố cáo hiện nay còn có nhiều quan điểm và quy định khác nhau. Khi bàn về bảo vệ vị trí công tác, vị trí việc làm của người tố cáo vẫn còn nhiều vướng mắc, bất cập trong thực tiễn áp dụng. Đặc biệt, là câu chuyện xác định thời điểm bảo vệ người tố cáo không rõ ràng, các quy định còn chồng chéo gây ra khó khăn trong thực tiễn áp dụng để bảo vệ vị trí công tác, vị trí việc làm cho người tố cáo.
Theo quy định tại Điều 3 Thông tư số 03/2020/TT-BNV ngày 21/7/2020 của Bộ Nội vụ quy định chi tiết về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, biện pháp bảo vệ ví trí công tác của người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức:
“Bảo vệ vị trí công tác của người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức là việc bảo vệ công việc gắn với chức danh, chức vụ, vị trí việc làm của cán bộ, công chức; công việc hoặc nhiệm vụ gắn với chức danh nghề nghiệp hoặc chức vụ quản lý của viên chức trong quá trình giải quyết tố cáo”.
Theo quy định trên thì thời điểm bảo vệ vị trí công tác, vị trí việc làm của người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức là trong quá trình giải quyết tố cáo. Theo khoản 7 Điều 2 Luật Tố cáo 2018 quy định: “Giải quyết tố cáo là việc thụ lý, xác minh, kết luận nội dung tố cáo và xử lý kết luận nội dung tố cáo của người giải quyết tố cáo”. Nếu căn cứ theo quy định tại Điều 3 của Thông tư số 03/2020/TT-BNV ngày 21/7/2020 của Bộ Nội vụ thì thời điểm áp dụng biện pháp bảo vệ người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức đối với vị trí công tác, vị trí việc làm được tính kể từ thời điểm cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo ban hành được quyết định thụ lý tố cáo và chấm dứt khi có quyết định xử lý kết luận nội dung tố cáo.
Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 1 Điều 51 Luật Tố cáo 2018 về xem xét, quyết định bảo vệ người tố cáo: “1. Khi nhận được đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ và xét thấy đề nghị bảo vệ là có căn cứ, có tính xác thực hoặc trong quá trình giải quyết tố cáo, người giải quyết tố cáo thấy có căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 47 của Luật này thì người giải quyết tố cáo kịp thời quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ theo thẩm quyền hoặc đề nghị, yêu cầu cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ cần thiết”.
Như vậy, theo quy định của Luật Tố cáo 2018 khi nhận được văn bản đề nghị bảo vệ của người tố cáo, cơ quan có thẩm quyền sẽ có trách nhiệm xem xét văn bản đề nghị. Nếu có căn cứ người tố cáo đang bị trù dập hoặc đe doạ trù dập ngay tức khắc sẽ phải áp dụng biện pháp bảo vệ cho người tố cáo ở bất cứ giai đoạn nào không chỉ trong quá trình giải quyết. Việc có áp dụng biện pháp bảo vệ hay không hoàn toàn căn cứ vào tình trạng của người tố cáo thông qua xem xét văn bản đề nghị. Nên nếu trong quá trình giải quyết mà người tố cáo có văn bản đề nghị bảo vệ, nhưng không có căn cứ bị trù dập thì cũng không áp dụng biện pháp bảo vệ. Luật Tố cáo không quy định thời điểm bảo vệ mà căn cứ vào tình trạng của người tố cáo để áp dụng biện pháp bảo vệ. Quy định bảo vệ người tố cáo của Luật Tố cáo 2018 được áp dụng chung cho tất cả các trường hợp không chỉ đối với vị trí việc làm, vị trí công tác của người tố cáo.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015: “Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn”. Trong trường hợp giữa Luật Tố cáo 2018 và Thông tư 03/2020 có quy định khác nhau về thời điểm bảo vệ vị trí việc làm, vị trí công tác của người tố cáo thì căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 156 áp dụng quy định của Luật Tố cáo 2018. Xét về khía cạnh thực tiễn, việc áp dụng quy định của Luật Tố cáo 2018 không quy định thời điểm bảo vệ mà căn cứ vào tình trạng của người tố cáo để quyết định việc bảo vệ cũng sẽ bảo vệ được toàn diện cho người tố cáo hơn.
Rõ ràng, các quy định về bảo vệ người tố cáo hiện nay còn có sự chồng chéo. Tuy nhiên, cũng thấy được quy định của Luật Tố cáo 2018 đã hoàn thiện hơn so với quy định trước đây, tạo nên hành lang pháp lý thuận lợi bảo vệ được toàn diện cho người tố cáo, khuyến khích cá nhân, công dân dũng cảm đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ lợi ích chung của Nhà nước, cá nhân, cơ quan, tổ chức.
ST
Nguồn: https://truongcanbothanhtra.gov.vn/
Liên kết website
Các Trang khác
Thống kê truy cập
Lượt xem: 7575905