Một số vấn đề đặt ra trong việc triển khai công tác kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn
Ngày 30/10/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 130/2020/NĐ-CP về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Nghị định có hiệu lực kể từ ngày 20/12/2020 và là cơ sở pháp lý quan trọng bảo đảm cho việc triển khai thực hiện công tác kiểm soát tài sản, thu nhập theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018.
Trên cơ sở đó, nhiều bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị đã triển khai các bước chuẩn bị cho việc thực hiện Nghị định số 130/2020/NĐ-CP, nhất là công tác tuyên truyền, phổ biến, xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện. Qua đó đã góp phần quán triệt rộng rãi các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập đến người thuộc diện kê khai, cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm tổ chức việc kê khai, công khai bản kê khai và nhất là cơ quan, cán bộ làm công tác kiểm soát tài sản, thu nhập. Quá trình đó cũng đã nhận diện được một số vấn đề cần làm rõ, cần có hướng dẫn cụ thể hơn để việc thực hiện công tác kiểm soát tài sản, thu nhập được triển khai thuận lợi, đồng bộ, chặt chẽ ngay sau khi Nghị định số 130/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành.
Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả mong muốn đóng góp ý kiến để nhận diện một số vấn đề và kiến nghị hướng giải quyết, góp phần tạo thuận lợi cho việc tổ chức thực hiện công tác kiểm soát tài sản, thu nhập trong thời gian tới.
1. Về Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập
Điều 30 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 đã quy định cụ thể về cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập theo hướng giao cho Thanh tra Chính phủ, các bộ, ngành, Thanh tra tỉnh kiểm soát tài sản, thu nhập của những người thuộc diện kê khai công tác tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và chính quyền địa phương; các cơ quan khác của Nhà nước và tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội chịu trách nhiệm kiểm soát tài sản, thu nhập của người kê khai công tác trong cơ quan, tổ chức của mình. Quy định như trên đang đặt ra một số vấn đề sau:
Một là, có nhiều cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập cùng kiểm soát đối với một đối tượng:
Trong bộ máy Nhà nước hiện nay, có những người vừa giữ chức vụ trong bộ máy chính quyền địa phương, vừa giữ chức vụ trong tổ chức Đảng. Ví dụ như Chủ tịch Hội đồng Nhân dân huyện, đồng thời là Bí thư huyện ủy. Nếu theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng thì Thanh tra tỉnh và cơ quan có thẩm quyền của Đảng đều là cơ quan chịu trách nhiệm kiểm soát tài sản, thu nhập của người đó. Vấn đề này có thể dẫn đến sự chồng chéo, trùng lặp trong công tác kiểm soát.
Mặt khác, trong bộ máy Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội có những cán bộ thuộc diện quản lý của tổ chức Đảng theo phân cấp quản lý cán bộ của Đảng. Hiện nay, các cơ quan có thẩm quyền của Đảng đang kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập của họ. Nếu theo Luật Phòng, chống tham nhũng thì những người này sẽ thuộc thẩm quyền kiểm soát của cơ quan Nhà nước hoặc Cơ quan Trung ương của tổ chức chính trị - xã hội. Vấn đề này cũng có thể dẫn đến sự chồng chéo, trùng lặp trong công tác kiểm soát.
Để giải quyết vấn đề nêu trên bảo đảm thực hiện đúng quy định Luật Phòng, chống tham nhũng và quy định hiện hành của Đảng thì đòi hỏi phải có cơ chế phối hợp giữa cơ quan có thẩm quyền của Đảng với cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập trong bộ máy Nhà nước và tổ chức chính trị - xã hội. Chỉ cần 01 cơ quan tiếp nhận bản kê khai tài sản, thu nhập, lập cơ sở dữ liệu để trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình, các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập có thẩm quyền sẽ cùng theo dõi, kiểm soát, chia sẻ thông tin, dữ liệu cần thiết và đặc biệt là phối hợp cùng nhau khi tiến hành xác minh tài sản, thu nhập.
Hai là, có sự chưa rõ ràng trong phân định thẩm quyền kiểm soát giữa một số cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập và chưa bao quát hết các đối tượng cần phải kiểm soát
Theo quy định tại Điều 30 của Luật Phòng, chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ kiểm soát tài sản, thu nhập của người giữ chức vụ từ Giám đốc sở và tương đương trở lên công tác tại Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương, đơn vị sự nghiệp công lập, cơ quan, tổ chức do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, doanh nghiệp nhà nước. Thanh tra tỉnh kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước thuộc thẩm quyền quản lý của chính quyền địa phương, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền kiểm soát của Thanh tra Chính phủ. Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền kiểm soát của Thanh tra Chính phủ.
Tuy nhiên, hiện chưa có quy định về cán bộ tương đương giám đốc sở tại Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, đơn vị sự nghiệp công lập, cơ quan, tổ chức do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, doanh nghiệp nhà nước. Nếu xác định theo hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo là 0,9 như Giám đốc sở ở địa phương thì chưa bảo đảm căn cứ pháp lý chặt chẽ và không làm rõ được đối với những vị trí lãnh đạo, quản lý trong doanh nghiệp nhà nước. Vấn đề này có thể dẫn đến một bộ phận người có nghĩa vụ kê khai không biết do Thanh tra Chính phủ hay do bộ, ngành, thanh tra tỉnh kiểm soát, khó khăn ngay từ việc giao nộp bản kê khai cho cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập. Mặt khác, những người phải kê khai tài sản, thu nhập trong đơn vị sự nghiệp do Thủ tướng Chính phủ thành lập nhưng đơn vị đó không thuộc các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thì chỉ những người giữ chức vụ từ Giám đốc sở và tương đương trở lên mới chịu sự kiểm soát của Thanh tra Chính phủ còn những người khác không có cơ quan nào kiểm soát (Ví dụ các Trường đại học thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh…).
Để khắc phục vấn đề trên cần phải có quy định cụ thể về cán bộ tương đương giám đốc sở. Trước mắt có thể sử dụng phụ cấp chức vụ 0,9 để xác định. Riêng đối với doanh nghiệp nhà nước thì quy định cụ thể các chức danh tương đương. Về lâu dài phải xây dựng quy định cụ thể theo chức vụ, vị trí việc làm để xác định đối tượng tương Giám đốc sở. Đối với những nơi có đối tượng phải kê khai tài sản nhưng chưa có cơ quan kiểm soát thì trước mắt nên giao cho cơ quan quản lý cán bộ ở đó theo dõi, kiểm soát. Về lâu dài cần phải hoàn thiện quy định về cơ quan kiểm soát tài sản để bảo đảm bao quát hết đối tượng cần kiểm soát.
2. Về người có nghĩa vụ kê khai tài sản
Luật Phòng, chống tham nhũng quy định người đang giữ vị trí công tác tại thời điểm Luật Phòng, chống tham nhũng có hiệu lực (01/7/2019) là cán bộ, công chức, sĩ quan Công an nhân dân; sĩ quan Quân đội nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp, người giữ chức vụ từ Phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước, người được cử làm đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp thì phải kê khai tài sản, thu nhập lần đầu và phải hoàn thành trước 31/12/2019. Tuy nhiên, do việc ban hành Nghị định 130/2020/NĐ-CP chậm so với kế hoạch thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng nên đến nay mới có mẫu bản kê khai theo Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018. Vấn đề này dẫn đến nhiều trường hợp người có nghĩa vụ kê khai lần đầu tại thời điểm 01/7/2019 nay đã nghỉ hưu, thôi giữ vị trí công tác nhưng vẫn thuộc diện kê khai tài sản, thu nhập theo Luật Phòng, chống tham nhũng, tuy nhiên sẽ rất khó để tổ chức thực hiện và thực tế là không còn cần thiết phải kê khai nữa.
Để giải quyết vấn đề trên cần có hướng dẫn cụ thể của cơ quan có thẩm quyền theo hướng chỉ lập danh sách người có nghĩa vụ kê khai tại thời điểm Nghị định 130/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành để hướng dẫn và yêu cầu kê khai.
3. Về tài sản, thu nhập phải kê khai
Luật Phòng, chống tham nhũng quy định người có nghĩa vụ kê khai phải kê khai tổng thu nhập giữa 02 lần kê khai. Tuy nhiên theo quy định về phương thức kê khai, có thể có trường hợp cán bộ sau khi kê khai lần đầu thì hàng chục, thậm chí nhiều chục năm sau mới phát sinh việc kê khai tài sản lần thứ 2 (Ví dụ 01 người là công chức ngạch chuyên viên sẽ phải kê khai lần đầu nhưng sau đó không thuộc diện phải kê khai hàng năm, kê khai bổ sung thì 25 năm sau khi được làm quy trình bổ nhiệm Phó Trưởng phòng sẽ phải kê khai tổng thu nhập trong 25 năm đó). Do đó, sẽ rất khó khăn để theo dõi, kê khai đầy đủ, chính xác thu nhập của gia đình trong thời gian dài như vậy nếu như không có hướng dẫn rõ ngay từ bây giờ.
Để khắc phục vấn đề này cần có hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền để người có nghĩa vụ kê khai có trách nhiệm theo dõi, cập nhật thu nhập hàng năm của bản thân mình, vợ hoặc chồng và con chưa thành niên. Đây cũng là việc cần phải làm hàng năm để giúp người có nghĩa vụ kê khai xác định mình có thuộc diện phải kê khai bổ sung hay không cũng như sẽ theo dõi được tổng thu nhập trong nhiều năm và kê khai được khi có yêu cầu.
4. Về việc bàn giao bản kê khai cho cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập
Luật Phòng, chống tham nhũng quy định trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được bản kê khai, cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng người có nghĩa vụ kê khai rà soát, kiểm tra bản kê khai và bàn giao 01 bản kê khai cho Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập có thẩm quyền. Quy định này dẫn đến vấn đề là số lượng cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng người có nghĩa vụ kê khai rất lớn. Nếu phải trực tiếp bàn giao cho cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập thì có thể dẫn đến tình trạng ách tắc, quá tải. Ví dụ như mỗi xã, phường, thị trấn, đơn vị sự nghiệp công lập đều phải cử người mang bản kê khai tài sản, thu nhập bàn giao cho Thanh tra tỉnh thì có tỉnh sẽ có hàng nghìn đầu mối cơ quan, đơn vị đến làm việc với Thanh tra tỉnh trong một khoảng thời gian ngắn và Thanh tra tỉnh sẽ rất khó khăn trong việc tổ chức tiếp nhận bàn giao.
Để khắc phục vấn đề này cần có hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền để các cơ quan quản lý, sử dụng cán bộ có thể nộp bản kê khai cho 01 cơ quan đầu mối và cơ quan đó bàn giao cho cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập. Ví dụ các xã, các cơ quan, đơn vị thuộc cấp huyện thì nộp về Uỷ ban nhân dân huyện, Uỷ ban nhân dân huyện bàn giao cho Thanh tra tỉnh.
5. Việc lựa chọn người được xác minh ngẫu nhiên
Theo quy định của Nghị định 130/2020/NĐ-CP, Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập tổ chức lựa chọn ngẫu nhiên người được xác minh bằng hình thức bốc thăm hoặc sử dụng phần mềm máy tính. Số cơ quan, tổ chức, đơn vị được tiến hành xác minh tối thiểu bằng 20% số cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thẩm quyền kiểm soát của mình và số lượng người được lựa chọn để xác minh ngẫu nhiên phải bảo đảm tối thiểu 10% số người có nghĩa vụ kê khai hàng năm tại mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Quy định nêu trên đang đặt ra vấn đề là nhiều địa phương có số lượng người thuộc diện lựa chọn ngẫu nhiên là rất lớn (Ví dụ TP. Hà Nội có khoảng 20.000 người) nên số người phải xác minh hàng năm lên tới 400 người, sẽ gây quá tải cho cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập trong bối cảnh hạn hẹp về tổ chức, biên chế, nguồn lực, đồng thời vẫn phải đảm nhiệm đầy đủ các chức năng, nhiệm vụ khác. Mặt khác có thể làm cho việc xác minh bị kéo dài hoặc trở nên hình thức, kém hiệu quả, không đáp ứng được yêu cầu của công tác kiểm soát tài sản, thu nhập.
Để khắc phục vấn đề này cũng cần có hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền để cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp quan tâm, bố trí nguồn lực giúp cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập đủ khả năng thực hiện nhiệm vụ, đồng thời cần có hướng dẫn để tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa các ngành, cơ quan chức năng liên quan trong việc tổ chức xác minh, trưng tập cán bộ…
6. Về các Bản kê khai theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005
Việc kê khai theo Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và Nghị định 130/2020/NĐ-CP trước hết sẽ là kê khai lần đầu. Vấn đề đặt ra là bản kê khai trước đây sẽ được tiếp tục lưu giữ hay hủy bỏ và có mối liên hệ ra sao với công tác kiểm soát tài sản, thu nhập tới đây.
Để hiểu vấn đề này, các cơ quan, tổ chức, đơn vị cần quán triệt rõ quy định của pháp luật trước đây đã yêu cầu lưu giữ các bản kê khai theo Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 cùng với hồ sơ cán bộ. Pháp luật hiện nay không quy định việc hủy bỏ hay loại bỏ các bản kê khai đó ra khỏi hồ sơ cán bộ nên vẫn tiếp tục phải thực hiện việc lưu giữ. Việc thực hiện các biện pháp kiểm soát tài sản, thu nhập và xử lý hành vi kê khai, giải trình không trung thực thì phải căn cứ vào bản kê khai, việc giải trình và Kết luận xác minh được thực hiện theo Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và Nghị định số 130/2020/NĐ-CP theo đúng quy định tại Khoản 3 Điều 4 Nghị định số 130/2020/NĐ-CP của Chính phủ.
7. Về chế độ thông tin, báo cáo công tác kiểm soát tài sản, thu nhập
Các quy định hiện nay về kiểm soát tài sản, thu nhập đều không đề cập đến cơ chế thông tin, báo cáo việc thực hiện công tác kiểm soát tài sản, thu nhập. Vấn đề này có thể gây khó khăn cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị ngay khi xây dựng kế hoạch, phân công trách nhiệm tổ chức thực hiện. Việc chậm hướng dẫn các tiêu chí báo cáo cũng có thể gây khó khăn cho việc thực hiện sau này vì số lượng người kê khai tài sản, thu nhập là rất lớn, đòi hỏi phải có sự theo dõi, quản lý chặt chẽ ngay từ đầu để đáp ứng các tiêu chí thống kê, tổng hợp khi sơ kết, tổng kết.
8. Về cơ sở dữ liệu quốc gia kiểm soát tài sản, thu nhập
Luật Phòng, chống tham nhũng quy định cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập được xây dựng và quản lý tập trung tại Thanh tra Chính phủ. Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm xây dựng, quản lý, khai thác và bảo vệ cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập trong phạm vi cả nước. Các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập khác cũng có trách nhiệm xây dựng, quản lý, khai thác và bảo vệ cơ sở dữ liệu về kiểm soát tài sản, thu nhập trong phạm vi quản lý của mình.
Quy định nêu trên yêu cầu các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập đều phải xây dựng cơ sở dữ liệu về kiểm soát tài sản, thu nhập nhưng vấn đề đặt ra là nếu mỗi cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập lại xây dựng một phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu khác nhau thì rất tốn kém và không hiệu quả. Do đó, để khắc phục vấn đề này cần phải có quy định của cơ quan có thẩm quyền về việc chỉ xây dựng một phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu thống nhất sử dụng chung cho tất cả các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập, vừa tiết kiệm chi phí, vừa bảo đảm sự thống nhất, liên thông của hệ thống kiểm soát. Hệ thống này cũng có thể tích hợp phần mềm để tổ chức việc lựa chọn ngẫu nhiên người được xác minh theo kế hoạch hàng năm và thực hiện chế độ thông tin, báo cáo về công tác kiểm soát tài sản, thu nhập.
9. Một số kiến nghị
- Các cơ quan, tổ chức, đơn vị, nhất là các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập cần tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về kiểm soát tài sản, thu nhập; tăng cường các hoạt động tập huấn, hướng dẫn, tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ để tổ chức thực hiện.
- Kiến nghị Thanh tra Chính phủ:
+ Khẩn trương phối hợp với cơ quan chức năng của Đảng để trình cấp có thẩm quyền ban hành Quy chế phối hợp theo quy định tại Khoản 2 Điều 1 của Nghị định số 130/2020/NĐ-CP của Chính phủ, trong đó tập trung làm rõ và giải quyết những vấn đề đã được đặt ra nêu trên.
+ Sớm trình cấp có thẩm quyền ban hành Đề án cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập theo hướng xây dựng Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia tập trung, thống nhất, bảo đảm sự phối hợp, chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập theo thẩm quyền.
+ Để bảo đảm việc triển khai thực hiện công tác kiểm soát tài sản, thu nhập kịp thời theo yêu cầu của Luật PCTN ngay sau khi Nghị định số 130/2020/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực thi hành, trong khi chờ ban hành quy chế phối hợp, cần tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc để hướng dẫn, quán triệt trực tiếp các quy định có liên quan và việc tổ chức thực hiện cho các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập; trên cơ sở tiếp thu các ý kiến, vấn đề còn chưa rõ hoặc có vướng mắc ở cơ sở để xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn tạm thời giúp các cơ quan, tổ chức, đơn vị có thể sớm triển khai thực hiện, bảo đảm thống nhất và đúng quy định./.
(Theo Th.S Ngô Mạnh Hùng
Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống tham nhũng, TTCP)
Liên kết website
Các Trang khác
Thống kê truy cập
Lượt xem: 7637080