Giới thiệu một số nội dung cơ bản Đề án của Chính phủ: “Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả giám sát, kiểm tra, thanh tra nhằm phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi vi phạm pháp luật, tiêu cực...”

10/11/2021    Lượt xem: 10959    In bài viết   Độ tương phản  

Thực hiện nhiệm vụ nêu trên, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 97/NQ-CP ngày 02/10/2017 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước. Trong các nhiệm vụ đề ra, Thanh tra Chính phủ được giao chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan xây dựng Đề án “Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả giám sát, kiểm tra, thanh tra nhằm phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi vi phạm pháp luật, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong doanh nghiệp nhà nước” (Đề án). Thực hiện nhiệm vụ được giao, trong thời gian qua Thanh tra Chính phủ đã thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng Đề án gồm đại diện một số bộ, ngành, cơ quan Trung ương, DNNN.

Ngày 10/5/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 695/QĐ-TTg ban hành Đề án“Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả giám sát, kiểm tra, thanh tra nhằm phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi vi phạm pháp luật, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong doanh nghiệp nhà nước”.

 1. Bối cảnh ban hành Đề án

Trong thời gian qua, bên cạnh những đóng góp của DNNN đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội, hoạt động của DNNN đã xảy ra nhiều vụ việc vi phạm pháp luật, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, đầu tư kém hiệu quả.  Trong giai đoạn 2011 - 2016, Thanh tra Chính phủ ban hành kết luận 19 cuộc thanh tra tại các DNNN, tập trung tại các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước1. Sai phạm chủ yếu của các DNNN thời gian qua được cơ quan thanh tra phát hiện, tập trung ở một số dạng: Sai về thủ tục đầu tư, mua sắm tài sản không đúng quy định của Nhà nước; sai thẩm quyền; sai đối tượng cho phép; hạch toán không đúng nguồn dẫn đến phản ánh kết quả sản xuất, kinh doanh không đúng bản chất thực tế; trình độ quản lý doanh nghiệp yếu kém dẫn đến vi phạm quản lý kinh tế và vi phạm pháp luật... cùng với những yếu kém nội tại của DNNN, sự hạn chế trong công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan chủ quản cũng là nguyên nhân dẫn đến các sai phạm trong quản lý vốn của Nhà nước tại các doanh nghiệp.

 Trong giai đoạn 2011 - 2016, Kiểm toán Nhà nước đã tổ chức kiểm toán Báo cáo tài chính và các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại 174 lượt Tập đoàn, TCT nhà nước với 1.434 lượt doanh nghiệp được kiểm toán; kiểm toán kết quả tư vấn định giá và xử lý các vấn đề tài chính trước khi chính thức công bố giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa của 17 doanh nghiệp; kiểm toán 09 chuyên đề2. Qua kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị tăng thu ngân sách nhà nước 17.284 tỷ đồng; kiến nghị điều chỉnh tăng giá trị thực tế phần vốn Nhà nước 22.356 tỷ đồng; chuyển 09 hồ sơ có dấu hiệu vi phạm pháp luật sang cơ quan điều tra.

Nhiều vụ việc vi phạm pháp luật nghiêm trọng đã được phát hiện và xử lý như: Vi phạm pháp luật trong thực hiện 13 dự án đầu tư trọng điểm của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam trong giai đoạn 2010 - 2015; vi phạm quy định về quản lý tài chính tại Tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam Vinashin; vi phạm pháp luật trong hoạt động của Tập đoàn Dầu khí và một số doanh nghiệp thành viên (các vụ án liên quan đến Trịnh Xuân Thanh, Đinh La Thăng, Nguyễn Xuân Sơn…); vi phạm trong vụ Tổng công ty Viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần Công ty CP Nghe nhìn toàn cầu AVG…

Những hạn chế, bất cập trong hoạt động của DNNN xuất phát từ nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó có nguyên nhân từ những hạn chế, bất cập trong hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra của các cơ quan quản lý đối với DNNN. Hiện tại, theo các quy định pháp luật, cơ chế giám sát, kiểm tra, thanh tra DNNN được điều chỉnh bởi nhiều văn bản quy phạm pháp luật như: Luật doanh nghiệp 2020, Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp 2014, Luật Thanh tra 2010, Nghị định số 49/2014/NĐ-CP ngày 20 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ về giám sát, kiểm tra, thanh tra đối với DNNN trong việc chấp hành pháp luật và tuân thủ các quy định của chủ sỡ hữu; Nghị định số số 87/2015/NĐ-CP ngày 06/10/2015 của Chính phủ về giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp, giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước; Nghị định 115/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2014 của Chính phủ quy định chế độ giám sát, kiểm tra việc thực hiện chiến lược, kế hoạch, mục tiêu, nhiệm vụ được giao của DNNN; Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 về việc đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý vốn, tài sản tại doanh nghiệp…

Theo các văn bản pháp luật trên, có nhiều chủ thể được giao thẩm quyền giám sát, kiểm tra, thanh tra đối với DNNN, như: Cơ quan đại diện chủ sở hữu (các Bộ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, Uỷ ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Tổng Công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước), cơ quan thanh tra nhà nước, các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, cơ quan có thẩm quyền QLNN theo ngành, lĩnh vực... Hoạt động của DNNN còn chịu sự giám sát của Quốc hội, hoạt động kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước.

Hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra DNNN của các cơ quan chức năng thời gian qua đã có đóng góp quan trọng vào việc hoàn thiện chính sách, pháp luật, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương trong quản lý đối với DNNN và phát hiện nhiều vụ việc vi phạm pháp luật, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực xảy ra trong DNNN; các cơ quan chức năng đã kiến nghị thu hồi về cho Nhà nước hàng nghìn tỷ đồng, hàng trăm ha đất và xử lý kỷ luật, xử lý hình sự nhiều đối tượng. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán của các cơ quan quản lý nhà nước không cao. Tình trạng thực hiện chưa nghiêm túc chủ trương của Đảng, vi phạm pháp luật, rủi ro, yếu kém, thua lỗ trong doanh nghiệp nhà nước không được phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh3.

Những hạn chế, yếu kém của công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra của các cơ quan QLNN đối với DNNN thể hiện trên những phương diện cụ thể như sau: (i) Hoạt động giám sát còn hình thức, chủ yếu thông qua các báo cáo định kỳ (06 tháng, 01 năm), mức độ tương tác thấp, thiếu tính thường xuyên, liên tục, không kịp thời nắm bắt được tình hình thực tế của doanh nghiệp nhất là việc thực hiện kế hoạch, thực hiện các dự án đầu tư và các quyết định của chủ sở hữu; (ii) Hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra DNNN mới chỉ tập trung vào việc phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật mà chưa chú trọng đúng mức vào việc phát hiện những sơ hở trong cơ chế, chính sách, pháp luật; (iii) Số cuộc thanh tra, kiểm tra, giám sát DNNN được thực hiện nhiều nhưng số lượng các vụ việc, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được phát hiện chưa tương xứng với tình hình thực tế. Các rủi ro trong hoạt động quản lý, sản xuất, kinh doanh và các vi phạm, yếu kém không được phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh; (iv) Hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra còn chồng chéo, trùng lắp, gây khó khăn, cản trở tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của DNNN, chưa được tiến hành đồng bộ với các nội dung QLNN đối với doanh nghiệp và hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của DNNN4.

2. Nội dung cơ bản của Đề án

Mục tiêu của Đề án là nhằm nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả giám sát, kiểm tra, thanh tra nhằm phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong doanh nghiệp nhà nước; bảo đảm việc quản lý, sử dụng có hiệu quả vốn, tài sản của nhà nước tại doanh nghiệp, góp phần nâng cao vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội.

Trên cơ sở mục tiêu chung, Đề án đưa ra các mục tiêu cụ thể như sau:

- Phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm, phạm vi, nội dung giám sát, kiểm tra, thanh tra đối với doanh nghiệp nhà nước.

- Đổi mới phương thức giám sát, kiểm tra, thanh tra đối với doanh nghiệp nhà nước; tạo lập cơ chế phối hợp đồng bộ, thống nhất, bảo đảm không trùng lặp, chồng chéo trong giám sát, kiểm tra, thanh tra đối với doanh nghiệp nhà nước. Bảo đảm 100% các cuộc thanh tra theo kế hoạch của các cơ quan có chức năng thanh tra không bị trùng lặp về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra.

- Kiện toàn tổ chức; nâng cao ý thức trách nhiệm, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tính chuyên nghiệp của các chủ thể có thẩm quyền trong hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp nhà nước. Bảo đảm 100% công chức trực tiếp giám sát doanh nghiệp nhà nước được đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về quản trị doanh nghiệp, chính sách pháp luật có liên quan.

- Tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình và kịp thời phát hiện, xử lý hành vi vi phạm pháp luật của các chủ thể có thẩm quyền trong giám sát, kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp nhà nước. Bảo đảm 100% báo cáo giám sát, kết luận kiểm tra, kết luận thanh tra được công khai trừ những nội dung thuộc bí mật nhà nước.

- Nâng cao tính chính xác, khách quan, kịp thời, khả thi của các kết luận, kiến nghị, quyết định từ hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra đối với doanh nghiệp nhà nước. Bảo đảm mọi kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý từ hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra được thực hiện nghiêm túc.

Để đạt được mục tiêu nêu trên, Đề án đưa ra 05 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tương ứng với 05 mục tiêu cụ thể. Các giải pháp cụ thể như sau:

a) Hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật:

- Hoàn thiện quy định về thẩm quyền, trách nhiệm giám sát, kiểm tra, thanh tra đối với doanh nghiệp nhà nước theo hướng phân định rõ thẩm quyền giám sát, kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp nhà nước.

Trong giải pháp hoàn thiện về thẩm quyền, trách nhiệm, Đề án đưa ra định hướng chi tiết về nội dung hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật trong hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra, cụ thể:

+ Rà soát, sửa đổi quy định về giám sát doanh nghiệp nhà nước theo hướng quy định hoạt động giám sát doanh nghiệp nhà nước tập trung vào việc theo dõi, tổng hợp, phân tích, đánh giá việc chấp hành pháp luật và tuân thủ các quyết định của chủ sở hữu do cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước tiến hành thường xuyên, liên tục nhằm kịp thời nắm bắt, phản ánh, đánh giá, phát hiện yếu kém, bất cập trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước.

+ Rà soát sửa đổi quy định về kiểm tra doanh nghiệp nhà nước theo hướng quy định hoạt động kiểm tra doanh nghiệp nhà nước tập trung vào việc xem xét, làm rõ việc tuân thủ pháp luật, tuân thủ quyết định của chủ sở hữu do cơ quan quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực, cơ quan đại diện chủ sở hữu tiến hành định kỳ, thường xuyên, theo kế hoạch, trên cơ sở kết quả giám sát hoặc khi có dấu hiệu vi phạm nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm pháp luật trong doanh nghiệp nhà nước.

+ Rà soát sửa đổi quy định về thanh tra doanh nghiệp nhà nước theo hướng quy định hoạt động thanh tra doanh nghiệp nhà nước tập trung vào việc xem xét, đánh giá, xử lý việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao, việc chấp hành pháp luật do cơ quan có chức năng thanh tra tiến hành theo kế hoạch hoặc đột xuất nhằm phát hiện sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật và phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi vi phạm pháp luật trong doanh nghiệp nhà nước.

Đây là định hướng về nội dung quan trọng để các cơ quan có thẩm quyền khi sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật về giám sát, thanh tra, kiểm tra có cơ sở để thực hiện. Vì qua rà soát các chính sách, pháp luật về giám sát, kiểm tra, thanh tra hiện nay cho thấy còn có sự chưa thống nhất, rõ ràng giữa các khái niệm về giám sát, kiểm tra, thanh tra trong các văn bản pháp luật, đây là một trong những nguyên nhân dẫn tới sự trùng lắp, chồng chéo trong hoạt động giám sát, thanh tra, kiểm tra hiện nay.

Bên cạnh đó, Đề án đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp hoàn thiện quy định về phạm vi, nội dung, phương thức giám sát, kiểm tra, thanh tra đối với doanh nghiệp nhà nước theo hướng:

+ Quy định chi tiết nội dung giám sát, kiểm tra doanh nghiệp nhà nước, tập trung vào giám sát, kiểm tra việc tổ chức lại, chuyển đổi sở hữu, giải thể, phá sản, chuyển giao doanh nghiệp nhà nước; việc thực hiện chiến lược, kế hoạch, mục tiêu, nhiệm vụ được giao và hoạt động tài chính, đầu tư của doanh nghiệp nhà nước; việc thực hiện quyền và trách nhiệm của người đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

+ Sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện quy định về phương thức giám sát, kiểm tra, thanh tra phù hợp với từng loại hình doanh nghiệp nhà nước; bảo đảm doanh nghiệp 100% vốn nhà nước chịu sự giám sát, kiểm tra, thanh tra toàn diện trong việc chấp hành các quy định của pháp luật và tuân thủ quyết định của chủ sở hữu, doanh nghiệp có phần vốn nhà nước chịu sự giám sát, kiểm tra, thanh tra với phạm vi, nội dung, phương thức phù hợp với yêu cầu quản lý và thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp.

+ Sửa đổi, bổ sung quy định về xây dựng kế hoạch, căn cứ tiến hành kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp nhà nước; hoàn thiện quy trình nghiệp vụ giám sát, kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp nhà nước phù hợp với đối tượng, phạm vi và nội dung giám sát, kiểm tra, thanh tra.

+ Quy định chi tiết về phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong giám sát, kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp nhà nước, bảo đảm xác định rõ trách nhiệm của cơ quan làm đầu mối, điều phối hoạt động, chịu trách nhiệm chung và cơ quan có trách nhiệm phối hợp.

Bên cạnh 2 nhiệm vụ, giải pháp hoàn thiện về thẩm quyền, nội dung, phương thức nêu trên, Đề án còn đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp hoàn thiện các quy định về: Xử lý vi phạm của các chủ thể có thẩm quyền quản lý và giám sát, kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp nhà nước; Hoàn thiện các quy định về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong tổ chức, hoạt động của doanh nghiệp nhà nước và trong hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp nhà nước; Sửa đổi, bổ sung quy định về việc tiếp nhận, xử lý thông tin, phản ánh khiếu nại, tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong doanh nghiệp nhà nước.

b) Tăng cường trách nhiệm và sự phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong giám sát, kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp nhà nước.

Trách nhiệm và sự phối hợp giữa các chủ thể có thẩm quyền trong hoạt động giám sát, thanh tra, kiểm tra nhằm chia sẻ thông tin, hạn chế sự chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động giữa các cơ quan và phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ. Để thực hiện nhiệm vụ này, Đề án tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp chính sau đây: Tăng cường trách nhiệm và sự phối hợp giữa cơ quan có thẩm quyền giám sát, kiểm tra, thanh tra trong xây dựng kế hoạch kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp nhà nước; Tăng cường trách nhiệm và sự phối hợp giữa cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp nhà nước; Tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan có thẩm quyền giám sát, kiểm tra, thanh tra trong thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định từ hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp nhà nước.

Trong từng nội dung phối hợp, Đề án quy định cụ thể về thẩm quyền, trách nhiệm, trình tự thủ tục... để các chủ thể có thẩm quyền thực hiện việc phối hợp với nhau trong xây dựng chương trình, kế hoạch thanh tra, kiểm tra, giám sát.

c) Kiện toàn tổ chức; nâng cao đạo đức công vụ, năng lực chuyên môn và trách nhiệm của các chủ thể có thẩm quyền giám sát, kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp nhà nước.

Năng lực, trình độ của các chủ thể có thẩm quyền thực hiện hoạt động giám sát, thanh tra, kiểm tra còn nhiều hạn chế, yếu kém, tính chuyên nghiệp chưa cao. Về nguyên tắc, để thực hiện nhiệm vụ giám sát, thanh tra, kiểm tra đối với DNNN thì đòi hỏi năng lực, trình độ chuyên môn sâu về quản lý doanh nghiệp, tài chính, pháp luật… Đội ngũ cán bộ này cần phải được đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu về các chuyên ngành có liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; được cập nhật kiến thức và bồi dưỡng các kỹ năng thường xuyên. Về nhiệm vụ, giải pháp này, Đề án quy định cụ thể như sau:

- Rà soát, sắp xếp hợp lý các tổ chức, đơn vị thực hiện nhiệm vụ giám sát, kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp nhà nước; bố trí đội ngũ công chức làm công tác tham mưu cho cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước phải là những người có phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, có chuyên môn nghiệp vụ, kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực quản lý tài chính ngân sách, vốn, đầu tư, doanh nghiệp; công khai rộng rãi điều kiện tiêu chuẩn, vị trí chức danh, họ tên, trình độ chuyên môn, kinh nghiệm công tác, chế độ đãi ngộ của công chức được tuyển dụng, tiếp nhận, bố trí thực hiện nhiệm vụ giám sát trực tiếp doanh nghiệp nhà nước.

- Bố trí công chức có chuyên môn nghiệp vụ, kinh nghiệm công tác, am hiểu pháp luật về lĩnh vực quản lý tài chính ngân sách, vốn, đầu tư, doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ giám sát, kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp nhà nước.

- Tăng cường tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ về quản lý, sử dụng vốn, tài sản trong doanh nghiệp nhà nước và công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra cho người đứng đầu cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước, công chức trực tiếp thực hiện nhiệm vụ giám sát, kiểm tra, thanh tra và người giữ chức danh lãnh đạo, quản lý trong doanh nghiệp nhà nước.

- Tăng cường đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của các chủ thể có thẩm quyền quản lý doanh nghiệp nhà nước, đại diện chủ sở hữu nhà nước và giám sát, kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp nhà nước.

c) Thực hiện minh bạch, trách nhiệm giải trình và ứng dụng công nghệ thông tin trong giám sát, kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp nhà nước

Công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình là các giải pháp trọng tâm, quan trọng trong phòng, chống tham nhũng. Hoạt động của DNNN được minh bạch sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể có thẩm quyền thực hiện quyền giám sát, kiểm tra, thanh tra. Trong khi đó, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra giúp cho các hoạt động này tăng cường tính liêm chính, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực trong chính trong hoạt động của các cơ quan này. Trọng tâm của các giải pháp này tập trung vào: Thực hiện minh bạch hoạt động của doanh nghiệp nhà nước và hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp nhà nước; Người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền giám sát, kiểm tra, thanh tra có trách nhiệm giải trình trước thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp về: việc xây dựng kế hoạch; quá trình tiến hành giám sát, kiểm tra, thanh tra; việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định từ hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra theo quy định của pháp luật. Trưởng đoàn, thành viên đoàn, cá nhân được giao nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra có trách nhiệm giải trình về việc thực hiện nhiệm vụ được giao với người ra quyết định kiểm tra, thanh tra; Thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền giám sát, kiểm tra, thanh tra có trách nhiệm giải trình về kết luận, kiến nghị, quyết định, hành vi của mình khi có yêu cầu của doanh nghiệp nhà nước và các chủ thể có liên quan bị tác động bởi kết luận, kiến nghị, quyết định, hành vi đó. Việc giải trình được thực hiện theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

Thủ trưởng cơ quan đại diện chủ sở hữu, thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền giám sát, kiểm tra, thanh tra có trách nhiệm ứng dụng công nghệ thông tin trong: Công khai thông tin về hoạt động của doanh nghiệp nhà nước và hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp nhà nước; Trong quá trình tiến hành hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp nhà nước; Xây dựng hệ thống dữ liệu điện tử của cơ quan mình về giám sát, kiểm tra, thanh tra, phục vụ việc khai thác, chia sẻ, kết nối, liên thông dữ liệu.

d) Phát huy vai trò của xã hội trong hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp nhà nước

Về trụ cột này, Đề án đưa ra 03 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể:

- Cơ quan đại diện chủ sở hữu, người đứng đầu các cơ quan có thẩm quyền giám sát, kiểm tra, thanh tra tổ chức đầu mối tiếp nhận các thông tin, phản ánh, khiếu nại, tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong doanh nghiệp nhà nước.

- Kịp thời xử lý các thông tin, phản ánh, khiếu nại, tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp nhà nước và việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định từ hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp nhà nước.

- Tăng cường đối thoại, chia sẻ thông tin giữa cơ quan đại diện chủ sở hữu, cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp nhà nước với các tổ chức chính trị - xã hội, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, cơ quan báo chí về những nội dung liên quan đến hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp nhà nước.

Về tổ chức thực hiện Đề án, ngoài việc quy định các trách nhiệm của cơ quan chủ trì Đề án (Thanh tra Chính phủ), các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm chủ động hoàn thành việc ban hành kế hoạch cả giai đoạn 2021 - 2025 trong quý II năm 2021 và kế hoạch hàng năm từ tháng 12 năm trước để triển khai thực hiện phù hợp với điều kiện thực tiễn, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm; lồng ghép thực hiện Đề án với kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của bộ, ngành, địa phương và kế hoạch sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước. Đề án còn đưa ra 15 nhiệm vụ cụ thể để thực hiện trong giai đoạn 2021 – 2025.

Nguồn: Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra

1. Báo cáo số 3222/BC-TTCP ngày 29/12/2017 của Thanh tra Chính phủ gửi Đoàn giám sát Quốc hội và

báo cáo bổ sung tại công văn số 433/BC-TTCP ngày 28/3/2018 của Thanh tra Chính phủ.

2. Báo cáo số 01/BC-KTNN ngày 02/01/2018 của Kiểm toán Nhà nước gửi Đoàn giám sát Quốc hội,

3. Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Hội nghị BCH TW Đảng lần thứ 5, khóa XII

4. Tờ trình của Thanh tra Chính phủ về việc ban hành Đề án “Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả giám sát, kiểm tra, thanh tra nhằm phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi vi phạm pháp luật, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong doanh nghiệp nhà nước”

Dấu ấn thanh tra Bình Dương
Liên kết website
Các Sở,Ban ngành

Các Trang khác

Thống kê truy cập

Lượt xem: 7567260