Phát huy hiệu quả của Quy tắc ứng xử nhằm chống tiêu cực, tham nhũng trong khu vực công qua tham khảo Quy tắc ứng xử doanh nghiệp
Được quy định trong Luật Viên chức và Luật Phòng, chống tham nhũng, Quy tắc ứng xử nằm trong số các giải pháp phòng ngừa xung đột lợi ích, chống tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động công vụ. Mặc dù vậy, xây dựng và thực thi công cụ này hiện nay chưa thực sự hiệu quả. Trong khi ở khu vực tư, phần lớn các doanh nghiệp, đặc biệt là các tập đoàn lớn hay tập đoàn xuyên quốc gia đã chú trọng xây dựng, củng cố và nỗ lực tuân thủ Quy tắc ứng xử như một văn bản quan trọng quyết định giá trị cốt lõi và văn hóa doanh nghiệp.
I. Giá trị của Quy tắc ứng xử đối với việc chống xung đột lợi ích và tham nhũng trong doanh nghiệp
Thể chế hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng, phù hợp tinh thần và định hướng của Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC), Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 lần đầu tiên trong lịch sử mở rộng phạm vi điều chỉnh ra khu vực tư với 10 điều luật quy định về phòng, chống tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước. Điểm nhấn đáng lưu ý là Luật Phòng, chống tham nhũng bước đầu tiếp cận vấn đề Quy tắc ứng xử đối với tổ chức, doanh nghiệp tư nhân và theo hướng “khuyến nghị” (chứ không bắt buộc). Có thể hiểu là, theo tinh thần của Luật, doanh nghiệp “nên” hoặc “cần” xây dựng và thực hiện Quy tắc ứng xử. Đây được xem là tiền đề quan trọng nhằm xây dựng cơ chế kiểm soát nội bộ có hiệu quả, góp phần phòng ngừa xung đột lợi ích, ngăn chặn hành vi tham nhũng và xây dựng văn hóa kinh doanh lành mạnh.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy doanh nghiệp, như một tất yếu khách quan, đã luôn phải chủ động ứng phó với tiêu cực, tham nhũng nội bộ. Báo cáo của nhóm nghiên cứu UNDP[1] đã thực hiện khảo sát về ý thức xây dựng văn hóa kinh doanh liêm chính của doanh nghiệp. Kết quả: 41 doanh nghiệp, tổ chức được khảo sát đều thấy rằng sự cần thiết phải xây dựng văn hóa kinh doanh lành mạnh, không tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước; thấy được sự cần thiết của việc xây dựng, thực hiện Quy tắc đạo đức nghề nghiệp, quy tắc đạo đức kinh doanh; Quy tắc ứng xử, cơ chế kiểm soát trong doanh nghiệp, tổ chức mình. Trong số 41 doanh nghiệp, tổ chức, 22% đối tượng được hỏi đã xây dựng, thực hiện quy tắc đạo đức nghề nghiệp, quy tắc đạo đức kinh doanh; 48% đang xây dựng, thực hiện quy tắc đạo đức nghề nghiệp, quy tắc đạo đức kinh doanh nhằm phòng ngừa tham nhũng và 28% chưa tiến hành xây dựng.
Xây dựng Quy tắc ứng xử vốn dĩ không xa lạ với cộng đồng doanh nghiệp. Công cụ này còn có ý nghĩa then chốt quyết định văn hóa doanh nghiệp, đặc biệt đối với các tập đoàn kinh tế lớn hay tập đoàn xuyên quốc gia. Quy tắc ứng xử được xây dựng và ban hành bởi các doanh nghiệp hiện nay thường được thể hiện thông qua hai hình thức văn bản quản lý nội bộ, như một dạng Quy chế của doanh nghiệp, hoặc văn bản có tên gọi khác tùy theo từng doanh nghiệp, theo đó văn bản này có nội dung quy định về trình tự, thủ tục, thẩm quyền và các biện pháp nội bộ cần thực hiện để thông qua một giao dịch, hoặc xúc tiến, triển khai giao dịch đó, với mục đích đưa ra một tiêu chuẩn chung để người quản lý và người lao động của doanh nghiệp cần phải tuân thủ theo, tránh trường hợp các nhân sự này sử dụng vị trí, vai trò, quyền hạn của mình trong doanh nghiệp để tác động tới các hoạt động và giao dịch của doanh nghiệp nhằm phục vụ cho lợi ích cá nhân của mình.
Trong quy chế quản lý nội bộ của doanh nghiệp cũng thường đưa ra một điều khoản mẫu về phòng, chống hối lộ/phòng, chống tham nhũng để đưa vào trong các hợp đồng/thỏa thuận mà doanh nghiệp đó ký kết với đối tác của mình. Việc đưa điều khoản phòng, chống hối lộ/phòng, chống tham nhũng này vào hợp đồng có mục đích để đối tác khi làm việc với doanh nghiệp nắm được việc không được thực hiện một số hành vi nhất định (như tặng quà hoặc chuyển giao một số quyền lợi nhất định cho nhân sự có thẩm quyền với giao dịch của doanh nghiệp), cũng như để tạo lập cơ sở pháp lý cho việc xử lý hợp đồng/thỏa thuận đó trong trường hợp doanh nghiệp phát hiện việc hợp đồng/thỏa thuận như vậy đã được tạo lập bởi hành vi vi phạm điều khoản này, hoặc vi phạm quy chế quản lý nội bộ về phòng, chống hối lộ/phòng, chống tham nhũng của doanh nghiệp, với các biện pháp xử lý như đình chỉ, hủy bỏ việc thực hiện hợp đồng, khiếu nại, tố cáo tới cơ quan Nhà nước có thẩm quyền,...
Nhìn chung, Quy tắc ứng xử có thể được ví như tuyên ngôn về văn hóa liêm chính của doanh nghiệp với nhóm đối tượng bên trong (cổ đông, cán bộ lãnh đạo, nhân viên làm việc trong doanh nghiệp…) cũng như nhóm đối tượng bên ngoài (khách hàng, đối tác, cơ quan quản lý…). Mặc dù từ phía Nhà nước, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 chỉ khuyến nghị doanh nghiệp, tổ chức xây dựng và thực hiện Quy tắc ứng xử, thực tế là các đối tượng này đều đã và đang cố gắng tuân thủ các nguyên tắc được nêu trong loại văn bản do chính mình xây dựng này, dù bản chất nó không có ràng buộc về pháp lý. Vì vậy, ban hành và thực thi Quy tắc ứng xử đã trở thành trụ cột quan trọng trong kiểm soát xung đột lợi ích và chống tham nhũng doanh nghiệp.
II. Thực tiễn hiệu quả chống xung đột lợi ích và tham nhũng qua Quy tắc ứng xử trong khu vực công
Đối với khu vực công, Quy tắc ứng xử lần đầu tiên được đề cập đến và định nghĩa trong Luật Viên chức năm 2010. Trong khi đó, khái niệm này hoàn toàn không xuất hiện trong toàn văn Luật Cán bộ, công chức ban hành 02 năm trước đó. Câu hỏi được đặt ra là: Vì sao người lao động được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập và hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị có nghĩa vụ tuân thủ các “chuẩn mực xử sự trong thi hành nhiệm vụ” và thậm chí cả “trong quan hệ xã hội” (ngoài phạm vi nhiệm vụ). Trong khi đó, người lao động được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch - chức vụ, làm việc tại các cơ quan nhà nước, hưởng lương từ ngân sách nhà nước không có nghĩa vụ này. Vì sao sự khác nhau về cơ chế tuyển dụng và chế độ chính sách giữa hai nhóm đối tượng này là yếu tố dẫn đến việc tồn tại “chuẩn mực xử sự” của bên này, còn bên kia thì không ?
Cùng với năm ban hành Luật Cán bộ, công chức, cơ quan soạn thảo, xây dựng luật này là Bộ Nội vụ đã ban hành quyết định về vấn đề Quy tắc ứng xử trong Bộ. Điểm đáng lưu ý là những quy tắc đưa ra trong Quyết định này áp dụng cho toàn bộ người lao động chứ không phân biệt hay miễn trừ đối với đối tượng nào[2].
Ngoài Luật Viên chức, Quy tắc ứng xử cũng được nhắc đến trong các nội dung của Luật Phòng, chống tham nhũng từ Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 đến Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018. Khái niệm này được đặt trong mối quan hệ với “người có chức vụ, quyền hạn” (chủ thể của hành vi tham nhũng).[3] Nếu theo logic đã phân tích ở trên thì chúng ta một lần nữa nhận thấy sự mâu thuẫn giữa Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức và Luật Phòng, chống tham nhũng: Bởi Luật Phòng, chống tham nhũng quy định người có chức vụ, quyền hạn phải tuân thủ Quy tắc ứng xử. Nhưng người có chức vụ, quyền hạn theo định nghĩa Luật Cán bộ, công chức (tức cán bộ, công chức) lại không có nghĩa vụ này. Nếu diễn giải luật theo nghĩa hẹp và chặt chẽ thì chỉ có một đối tượng duy nhất có nghĩa vụ tuân thủ Quy tắc ứng xử là viên chức quản lý, bởi thỏa mãn 02 điều kiện: (i) người có chức vụ; (ii) không phải là công chức[4]. Tuy nhiên, cụm từ “nhưng không phải là công chức” cũng đã bị bãi bỏ theo điểm a, khoản 13, Điều 2 Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi năm 2019.
Thực tế phổ biến hiện nay cho thấy các cơ quan ban hành Quy tắc ứng xử ở các cấp độ khác nhau (Bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh…) thường áp dụng cho tất cả người lao động chứ không minh định rõ chỉ một số đối tượng cụ thể. Có thể nói, dù ở cấp độ Luật không có sự thống nhất về giá trị áp dụng và nghĩa vụ tuân thủ cơ chế này, các văn bản dưới luật đều có chung quan điểm rằng Quy tắc ứng xử là một chuẩn mực mà mọi người lao động trong cơ quan, tổ chức, đơn vị phải tuân thủ.
Đến nay, phần lớn các cơ quan ở Trung ương và địa phương đã ban hành Quy tắc ứng xử cán bộ, công chức, viên chức. Nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp đã xây dựng và phát động thực hiện quy tắc đạo đức nghề nghiệp. Ví dụ: Bộ Y tế ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp y tế vào năm 2008.
Kết quả thống kê kiểm tra việc thực hiện Quy tắc ứng xử của 48.411 cơ quan, tổ chức tại các bộ, ngành, tỉnh, thành phố trên cả nước qua 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng cho thấy việc quán triệt, thực hiện Quy tắc ứng xử ở nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị được triển khai khá nghiêm túc, đã phát hiện, xử lý kỷ luật 290 cán bộ, công chức, viên chức vi phạm Quy tắc ứng xử. Riêng năm 2011, qua kiểm tra 4.720 cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện Quy tắc ứng xử, trong 10 năm thực hiện đã phát hiện và xử lý 3.376 cán bộ, công chức, viên chức vi phạm.[5] Cho đến thời điểm này, dù chưa có thống kê mới cập nhật về hiệu lực và hiệu quả thực thi Quy tắc ứng xử trong khu vực công, nhưng nhận định chung cho thấy, tình trạng vi phạm quy định về Quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp còn khá phổ biến. Việc tổ chức thực hiện cũng như các cơ chế giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm thiếu nghiêm minh, chặt chẽ, do vậy chưa tạo được ý thức tuân thủ rộng rãi trong hành vi, ứng xử công vụ của cán bộ, công chức, viên chức.[6]
Có thể rút ra một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu hiệu lực, hiệu quả trong việc áp dụng Quy tắc ứng xử nhằm phòng ngừa xung đột lợi ích, chống tham nhũng trong khu vực công như sau:
Một là, việc xây dựng, ban hành Quy tắc ứng xử chưa thực sự được phổ biến và coi trọng ở tất cả các cấp, các ngành. Một số địa phương chưa có Quy tắc ứng xử (đặc biệt là các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa như Cao Bằng, Tuyên Quang, Cà Mau, Bạc Liêu…). Thực tế chỉ ra nhiều địa phương chủ động lồng ghép nội dung Quy tắc ứng xử và chuẩn mực đạo đức trong văn bản khác phổ biến hơn là “Quy chế văn hóa công sở”. Tuy nhiên, giá trị pháp lý của loại văn bản này không thực sự được đánh giá cao, đặc biệt ở khía cạnh phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng. Bởi Quy chế này chủ yếu thiên về việc đưa ra những quy định liên quan tác phong, diện mạo, thái độ, giao tiếp, ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức khi làm việc trong khu vực công).
Hai là, nội dung thể hiện trong Quy tắc ứng xử hiện nay còn tương đối chung chung, hình thức, ít giá trị tham khảo đối với cán bộ, công chức, viên chức đặc biệt đối với các quyết định liên quan đến chống tiêu cực, tham nhũng. Các Quy tắc ứng xử đã ban hành hiện nay thiên về quy định những vấn đề liên quan đến thái độ, ý thức, văn hóa hơn là mang giá trị như một sổ tay hướng dẫn giúp cán bộ, công chức, viên chức ứng xử với những tình huống có nguy cơ dẫn đến tiêu cực (điều mà khu vực tư đang áp dụng tương đối hiệu quả).
Ba là, thái độ quan liêu, hách dịch, cửa quyền, vẫn còn bất cập ở nhiều cơ quan, đặc biệt ở cấp địa phương, tồn tại như một văn hóa quan liêu không dễ dàng thay đổi. Ví dụ ở Đăk Nông, biểu hiện hay hành vi vi phạm đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp xảy ra ở nhiều lĩnh vực: đất đai, xây dựng, y tế, kiểm lâm, giao thông… Trong công việc thường nhật, cán bộ, công chức, viên chức có những biểu hiện tiêu cực về tác phong, thái độ như bớt xén thời gian làm việc, đùn đẩy trách nhiệm, hướng dẫn, giải thích cho người dân lòng vòng, khó hiểu, thiếu nhiệt tình, thân thiện trong khi tiếp công dân, thậm chí gợi ý, vòi vĩnh trong khi thực hiện nhiệm vụ. Nội bộ nhiều đơn vị xảy ra biểu hiện cục bộ, kèn cựa, ganh tị, bè phái, lợi ích nhóm, chủ nghĩa cơ hội, thiếu tinh thần đoàn kết dẫn đến kêt quả thực hiện nhiệm vụ không cao… Rõ ràng, cơ chế, chính sách, văn bản sẽ không mang lại nhiều giá trị khi tư tưởng, đạo đức công vụ chưa có sự chuyển biến[7].
Bốn là, xử lý vi phạm về đạo đức của cán bộ, công chức, viên chức vẫn còn phải đối diện với nhiều lực cản từ văn hóa công sở tại các cơ quan nhà nước. Cũng theo báo cáo của Sở Nội vụ tỉnh Đăk Nông, việc nhận xét đánh giá cán bộ, công chức, viên chức cuối năm của các cơ quan, đơn vị thực hiện chưa nghiêm túc, còn mang tính hình thức, đánh giá chung chung, không thẳng thắn soi chiếu vào những vi phạm, tiêu cực của người lao động. Ví dụ năm 2013, công chức cuối năm tỉ lệ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của cán bộ, công chức cấp huyện, tỉnh là 2,31%, hoàn thành tốt nhiệm vụ là 73,39%, hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực là 24,31%. Đối với cấp xã tỉ lệ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là 6,1%, hoàn thành tốt nhiệm vụ là 63,62%, hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực là 30,26%. Không có cán bộ, công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ. Tuy nhiên, dựa trên việc theo dõi, quản lý về cán bộ, công chức của Sở Nội vụ, số cán bộ, công chức cấp tỉnh, huyện không hoàn thành nhiệm vụ chiếm tỉ lệ 3,2%. Số cán bộ, công chức cấp xã không hoàn thành nhiệm vụ chiếm tỉ lệ 4,1%. Kết quả đánh giá không phản ánh đúng thực tế hoạt động, quá trình thực thi nhiệm vụ của tập thể hay mỗi cá nhân là tình trạng phổ biến ở nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị nhà nước hiện nay.
III. Một số giải pháp nhằm phát huy vai trò của Quy tắc ứng xử trong việc chống tiêu cực, tham nhũng khu vực công
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Những người làm việc trong các công sở, từ làng xã cho đến Trung ương, vì nắm trong tay quyền lực nhà nước nên “đều dễ tìm dịp phát tài, hoặc xoay tiền của Chính phủ, hoặc khoét đục nhân dân”[8]. Giữ gìn đức liêm, do đó, trở thành mục tiêu hàng đầu của Chính phủ Hồ Chí Minh và Người đã tuyên bố: “Chính phủ sau đây phải là một Chính phủ liêm khiết”[9]. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh cán bộ, công chức không chỉ cần liêm mà còn phải chính. Người có đức chính là người chính trực, đúng mực, công tâm nên họ không chỉ hành động theo nguyên tắc “việc phải thì dù nhỏ cũng làm, việc trái thì dù nhỏ cũng tránh”, mà còn kiên quyết bảo vệ lẽ phải và đấu tranh quyết liệt với cái xấu. Đạo đức công vụ là những giá trị đạo đức, nguyên tắc, chuẩn mực pháp lý quy định hành vi, thái độ, ứng xử của người công chức khi thi hành công vụ. Trong đạo đức công vụ, liêm chính là giá trị đầu bảng, cốt lõi, bởi một nền công vụ liêm chính sẽ bảo đảm tính hiệu quả của hoạt động công vụ, góp phần chống tham nhũng, thúc đẩy sự phát triển của đất nước và mang lại niềm tin của người dân vào chế độ. Liên quan đến đạo đức công vụ, mới đây Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã nhấn mạnh: "Không chỉ đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực kinh tế, mà quan trọng hơn phải chống tiêu cực trong cả lĩnh vực tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Hai cái này có liên quan đến nhau, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống thì mới dẫn đến tham nhũng, đây mới là cái gốc, cái cơ bản cần phải chống…”.[10]
Mục tiêu xây dựng nền công vụ liêm chính và nâng cao chất lượng thực thi công vụ đã trở thành kim chỉ nam xây dựng và kiện toàn bộ máy quản trị quốc gia, được khẳng định trong Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức; Luật Phòng, chống tham nhũng; Chiến lược quốc gia phòng chống tham nhũng đến năm 2020; Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí… Không chỉ ở tầm vĩ mô, để sát thực hơn với điều kiện cụ thể, nhiều cơ quan đã ban hành Quy tắc ứng xử dành cho cán bộ, công chức cơ quan mình. Tuy nhiên, thực tế triển khai áp dụng còn nhiều bất cập, hạn chế như đã phân tích ở phần II. Để công cụ này thực sự phát huy hiệu lực, hiệu quả, như cách mà khu vực tư đã và đang thực hiện, cần xem xét một số giải pháp như sau:
Thứ nhất, phải tiến hành xây dựng và ban hành Quy tắc ứng xử một cách rộng khắp, toàn diện ở tất cả các cấp, ngành, các địa phương trên toàn quốc, từng bước trở thành chuẩn mực pháp lý có giá trị bắt buộc tuân thủ đối với mọi người lao động trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước.
Thứ hai, tùy vào tính chất đặc thù của cơ quan, ngành, địa phương mà các Quy tắc ứng xử có thể có cấu trúc hoặc nội dung không hoàn toàn giống nhau. Tuy nhiên, một Bộ Quy tắc ứng xử cần thể hiện được những trụ cột nội dung cơ bản như: (i) Quy tắc ứng xử chung tại cơ quan (tác phong, diện mạo, thái độ khi làm việc); (ii) Quy tắc ứng xử trong thực thi công vụ, văn hóa giao tiếp với người dân; (iii) cách thức ứng xử và các bước hành động trong hoàn cảnh gặp tình huống rủi ro hay tham nhũng, đi kèm với quy trình hành động, giải pháp cụ thể, địa chỉ khi cần tư vấn. Nhóm (iii) này chính là nội dung cốt lõi trong Quy tắc ứng xử doanh nghiệp đã được khu vực tư phát huy mạnh mẽ và có hiệu quả tích cực đối với kiểm soát nội bộ và chống tham nhũng.
Thứ ba, cần tiếp tục tăng cường công tác giáo dục đạo đức công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Các cơ quan phải giáo dục để người lao động ý thức sâu sắc rằng, trong thế kỷ 21, Nhân dân là khách hàng mà Nhà nước có trách nhiệm cung cấp các dịch vụ với thái độ, chất lượng tốt nhất cùng thời gian và chi phí ít nhất. Giáo dục đạo đức công vụ cần đi kèm với tuyên truyền, phổ biến Quy tắc ứng xử trong mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị, từng bước để công cụ này mang giá trị như Sổ tay công tác của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ.
Thứ tư, cán bộ lãnh đạo cần giám sát quá trình thực hiện Quy tắc ứng xử một cách nghiêm minh, tuyệt đối tránh việc thực thi Quy tắc ứng xử hời hợt, buông lỏng sai phạm của nhân viên cấp dưới vì mục đích cá nhân hay để chạy đua thống kê thành tích. Để làm được như vậy, bản thân người lãnh đạo phải tích cực tu dưỡng, rèn luyện, trở thành tấm gương về đạo đức, kỷ luật, liêm chính trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Nguồn: Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra
[1] Báo cáo “Đánh giá quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước và đề xuất hướng dẫn đối với doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước tại Việt Nam”, Nhóm chuyên gia UNDP, 9/2020.
[3] Điều 20 quy định “QTƯX của người có chức vụ, quyền hạn”; Điều 21 quy định “Thẩm quyền ban hành QTƯX của người có chức vụ quyền hạn…”
[4] Khoản 1 Điều 3 Luật Viên chức 2010 định nghĩa “Viên chức quản lý là người được bổ nhiệm giữ chức vụ quản lý…nhưng không phải là công chức…”
[5] Tổng hợp số liệu từ Báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện Luật PCTN 2005 của TTCP và một số Báo cáo khác;
[6] Đinh Thị Hương Giang, “Hoàn thiện pháp luật về kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ ở Việt Nam”, Luận án tiến sĩ luật học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, 2019.
[7] “Thực trạng về đạo đức và trách nhiệm của CB,CC,VC tỉnh Đăk Nông”, Báo cáo của Sở Nội vụ tỉnh Đăk Nông, link: https://www.moha.gov.vn/hochiminh/nghien-cuu-trao-doi/thuc-trang-ve-dao-duc-va-trach-nhiem-cua-can-bo-cong-chuc-vien-chuc-tinh-dak-nong-18634.html
[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t. 5, tr. 123
[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t. 4, tr. 478
[10] T.S Đinh Văn Minh,“Chống tham nhũng bước sang giai đoạn mới”, https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/tieudiem/chong-tham-nhung-buoc-sang-giai-doan-moi-764031.html?fbclid=IwAR2BwkhAjuyGID_8H5se0clV2kztSRhK2wVQa7sZyVt5Dc84C29lKa6eTlY (truy cập ngày 10/8/2021).
Liên kết website
Các Trang khác
Thống kê truy cập
Lượt xem: 7567257