Năm 2025, những nhiệm vụ chủ yếu trong công tác thanh tra là gì?

29/10/2024    Lượt xem: 590    In bài viết   Độ tương phản  

 

Các nhiệm vụ cụ thể về công tác thanh tra được Thanh tra Chính phủ nêu rõ trong định hướng Chương trình thanh tra năm 2025. Ảnh: TTM

Những nhiệm vụ của Thanh tra Chính phủ 

Định hướng chương trình thanh tra năm 2025, Thanh tra Chính phủ sẽ tiến hành thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật và nhiệm vụ, quyền hạn của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trên các lĩnh vực quan trọng, chủ yếu, cơ bản của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ để góp phần chấn chỉnh công tác quản lý Nhà nước, phát hiện, phòng ngừa, xử lý vi phạm và hoàn thiện cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật trong lĩnh vực được thanh tra.

Thanh tra việc chấp hành pháp luật về phát hành trái phiếu doanh nghiệp và sử dụng nguồn tiền từ phát hành trái phiếu doanh nghiệp theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn trong công tác quản lý Nhà nước của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, thanh tra việc chấp hành pháp luật trong cấp tín dụng tại một số ngân hàng thương mại cổ phần có vốn Nhà nước; việc chấp hành pháp luật trong đầu tư xây dựng các công trình, dự án quan trọng, trọng điểm quốc gia theo các nghị quyết của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; thanh tra chuyên đề diện rộng việc chấp hành chính sách, pháp luật trong đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi, đê điều của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và một số tỉnh, thành phố giai đoạn 2018-2023; việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan đại diện chủ sở hữu, người đại diện chủ sở hữu trực tiếp hoặc người đại diện vốn Nhà nước đầu tư tại một số công ty cổ phần, tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; 

Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ cũng tổ chức thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật và nhiệm vụ, quyền hạn của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong công tác quản lý đầu tư xây dựng, quản lý, sử dụng đất đai; việc triển khai các dự án nhà ở xã hội, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quỹ đất phát triển nhà ở xã hội đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị; khai thác tài nguyên, khoáng sản; thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, trong đó tập trung giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến nhân sự Đại hội Đảng các cấp, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực...

Ngoài ra, còn tổ chức thanh tra vụ việc khác theo yêu cầu, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thanh tra đột xuất khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật; kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kết luận thanh tra thuộc thẩm quyền. Thanh tra lại theo thẩm quyền; kiểm tra tính chính xác, hợp pháp của kết luận thanh tra của thanh tra bộ, cơ quan thanh tra của cơ quan thuộc Chính phủ, thanh tra tỉnh và quyết định xử lý sau thanh tra của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch UBND cấp tỉnh khi cần thiết. 

Nhiệm vụ của các bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan thuộc Chính phủ

Bộ và các cơ quan ngang bộ tổ chức thanh tra việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, đơn vị, cá nhân thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, bao gồm thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, trong đó tập trung giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến nhân sự đại hội Đảng các cấp, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của thủ trưởng cơ quan, đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ; thanh tra công tác quản lý tài chính, tài sản, dự án đầu tư của các cơ quan, đơn vị trực thuộc bộ, cơ quan ngang bộ. 

Thanh tra các tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật chuyên ngành, quy định về chuyên môn - kỹ thuật, quản lý ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của bộ, cơ quan ngang bộ. 

Thanh tra theo các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, chỉ thị, quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Thủ tướng Chính phủ. 

Thanh tra theo yêu cầu của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ; thanh tra đột xuất khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật; thanh tra lại theo thẩm quyền; kiểm tra tính chính xác, hợp pháp của các kết luận thanh tra của thanh tra tổng cục, cục, cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc bộ và quyết định xử lý sau thanh tra của Chủ tịch UBND cấp tỉnh đối với vụ việc thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ, cơ quan ngang bộ khi thấy cần thiết. 

Đối với các Cơ quan thuộc Chính phủ, thanh tra việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, đơn vị, cá nhân của cơ quan thuộc Chính phủ, bao gồm thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, trong đó tập trung giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến nhân sự đại hội Đảng các cấp, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của thủ trưởng cơ quan, đơn vị của cơ quan thuộc Chính phủ; thanh tra công tác quản lý tài chính, tài sản, dự án đầu tư của các cơ quan, đơn vị của cơ quan thuộc Chính phủ.

Thanh tra các tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật chuyên ngành, quy định về chuyên môn - kỹ thuật, quản lý ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của cơ quan thuộc Chính phủ (Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Ban Cơ yếu Chính phủ...).

Thanh tra theo yêu cầu của thủ trưởng cơ quan trực thuộc Chính phủ; thanh tra đột xuất khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật. 

Nhiệm vụ của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương 

Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật và nhiệm vụ, quyền hạn của sở, ngành cấp tỉnh, bao gồm thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, trong đó tập trung giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến nhân sự đại hội Đảng các cấp, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của giám đốc sở và thủ trưởng các ngành cấp tỉnh (tập trung vào những sở, ngành có nhiều dấu hiệu vi phạm, tham nhũng, tiêu cực, dư luận xã hội quan tâm, phát sinh nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo; cần kiểm soát quyền lực, kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn). 

Thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật và nhiệm vụ, quyền hạn của UBND cấp huyện, tập trung thanh tra các dự án đầu tư xây dựng; quản lý, sử dụng đất đai, nhất là đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường; quản lý và khai thác tài nguyên, khoáng sản; việc mua bán, chuyển nhượng, mua sắm tài sản công; thanh tra chuyên đề diện rộng việc chấp hành chính sách, pháp luật trong đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi, đê điều; việc quản lý và thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Chủ tịch UBND cấp huyện (tập trung vào vào những địa phương có nhiều dấu hiệu vi phạm, tham nhũng, tiêu cực, dư luận xã hội quan tâm, phát sinh nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo; cần kiểm soát quyền lực, kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn).

Thanh tra theo yêu cầu của chủ tịch UBND cấp tỉnh; thanh tra đột xuất khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật; thanh tra lại theo thẩm quyền; kiểm tra tính chính xác, hợp pháp các kết luận thanh tra của thanh tra sở, huyện và quyết định xử lý sau thanh tra của giám đốc sở, chủ tịch UBND cấp huyện khi cần thiết.

Nguồn: thanhtra.com.vn

Dấu ấn thanh tra Bình Dương
Liên kết website
Các Sở,Ban ngành

Các Trang khác

Thống kê truy cập

Lượt xem: 7575745