Từ Kế hoạch đến Kết luận thanh tra: Dự thảo Thông tư bổ sung nhiều quy định mới

30/09/2024    Lượt xem: 835    In bài viết   Độ tương phản  

Cuộc họp được tổ chức nhằm lấy ý kiến đối với các đơn vị liên quan trực tiếp đến các hoạt động thanh tra, từ đó Ban soạn thảo và Tổ biên tập sẽ tiếp thu, chỉnh sửa, rà soát toàn bộ quy định của Thông tư, sớm hoàn chỉnh dự thảo trình Tổng Thanh tra Chính phủ thông qua trong thời gian tới.

Đây là một dự thảo quan trọng, ngoài quy định hướng dẫn thêm các nội dung về trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra, dự thảo Thông tư còn quy định hướng dẫn một số nội dung khác như về giám sát hoạt động Đoàn thanh tra, thẩm định dự thảo Kết luận thanh tra, nhất là ban hành hệ thống biểu mẫu sử dụng trong hoạt động thanh tra.

 Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Dương Quốc Huy chủ trì cuộc họp. (Ảnh: Dương Nguyễn)

Thông tư này áp dụng đối với Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước, Thủ trưởng cơ quan thực hiện chức năng thanh tra, người tiến hành thanh tra, người thực hiện giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra, người thực hiện thẩm định dự thảo Kết luận thanh tra, đối tượng thanh tra và cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan.

Thực hiện Kế hoạch xây dựng thể chế năm 2023, năm 2024 của Thanh tra Chính phủ, Vụ Pháp chế đã tham mưu giúp Tổng Thanh tra Chính phủ xây dựng dự thảo Thông tư hướng dẫn một số quy định về trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra; đồng thời, lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ, Thanh tra Chính phủ nhằm lấy ý kiến Nhân dân để tổng hợp và hoàn thiện.

Đồng thời, Thanh tra Chính phủ đã tổ chức 2 cuộc hội thảo lấy ý kiển của Thanh tra một số Bộ, ngành, địa phương tại Hòa Bình và Khánh Hòa. Tại 2 buổi hội thảo, các ý kiến của các đại biểu tham dự đã tập trung phân tích làm sáng tỏ hơn một số nội dung của dự thảo Thông tư và kỹ thuật câu chữ để phù hợp nhất với tinh thần của Luật Thanh tra, Nghị định 43/2023/NĐ-CP, Nghị định 03/2024/NĐ-CP...

 Vụ trưởng Vụ Pháp chế Trần Đăng Vinh báo cáo tóm tắt Dự thảo Thông tư. (Ảnh: Dương Nguyễn)

Sau hội thảo, Vụ Pháp chế đã tổng hợp và báo cáo lãnh đạo Thanh tra Chính phủ chủ trì và cũng đã lấy ý kiến của các cục vụ đơn vị và đã gửi cho Hội đồng tư vấn thẩm định. Trên cơ sở báo cáo thẩm định của Hội đồng tư vấn thẩm định, với tinh thần cầu thị, Vụ Pháp chế đã tiếp thu đầy đủ các ý kiến đóng góp. Bản dự thảo mới với 30 Điều có những điểm được diễn giải chi tiết, dày dặn hơn và có một số điều là được thiết kế thêm, bổ sung thêm, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Trần Đăng Vinh nhấn mạnh.

Theo Dự thảo Thông tư, tại Chương II, trình tự, thủ tục tiến hành cuộc thanh tra được gồm: Thu thập thông tin để chuẩn bị thanh tra; Ban hành Quyết định thanh tra; Xây dựng, phổ biến Kế hoạch tiến hành thanh tra, phân công nhiệm vụ thành viên Đoàn thanh tra; Công bố Quyết định thanh tra; Báo cáo tiến độ trong thời gian tiến hành thanh tra trực tiếp; Sửa đổi, bổ sung nội dung Kế hoạch tiến hành thanh tra; Sổ nhật ký Đoàn thanh tra; Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ của thành viên Đoàn thanh tra; Báo cáo kết quả thanh tra của Đoàn thanh tra; Xem xét Báo cáo kết quả thanh tra của Đoàn thanh tra; Xây dựng dự thảo Kết luận thanh tra; Tham khảo ý kiến của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan về dự thảo Kết luận thanh tra; Báo cáo xin ý kiến Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp về dự thảo Kết luận thanh tra; Ban hành Kết luận thanh tra; Công khai Kết luận thanh tra; Họp tổng kết hoạt động của Đoàn thanh tra.

Đại diện các cục, vụ Thanh tra Chính phủ tham gia cuộc họp. (Ảnh: Dương Nguyễn) 

Theo dự thảo Thông tư, Điều 3 quy định về thu thập thông tin để chuẩn bị thanh tra, đây là bước quan trọng để làm công tác chuẩn bị, trong quá trình trước khi tiến hành thanh tra. Căn cứ vào Điều 58 của Luật Thanh tra, dự thảo Thông tư hướng dẫn bổ sung thêm thủ tục, quá trình thu thập thông tin để thực hiện thanh tra. Điều 5 về xây dựng, phổ biến kế hoạch tiến hành thanh tra, phân công nhiệm vụ thành viên Đoàn thanh tra thiết kế thêm việc phân công nhiệm vụ cho các thành viên Đoàn thanh tra. Ngoài việc phân công tại kế hoạch tiến hành thanh tra, có thể phân công tại cuộc họp hoặc là bằng bằng văn bản.

Đặc biệt, Điều 7 quy định về báo cáo tiến bộ trong thời gian tiến hành thanh tra trực tiếp là một điều mới được thiết kế với yêu cầu các cuộc thanh tra phải có tiến độ. Những nhiệm vụ cần triển khai, kết quả đạt được, những khó khắn vướng mắc… là những nội dung cần phải báo cáo tiến độ.

Tại cuộc họp, các ý kiến của các đại diện các cục, vụ tham dự đã tập trung phân tích làm sáng tỏ hơn một số nội dung của dự thảo Thông tư, đặc biệt về việc thu thập thông tin, báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ của thành viên Đoàn thanh tra, xây dựng dự thảo Kết luận thanh tra, công bố Quyết định Giám sát, phương thức giám sát…

Nhấn mạnh tầm quan trọng, sát sườn của công tác xây dựng dự thảo Thông tư, đồng thời đánh giá cao những ý kiến đóng góp tích cực, tâm huyết tại cuộc họp Phó Tổng Thanh tra Dương Quốc Huy đề nghị Vụ Pháp chế tiếp thu toàn bộ ý kiến của các đồng chí trong cuộc họp, sớm hoàn chỉnh dự thảo Thông tư trình Tổng Thanh tra Chính phủ thông qua trong thời gian tới./.

Nguồn: thanhtravietnam.vn

Dấu ấn thanh tra Bình Dương
Liên kết website
Các Sở,Ban ngành

Các Trang khác

Thống kê truy cập

Lượt xem: 7636927