Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 8/2021
(Chinhphu.vn) - Điều kiện hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng; quy định mới về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; các biện pháp áp dụng trong tình huống khẩn cấp về thiên tai; chính thức bãi bỏ chứng chỉ tin học, ngoại ngữ cho công chức hành chính… là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 8/2021.
Từ 1/8, bãi bỏ tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ về chứng chỉ ngoại ngữ và chứng chỉ tin học của công chức chuyên ngành hành chính và công chức chuyên ngành văn thư |
Điều kiện hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng
Có hiệu lực từ ngày 15/08/2021, Nghị định số 58/2021/NĐ-CP ban hành ngày 10/06/2021 của Chính phủ quy định về hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng, trong đó, quy định cụ thể điều kiện cấp giấy chứng nhận hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng.
Nghị định nêu rõ: Công ty thông tin tín dụng chỉ thực hiện hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng sau khi được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy chứng nhận.
Một trong các điều kiện để được cấp giấy chứng nhận là: Có hệ thống cơ sở hạ tầng thông tin đáp ứng yêu cầu tối thiểu sau: Có tối thiểu 2 đường truyền số liệu, mỗi đường truyền của một nhà cung cấp dịch vụ; có cơ sở hạ tầng thông tin có khả năng tích hợp, kết nối được với hệ thống thông tin của tổ chức tham gia; có hệ thống máy chủ đặt tại Việt Nam, hệ thống phần mềm tin học và các giải pháp kỹ thuật có khả năng thực hiện hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng đối với tối thiểu 5.000.000 khách hàng vay; có phương án bảo mật, bảo đảm an toàn thông tin; có phương án dự phòng thảm họa, bảo đảm không bị gián đoạn các hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng quá 4 giờ làm việc.
Bên cạnh đó, có vốn điều lệ tối thiểu 30 tỷ đồng; có người quản lý doanh nghiệp, thành viên ban kiểm soát đáp ứng yêu cầu…
Quy định mới về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập
Có hiệu lực từ ngày 15/08/2021, Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ban hành ngày 21/06/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập (SNCL) nhằm khắc phục những hạn chế tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP.
Nghị định số 60/2021/NĐ-CP bổ sung quy định cụ thể nguồn tài chính của đơn vị SNCL theo hướng tách rõ nguồn thu. Cụ thể, nguồn thu hoạt động sự nghiệp gồm:
- Thu từ hoạt động dịch vụ sự nghiệp công;
- Thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh; hoạt động liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân theo đúng quy định của pháp luật và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đề án phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị sự nghiệp công;
- Thu từ cho thuê tài sản công: Đơn vị thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đề án cho thuê tài sản công.
Các biện pháp áp dụng trong tình huống khẩn cấp về thiên tai
Nghị định số 66/2021/NĐ-CP ban hành ngày 06/07/2021 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều có hiệu lực từ ngày 20/08/2021.
Nghị định quy định chủ tịch UBND cấp tỉnh, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ có trách nhiệm huy động các nguồn lực để ứng phó với tình huống khẩn cấp. Các biện pháp chính gồm:
1- Huy động lực lượng, phương tiện và các nguồn lực để cứu hộ, cứu nạn; tổ chức cấp cứu kịp thời người bị nạn; nhanh chóng sơ tán, di dời nhân dân ra khỏi nơi nguy hiểm; bố trí bảo đảm hậu cần cho nhân dân tại nơi sơ tán.
2- Tổ chức việc tiếp nhận, cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho nhân dân; huy động các cơ sở khám chữa bệnh tham gia cứu chữa cho người bị nạn.
3- Cấp phát miễn phí lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm thiết yếu khác để giúp nhân dân xử lý môi trường, phòng, chống dịch bệnh; cung cấp nước sạch, ổn định đời sống nhân dân trong quá trình ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.
4- Huy động mọi nguồn lực (bao gồm cả nguồn lực từ Quỹ phòng, chống thiên tai) để xử lý khẩn cấp sự cố công trình phòng chống thiên tai, sự cố công trình xây dựng do thiên tai.
5- Các biện pháp cần thiết khác.
6- Trường hợp vượt quá khả năng ứng phó của các bộ, ngành, địa phương, chủ tịch UBND cấp tỉnh, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ báo cáo Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, hỗ trợ theo thẩm quyền.
Chính thức bãi bỏ chứng chỉ tin học, ngoại ngữ cho công chức hành chính
Thông tư 02/2021/TT-BNV của Bộ Nội vụ quy định mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành hành chính và công chức văn thư có hiệu lực từ 1/8/2021.
Điểm mới của Thông tư này là chính thức bãi bỏ tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ về chứng chỉ ngoại ngữ và chứng chỉ tin học của công chức chuyên ngành hành chính và công chức chuyên ngành văn thư.
Cụ thể, đối với ngạch Chuyên viên cao cấp, về tiêu chuẩn trình độ đào tạo bồi dưỡng, Thông tư 02 của Bộ Nội vụ chỉ yêu cầu bằng tốt nghiệp đại học ngành phù hợp trở lên; bằng tốt nghiệp cao cấp lý luận chính trị hoặc bằng cao cấp lý luận chính trị-hành chính hoặc giấy xác nhận trình độ lý luận chính trị tương đương cao cấp lý luận chính trị; chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước theo chuẩn ngạch chuyên viên cao cấp.
Đối với ngạch Chuyên viên chính, tiêu chuẩn về trình độ đào tạo bồi dưỡng là: Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên với ngành hoặc chuyên ngành đào tạo phù hợp lĩnh vực công tác; có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước theo tiêu chuẩn ngạch Chuyên viên chính.
Tương tự, ngạch Chuyên viên cũng chỉ cần bằng tốt nghiệp đại học trở lên với ngành đào tạo phù hợp lĩnh vực công tác; có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước theo tiêu chuẩn ngạch chuyên viên.
So với quy định hiện hành, tất cả ngạch công chức chuyên ngành hành chính và công chức chuyên ngành văn thư không còn cần chứng chỉ ngoại ngữ, tin học.
Tuy nhiên, 2 loại công chức này phải có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản, sử dụng được ngoại ngữ ở trình độ tương đương với yêu cầu của vị trí việc làm.
Quy định mới về nâng lương cán bộ, công chức, viên chức
Có hiệu lực từ ngày 15/08/2021, Thông tư 03/2021/TT-BNV của Bộ Nội vụ sửa đổi, bổ sung một số điều về chế độ nâng bậc lương thường xuyên và nâng bậc lương trước thời hạn đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tại Thông tư số 08/2013/TT-BNV.
Theo đó, Thông tư 03 bổ sung thời gian cán bộ, công chức, viên chức tham gia phục vụ tại ngũ theo Luật Nghĩa vụ quân sự là một trong các trường hợp được tính vào thời gian để xét nâng bậc lương thường xuyên.
Thông tư cũng bổ sung thêm 4 trường hợp về thời gian không được tính để xét nâng bậc lương thường xuyên gồm:
1. Thời gian tập sự (bao gồm cả trường hợp được hưởng 100% mức lương của ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức tập sự).
2. Thời gian cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đào ngũ trong quá trình thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ.
3. Thời gian thử thách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động bị phạt tù nhưng cho hưởng án treo; trường hợp thời gian thử thách ít hơn thời gian bị kéo dài nâng bậc lương thường xuyên thì tính theo thời gian bị kéo dài nâng bậc lương thường xuyên.
4. Thời gian nghỉ công tác chờ đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định hiện hành của pháp luật.
Giá nước sạch sinh hoạt cao nhất là 18.000 đồng/m3
Thông tư số 44/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định về khung giá, nguyên tắc, phương pháp xác định giá nước sạch sinh hoạt có hiệu lực từ ngày 5/8/2021.
Theo đó, khung giá nước sạch được quy định như sau: Đô thị đặc biệt, đô thị loại 1 có mức giá tối thiểu 3.500 đồng/m3, tối đa 18.000 đồng/m3. Đô thị loại 2, loại 3, loại 4, loại 5 có mức từ 3.000-15.000 đồng/m3. Khu vực nông thôn có mức từ 2.000-11.000 đồng/m3./.
Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Chính phủ
Liên kết website
Các Trang khác
Thống kê truy cập
Lượt xem: 7567242