Họp ban soạn thảo các nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Thanh tra năm 2022!

27/04/2023    Lượt xem: 10703    In bài viết   Độ tương phản  

1. Họp ban soạn thảo các nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Thanh tra năm 2022

Phát biểu tại hội nghị, Phó Tổng Thanh tra Trần Ngọc Liêm cho biết, TTCP được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thanh tra năm 2022 và Nghị định Quy định về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.

“Việc soạn thảo 2 nghị định này là trách nhiệm của TTCP, Thanh tra các bộ, ngành, địa phương. Do đó, các thành viên ban soạn thảo cần qua thực tiễn góp ý, xây dựng ý kiến vào dự thảo nghị định, nêu lên những quy định chi tiết mà các điều, khoản chưa được quy định trong Luật Thanh tra 2022”, Phó Tổng Thanh tra nhấn mạnh.

Tại hội nghị, TS Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, TTCP cho biết, kết cấu của Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật bao gồm 9 chương với 66 điều quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, thanh tra viên - người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành; thanh tra lại; giám định; phong tỏa tài sản, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép, hoặc bị thất thoát trong thanh tra; công khai kết luận thanh tra, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện kết luận thanh tra…

Dự thảo Nghị định quy định về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, ông Minh cho biết, gồm 4 chương với tổng số 38 điều.

Tại hội nghị, TTCP công bố quyết định về việc thành lập Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập Nghị định Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thanh tra.

Ban Soạn thảo do ông Trần Ngọc Liêm, Phó Tổng Thanh tra làm Trưởng ban; ông Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, TTCP làm Phó Trưởng ban gồm 20 thành viên.

Tổ Biên tập Nghị định Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thanh tra do ông Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, TTCP làm Tổ trưởng gồm 19 thành viên. 

Ngoài quy định chung, nghị định quy định về Thanh tra Ban Cơ yếu Chính phủ, Thanh tra Bảo hiểm xã hội Việt Nam, thanh tra tổng cục, cục thuộc bộ, thanh tra sở; cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, hoạt động thanh tra của cơ quan thanh tra thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và việc thực hiện kết luận thanh tra của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành…

Theo ông Đinh Văn Minh, dự thảo các nghị định được xây dựng bám sát đường lối, chủ trương của Đảng về công tác thanh tra, quy định của Luật Thanh tra và những văn bản pháp luật có liên quan như Luật Kiểm toán, Luật Phòng, chống tham nhũng, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật;

Đồng thời, quy định chi tiết và đầy đủ những nội dung mà Quốc hội giao Chính phủ hướng dẫn thi hành tại Luật Thanh tra và có các quy định cụ thể về biện pháp thi hành luật nhằm bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của các quy định pháp luật.

Ngoài ra, còn kế thừa những quy định trong các văn bản quy phạm phát luật hiện hành về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.

Tại hội nghị, các đại biểu đều cho rằng việc xây dựng các Nghị định hướng dẫn thi hành của 2 Nghị định rất quan trọng, nên cần thiết phải rà soát lại những vấn đề nào cần hướng dẫn.

Các đại biểu đề xuất một số nội dung mà các bộ, ngành đang lúng túng cần phải hướng dẫn cụ thể trong các Nghị định như: Vấn đề tổ chức, vấn đề thuộc thanh tra chuyên ngành, thẩm định dự thảo kết luận thanh tra, người ra quyết định thanh tra;

Việc thanh tra chuyên ngành theo quy trình mà phù hợp với ngành, vấn đề này cần hướng dẫn lại là do Chính phủ quy định hay Chính phủ đưa vào nghị định và giao các bộ trưởng quy định; việc phối hợp cơ quan điều tra, kê biên tài sản…

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Tổng Thanh tra đánh giá cao các ý kiến đóng góp của các đại biểu. Đồng thời, yêu cầu công tác xây dựng Nghị định phải có cơ cấu, bố cục hợp lý; nội dung khả thi, đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Theo Phó Tổng Thanh tra, nghị định phải góp phần giải quyết những bất cập đang đặt ra trong thực tiễn công tác thanh tra; công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra tạo thuận lợi cho việc thực hiện quyền của người tiến hành thanh tra nhưng không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra.

Cùng với đó là bảo đảm sự thống nhất trong tổ chức của các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.

Phó Tổng Thanh tra đề nghị, ban soạn thảo cần đẩy nhanh tiến độ, tổ chức họp, lấy ý kiến theo tuần và đảm bảo chất lượng để cuối tháng 5 có thể trình Chính phủ ký ban hành và sẽ có hiệu lực từ 01/7/2023 cùng với Luật Thanh tra 2022.

2. Đầu tháng 5/2023 sẽ trình Chính phủ Nghị định Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thanh tra

 Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong đã chủ trì cuộc họp với Vụ Pháp chế về công tác xây dựng thể chế. Phó Tổng Thanh tra Trần Ngọc Liêm tham dự cuộc họp.

Báo cáo tại cuộc họp, đại diện Vụ Pháp chế cho biết, theo sự phân công của Chính phủ, Thanh tra Chính phủ được giao xây dựng 2 nghị định, đó là: Nghị định Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thanh tra và Nghị định về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động thanh tra chuyên ngành.

Ngoài ra, Chính phủ còn giao Thanh tra Chính phủ chủ động phối hợp với các cơ quan của Quốc hội trong việc ban hành nghị định của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc cơ quan thanh tra được trích một phần từ các khoản tiền thu hồi phát hiện qua thanh tra.

Đến nay, Vụ Pháp chế đã xây dựng ban hành kế hoạch triển khai Luật Thanh tra; có công văn gửi xin ý kiến bước đầu của các bộ, ngành về việc thành lập cơ quan thanh tra của các bộ, ngành và cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành; công văn gửi UBND các tỉnh về thanh tra sở.

Đồng thời, trình Tổng Thanh tra ban hành quyết định thành lập Ban Soạn thảo và Tổ Biên tập của 2 nghị định; chủ động tích cực xây dựng dự thảo nghị định, đến nay đã có bản sơ thảo lần 1.

Về lộ trình thực hiện các công việc trong thời gian tới, đại diện Vụ pháp chế cho biết: Ngày 10/2, sẽ triển khai đăng trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ Dự thảo và tờ trình 2 nghị định để lấy ý kiến góp ý.

Sau đó chức hội nghị, hội thảo để lấy ý kiến, làm việc trực tiếp với một số cơ quan về nội dung liên quan, công việc này thực hiện trong suốt quá trình xây dựng nghị định; họp Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập để hoàn thiện Dự thảo Nghị định.

Đầu tháng 3/2023 sẽ gửi Tờ trình và Dự thảo Nghị định xin ý kiến chính thức của các bộ, ngành, địa phương, các đơn vị trong Thanh tra Chính phủ.

Đầu tháng 4/2023 hoàn thành báo cáo tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến các bộ, ngành, địa phương và đến ngày 10/4 gửi hồ sơ đến Bộ Tư pháp thẩm định, hồ sơ mỗi Nghị định (trong đó bao gồm: Tờ trình Chính phủ, Dự thảo Nghị định; báo cáo tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến bộ, ngành, địa phương; báo cáo đánh giá tác động).

Cuối tháng 4/2023, hoàn thiện Tờ trình, Chính phủ, Dự thảo Nghị định và các văn bản kèm theo; xây dựng báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp.

Trong tháng 5/2023 sẽ trình Chính phủ ký ban hành các Nghị định.

Tại cuộc họp, Tổng Thanh tra Đoàn Hồng Phong cơ bản đồng ý với lộ trình về việc xây dựng 2 nghị định mà Vụ Pháp chế đã trình bày. Đồng thời, yêu cầu đơn vị cần bám sát các quy định về việc ban hành văn bản pháp luật, các nội dung cần phải hoàn chỉnh trước khi trình để xin các ý kiến của các bộ, ngành. Đến ngày 1/5 phải trình nghị định chính thức cho Chính phủ./.

 

 

 

Nguồn: Thanh tra Chính phủ

Dấu ấn thanh tra Bình Dương
Liên kết website
Các Sở,Ban ngành

Các Trang khác

Thống kê truy cập

Lượt xem: 7567306