Quy định mới về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành
Nghị định Số 03/2024/NĐ-CP do Chính phủ mới ban hành, quy định rõ về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ và cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.
Lực lượng Thanh tra GTVT Hà Nội thực hiện kiểm tra. Ảnh: T.A |
Vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ
Theo Nghị định mới, cơ quan Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ gồm:
1. Thanh tra Cục An toàn bức xạ và hạt nhân.
2. Thanh tra Cục Bổ trợ tư pháp.
3. Thanh tra Cục Hàng hải Việt Nam.
4. Thanh tra Cục Hàng không Việt Nam.
5. Thanh tra Ủy ban Chứng khoán nhà nước.
6. Thanh tra Kho bạc Nhà nước.
7. Thanh tra Tổng cục Dự trữ Nhà nước.
8. Thanh tra Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp.
9. Thanh tra Tổng cục Thống kê.
Vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ, nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ, tổ chức, hoạt động của Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ được thực hiện theo quy định của Luật Thanh tra, Nghị định số 43/2023/NĐ-CP, Nghị định này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Quy định về thanh tra sở
Ngoài ra, Nghị định số 3/2024/NĐ-CP cũng quy định rõ các thanh tra sở được thành lập theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 26 của Luật Thanh tra gồm: Thanh tra Sở Công Thương; Thanh tra Sở Giao thông vận tải; Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo; Thanh tra Sở Kế hoạch và Đầu tư; Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ; Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Thanh tra Sở Nội vụ; Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Thanh tra Sở Tài chính; Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường; Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông; Thanh tra Sở Tư pháp; Thanh tra Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch hoặc Thanh tra Sở Văn hoá, Thể thao, Thanh tra Sở Du lịch; Thanh tra Sở Xây dựng; Thanh tra Sở Y tế.
Tại những sở không thành lập cơ quan thanh tra theo quy định thì UBND cấp tỉnh quyết định thành lập Thanh tra sở căn cứ vào yêu cầu quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực tại địa phương và biên chế được giao. Trường hợp Thanh tra sở được luật quy định thì thực hiện theo quy định của luật và văn bản hướng dẫn thi hành.
Nguyên tắc hoạt động thanh tra chuyên ngành
Bên cạnh đó, Nghị định số 3/2024/NĐ-CP quy định cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành là cơ quan thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, bao gồm Tổng cục, Cục và tương đương thuộc Bộ (Tổng cục, Cục thuộc Bộ), Cục thuộc Tổng cục và tương đương (Cục thuộc Tổng cục), cơ quan khác được quy định tại Điều 20 và Điều 21 của Nghị định số 3/2024/NĐ-CP, trừ trường hợp luật có quy định khác.
Theo Điều 20 Nghị định số 3/2024/NĐ-CP, Tổng cục, Cục thuộc Bộ được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành gồm:
1- Bộ Công Thương: Cục Công nghiệp, Cục Điều tiết điện lực, Cục Hóa chất, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Tổng cục Quản lý thị trường, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia.
2- Bộ Giao thông vận tải: Cục Đăng kiểm Việt Nam, Cục Đường bộ Việt Nam, Cục Đường sắt Việt Nam, Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam.
3- Bộ Khoa học và Công nghệ: Cục Sở hữu trí tuệ, Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia.
4- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: Cục An toàn lao động, Cục Quản lý Lao động ngoài nước.
5- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Cục Bảo vệ thực vật, Cục Chăn nuôi, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Cục Lâm nghiệp, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, Cục Thú y, Cục Thủy lợi, Cục Thủy sản, Cục Trồng trọt.
6- Bộ Nội vụ: Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Ban Tôn giáo Chính phủ, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước.
7- Bộ Tài chính: Cục Quản lý công sản; Cục Quản lý giá; Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm; Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí; Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán, Tổng cục Hải quan; Tổng cục Thuế.
8- Bộ Tài nguyên và Môi trường: Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Cục Khoáng sản Việt Nam, Cục Quy hoạch và phát triển tài nguyên đất.
9- Bộ Thông tin và Truyền thông: Cục An toàn thông tin, Cục Báo chí, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Cục Tần số vô tuyến điện, Cục Viễn thông, Cục Xuất bản, In và Phát hành.
10- Bộ Tư pháp: Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực.
11- Bộ Y tế: Cục An toàn thực phẩm, Cục Dân số.
Cục thuộc Tổng cục và tương đương được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành gồm: Bảo hiểm xã hội tỉnh; Cục Dự trữ Nhà nước; Cục Hải quan; Cục Quản lý thị trường; Cục Thống kê; Cục Thuế; Kho bạc Nhà nước tỉnh.
Hoạt động thanh tra chuyên ngành được thực hiện theo nguyên tắc: Việc thực hiện kết luận thanh tra của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, trách nhiệm của đối tượng thanh tra, người đứng đầu cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp đối tượng thanh tra và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra và việc xử lý vi phạm trong thực hiện kết luận thanh tra được thực hiện theo quy định của Luật Thanh tra, Nghị định số 43/2023/NĐ-CP và Nghị định này.
1. Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành có văn bản tổ chức thực hiện nội dung của kết luận thanh tra trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày ký ban hành kết luận thanh tra. Văn bản tổ chức thực hiện có các nội dung sau đây:
a) Xử lý hoặc yêu cầu, kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý sai phạm về kinh tế;
b) Xử lý hoặc yêu cầu, kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật;
c) Áp dụng hoặc yêu cầu, kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng biện pháp khắc phục, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật.
2. Văn bản chỉ đạo việc thực hiện nội dung kết luận thanh tra và kết quả thực hiện kết luận thanh tra phải được gửi cho Chánh Thanh tra, Thủ trưởng cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp.
3. Khi chỉ đạo việc thực hiện kết luận thanh tra, Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành có quyền yêu cầu đối tượng thanh tra trình phương án khắc phục sai phạm về kinh tế và xem xét, phê duyệt phương án khắc phục sai phạm để bảo đảm thu hồi triệt để tiền và tài sản nhà nước, tạo điều kiện cho đối tượng thanh tra tiếp tục duy trì, phát triển sản xuất, kinh doanh.
(Nguồn https://thanhtravietnam.vn)
Liên kết website
Các Trang khác
Thống kê truy cập
Lượt xem: 7636902