Thông tư số 08/2024/TT- TTCP quy định cụ thể trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra

02/01/2025    Lượt xem: 58    In bài viết   Độ tương phản  

Thanh tra Chính phủ tổ chức nhiều cuộc họp lấy ý kiến các cục, vụ, đơn vị liên quan và thanh tra các bộ , ngành, địa phương để xây dựng Thông tư số 08. Ảnh: LP

Văn bản pháp lý quan trọng

Vụ trưởng Vụ Pháp chế Thanh tra Chính phủ Trần Đăng Vinh cho biết, với vai trò là đơn vị giúp Tổng Thanh tra Chính phủ trong việc soạn thảo Thông tư, Vụ Pháp chế đã cố gắng tiếp thu và lắng nghe các ý kiến góp ý, đồng thời nghiên cứu làm sao để quy định này vừa đúng luật, vừa phù hợp với thực tiễn và giải quyết được những vướng mắc trong quá trình tiến hành thanh tra trong thời gian vừa qua, đặc biệt là khắc phục tình trạng chậm ban hành kết luận thanh tra, đảm bảo nâng cao chất lượng thanh tra.

Cũng theo ông Vinh, Thông tư 08 được xây dựng căn cứ Luật Thanh tra 2022, Nghị định số 43/2023/NĐ - CP, Nghị định số 81/2023/NĐ- CP và Nghị định số 03/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thanh tra, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ và quy định về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.

Với các hướng dẫn chi tiết và cụ thể, Thông tư số 08 sẽ là văn bản pháp lý quan trọng nhằm cụ thể hóa các quy định của Luật Thanh tra và các nghị định liên quan, không chỉ đưa ra hướng dẫn chi tiết về trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra mà còn tạo ra một cơ chế giám sát và thẩm định minh bạch, rõ ràng, giúp nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra, ngăn ngừa tiêu cực và vi phạm trong hoạt động công quyền.

Quy định cụ thể 51 mẫu văn bản trong hoạt động thanh tra

Theo đó, một trong những điểm nhấn của Thông tư 08 là việc quy định cụ thể 51 mẫu văn bản trong hoạt động thanh tra gồm quyết định thanh tra, kế hoạch tiến hành thanh tra, biên bản làm việc và các văn bản khác. Những mẫu văn bản này nhận được sự quan tâm của rất nhiều người trong ngành Thanh tra, kể cả các đối tượng thanh tra, tổ chức, đơn vị có liên quan.

Về trình tự, thủ tục tiến hành thanh tra, Thông tư 08 nêu rõ từng bước trong quy trình thanh tra, từ việc thu thập thông tin để chuẩn bị thanh tra, ban hành quyết định thanh tra, xây dựng, phê duyệt, phổ biến kế hoạch tiến hành thanh tra, phân công nhiệm vụ cho thành viên đoàn thanh tra đến công bố quyết định thanh tra, báo cáo tiến độ trong thời gian tiến hành thanh tra trực tiếp; sửa đổi, bổ sung nội dung kế hoạch tiến hành thanh tra…

Theo đó, giai đoạn thu thập thông tin là khâu đầu tiên được quy định chi tiết tại Điều 4 của Thông tư 08. Thủ trưởng cơ quan thanh tra phân công người thu thông thông tin để làm rõ sự cần thiết tiến hành thanh tra, xác định nội dung, phạm vi thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, tránh chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra.

Tại các cuộc họp lấy ý kiến xây dựng Thông tư 08, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Dương Quốc Huy cho biết với cơ sở pháp lý được quy định, Thông tư sẽ mang lại sự thống nhất và cụ thể hóa quy trình tiến hành thanh tra, từ khâu chuẩn bị đến công bố kết luận thanh tra. Ảnh: LP

Trường hợp cần làm rõ hoặc bổ sung thông tin, người thu thập thông tin báo cáo, tham mưu thủ trưởng cơ quan thanh tra xem xét, có văn bản yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân dự kiến là đối tượng thanh tra cung cấp thông tin về nội dung dự kiến thanh tra hoặc cử người thu thập thông tin làm việc trực tiếp với cơ quan, tổ chức, cá nhân dự kiến là đối tượng thanh tra.

Sau khi hoàn thành việc thu thập thông tin, người thu thập thông tin có trách nhiệm nghiên cứu, xây dựng báo cáo kết quả thu thập thông tin trình thủ trưởng cơ quan thanh tra về quá trình thu thập thông tin và sự cần thiết tiến hành thanh tra.

Trách nhiệm báo cáo tiến độ thực hiện

Tiếp theo là ban hành quyết định thanh tra được quy định tại Điều 5, thủ trưởng cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chỉ đạo người dự kiến là trưởng đoàn thanh tra nghiên cứu thông tin thu thập được để xây dựng dự thảo quyết định thanh tra. Quyết định này phải nêu rõ đối tượng, nội dung, thời hạn và thành phần đoàn thanh tra. Để đảm bảo tính khả thi, người ra quyết định cần tham vấn ý kiến của các đơn vị chuyên môn trước khi phê duyệt.

Sau khi ban hành quyết định thanh tra, người ra quyết định thanh tra chỉ đạo trưởng đoàn thanh tra xây dựng dự thảo kế hoạch tiến hành thanh tra tại Điều 6 và lấy ý kiến chủa thủ trưởng đơn vị được giao chủ trì cuộc thanh tra và thủ trưởng đơn vị có liên quan đối với dự thảo kế hoạch tiến hành thanh tra và hoàn thiện, trình người ra quyết định thanh tra xem xét, phê duyệt.

Việc công bố quyết định thanh tra được thực hiện theo quy định tại Điều 7 Thông tư.

Điều 8 Thông tư quy định, trong quá trình tiến hành thanh tra, trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm báo cáo tiến độ thực hiện nhiệm vụ của đoàn thanh tra với người ra quyết định thanh tra theo kế hoạch tiến hành thanh tra hoặc báo cáo đột xuất theo yêu cầu của người ra quyết định thanh tra. Trong đó, nêu rõ các nhiệm vụ đã hoàn thành, các khó khăn gặp phải và những công việc còn lại. Báo cáo này giúp người ra quyết định theo dõi sát sao quá trình thanh tra và có những điều chỉnh cần thiết nếu có sự chồng chéo, bất cập.

Ngoài ra, tại Điều 9, Điều 10, Điều 11 Thông tư cũng quy định cụ thể về việc sửa đổi, bổ sung kế hoạch thanh tra nếu cần. Quá trình này sẽ được thực hiện khi có lý do chính đáng và phải được phê duyệt bởi người ra quyết định thanh tra nhằm đảm bảo kế hoạch thanh tra luôn bám sát thực tiễn và mục tiêu ban đầu; việc ghi sổ nhật ký đoàn thanh tra và báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vủa của đoàn thanh tra.

Trách nhiệm công khai kết luận thanh tra

Sau khi hoàn thành quá trình thanh tra, Điều 12 quy định trên cơ sở báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ của các thành viên đoàn thanh tra và hồ sơ, tài liệu kèm theo, trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm nghiên cứu, tổng hợp, xây dựng báo cáo kết quả thanh tra của đoàn thanh tra.

Báo cáo này sẽ được xem xét, thẩm định và hoàn thiện trước khi ban hành kết luận được quy định tại Điều 17 như yêu cầu đối tượng thanh tra giải trình, làm rõ thêm những vấn đề trong dự thảo kết luận tại Điều 15; tham khảo ý kiến của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan về dự thảo kết luận thanh tra tại Điều 16.

Bên cạnh đó, Thông tư 08 còn quy định về trách nhiệm công khai kết luận thanh tra (Điều 18). Việc công khai được thực hiện theo quy định tại Điều 79 Luật Thanh tra và Điều 48, Điều 49 Nghị định số 43/2023/NĐ- CP.

Đối với hình thức tổ chức cuộc họp công bố kết luận thanh tra, Thông tư quy định việc công khai được lập thành biên bản, trong đó nêu rõ thành phần, nội dung, địa điểm công khai, có chữ ký xác nhận của người chủ trì buổi công bố kết luận thanh tra.

Chế tài xử lý hành vi vi phạm

Một điểm mới đáng chú ý của Thông tư 08 được quy định tại Chương III là việc bổ sung các quy định về giám sát trong hoạt động thanh tra và thẩm định dự thảo kết luận thanh tra.

Cụ thể, Điều 20 quy định về giám sát của thủ trưởng cơ quan, đơn vị quản lý trực tiếp người là thành viên đoàn thanh tra, trong đó thủ trưởng cơ quan quản lý trực tiếp có quyền yêu cầu báo cáo việc chấp hành nhiệm vụ thanh tra nhằm ngăn ngừa các sai phạm có thể xảy ra trong quá trình thanh tra.

Thông tư số 08 cũng đưa ra các quy định xử lý vi phạm như xử lý nghiêm minh đối với các hành vi vi phạm trong quá trình thanh tra (của người tiến hành thanh tra; người giám sát, thực hiện thẩm định). Các hành vi như lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện hành vi trái pháp luật, nhận hối lộ, môi giới hối lộ, tiết lộ thông tin, tài liệu liên quan đến cuộc thanh tra, hoặc cố tình làm sai lệch kết quả thanh tra đều bị xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật....

Nguồn: thanhtra.com.vn

Dấu ấn thanh tra Bình Dương
Liên kết website
Các Sở,Ban ngành

Các Trang khác

Thống kê truy cập

Lượt xem: 7680046