Thành tích nổi bật của ngành Thanh tra giai đoạn 2010 đến 2019 (từ sau khi Luật Thanh tra 2010 được ban hành)

24/10/2024    Lượt xem: 647    In bài viết   Độ tương phản  

Tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Truyền thống Thanh tra Việt Nam (23/11/1945 - 23/11/2015) và Đại hội Thi đua yêu nước ngành Thanh tra lần thứ IV, thay mặt Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã trao tặng ngành Thanh tra Việt Nam Huân chương Độc lập hạng Nhất. Ảnh: Tư liệu/Báo Thanh tra

Thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2011-2020 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI; tiếp tục công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, giai đoạn 2010-2019, dưới sự chỉ đạo, điều hành của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, giám sát của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, với vai trò là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về công tác thanh tra, tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, ngành Thanh tra Việt Nam tiếp tục đổi mới cách nghĩ, cách làm, năng động, sáng tạo, đoàn kết nhất trí, nỗ lực hết mình, tập trung hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trên các mặt công tác.

Công tác thanh tra tập trung thanh tra các lĩnh vực, dự án trọng điểm, nhạy cảm dễ nảy sinh tiêu cực tham nhũng, được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm; qua thanh tra đã phát hiện, kiến nghị xử lý nhiều vi phạm, kịp thời kiến nghị chấn chỉnh những sơ hở trong công tác quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội, đồng thời đề xuất được nhiều giải pháp phòng ngừa.

Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo tập trung vào công tác tiếp dân tại cơ sở, giải quyết các vụ việc tồn đọng phức tạp, đông người, kéo dài thu được nhiều kết quả tích cực, tạo được sự đồng thuận của Nhân dân, góp phần ổn định tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội. Trên cơ sở những kết quả đạt được, có thể thấy được một số điểm nổi bật trong công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo như sau.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm và làm việc với Thanh tra Chính phủ ngày 16/3/2015. Ảnh: Tư liệu/Báo Thanh tra

Công tác xây dựng thể chế được tăng cường cả về số lượng và chất lượng

Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Thanh tra Chính phủ luôn coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, trước hết, để thực hiện tốt chương trình cải cách hành chính của Chính phủ theo Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 8/11/2011 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2020, đồng thời, để hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, thanh tra và phòng, chống tham nhũng, góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới của đất nước.

Hội nghị toàn quốc triển khai Luật Thanh tra 2010, ngày 24/6/2011. Đây là hội nghị truyền hình trực tuyến toàn quốc đầu tiên của ngành Thanh tra, theo ước tính có trên 1 vạn cán bộ, công chức, viên chức, người dân, doanh nghiệp tham gia với 62 điểm cầu trực tuyến trong phạm vi cả nước. Ảnh: Tư liệu/Báo Thanh tra

Trong 10 năm, trên cơ sở tổng kết, đánh giá thực tiễn hoạt động, Thanh tra Chính phủ đã dự thảo, trình Chính phủ, trình Quốc hội ban hành nhiều văn bản pháp luật để thay thế, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật đã không còn phù hợp với thực tiễn.

Cụ thể: Đã dự thảo trình Chính phủ trình Quốc hội ban hành 7 luật gồm: Luật thanh tra 2010, Luật Khiếu nại 2011, Luật Tố cáo 2011, Luật Tiếp công dân năm 2013, Luật Tố cáo năm 2018, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng chống, tham nhũng và Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018.

Đã dự thảo chính Chính phủ ban hành 16 nghị định quy định chi tiết thi hành các luật; trong phạm vi thẩm quyền của mình, Thanh tra Chính phủ đã ban hành hoặc cùng với các bộ, ngành có liên quan ban hành 44 thông tư, thông tư liên tịch.

Hiệu quả, hiệu lực của công tác thanh tra, đặc biệt là khâu giám sát, xử lý sau thanh tra được nâng cao

Trong công tác thanh tra, định hướng, chương trình, kế hoạch công tác thanh tra được tập trung xây dựng sớm, giúp ngành Thanh tra chủ động triển khai các cuộc thanh tra theo đúng nội dung, yêu cầu, nhờ đó công tác thanh tra được chỉ đạo triển khai đúng kế hoạch, đảm bảo nội dung, yêu cầu và giúp công tác xử lý chồng chéo trong cơ quan thanh tra cũng như cơ quan Kiểm toán Nhà nước được thực hiện tốt hơn.

Kết luận thanh tra, kiến nghị xử lý chính xác, khách quan, kịp thời và có tính khả thi. Qua thanh tra đã chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực.

Riêng trong giai đoạn 2011-2019, toàn ngành Thanh tra đã triển khai 68.972 cuộc thanh tra hành chính và 1.905.306 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra đã chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực; phát hiện vi phạm về kinh tế 655.494 tỷ đồng, 397.516 ha đất; đã kiến nghị thu hồi 339.930 tỷ đồng, 33.540 ha đất; xử lý khác hơn 307.642 tỷ đồng, 363.978 ha đất; ban hành 1.378.058 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền trên 51.532 tỷ đồng; kiến nghị xử lý hành chính 14.833 tập thể và nhiều cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 707 vụ, 967 đối tượng.

Riêng Thanh tra Chính phủ ban hành 202 kết luận thanh tra, phát hiện vi phạm 294.697 tỷ đồng, 42.632 ha đất; kiến nghị thu hồi 84.026 tỷ đồng, 24.186 ha đất; kiến nghị kiểm điểm, xử lý nhiều tập thể, cá nhân vi phạm; chuyển cơ quan điều tra 81 vụ việc.

 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tham dự và chủ trì Hội nghị toàn quốc về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo (ngày 2/5/2012). Ảnh: Tư liệu/Báo Thanh tra

Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đạt hiệu quả, nhất là giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài

Với mục tiêu ổn định tình hình trật tự xã hội, phục vụ các kỳ họp của Đảng Quốc hội, các ngày lễ lớn của đất nước, phát triển kinh tế của đất nước, phục vụ công cuộc đổi mới, Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra đã tham mưu giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thủ trưởng cơ quan cùng cấp nhiều chủ trương, giải pháp, nhất là trong lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết các vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài và tăng cường kiểm tra, đôn đốc hướng dẫn; cùng với sự vào cuộc tích cực của hệ thống chính trị, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo có nhiều chuyển biến rõ nét, đặc biệt là thúc đẩy việc giải quyết các vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài.

Chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo có chuyển biến tích cực cả về trình tự thủ tục và nội dung. Công tác đối thoại trong giải quyết khiếu nại được quan tâm tiến hành công khai dân chủ.

Việc phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ngày càng thực chất và hiệu quả hơn. Kết quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đã góp phần quan trọng trong việc củng cố lòng tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, tạo sự ổn định chính trị - xã hội, phục vụ các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, nhất là các kỳ họp Quốc hội, họp Trung ương và đại hội Đảng các cấp, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Ngày 15/7/2014, Thanh tra Chính phủ đã tổ chức công bố thành lập Ban Tiếp công dân Trung ương. Ảnh: Tư liệu/Báo Thanh tra

Việc hoàn thiện thể chế về giải quyết khiếu nại, tố cáo được đẩy mạnh. Đã tập trung thúc đẩy, đưa vào vận hành Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo trên phạm vi toàn quốc.

Tham mưu giúp Chính phủ chuẩn bị nội dung, tổ chức thành công Hội nghị của Chính phủ với 27 địa phương về công tác giải quyết các vụ khiếu nại, tố cáo phức tạp; tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1849/QĐ-TTg ngày 27/12/2018 thành lập Tổ công tác chỉ đạo giải quyết một số vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài do Phó Thủ tướng Chính phủ Thường trực làm Tổ trưởng; xây dựng kế hoạch, quy chế làm việc của Tổ công tác, quyết định thành lập Tổ giúp việc cho Tổ công tác và kế hoạch của Thanh tra Chính phủ hướng dẫn các địa phương thực hiện việc kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài.

Hoạt động tiếp dân giai đoạn 2010 đến 2019 cho thấy, khiếu nại, tố cáo tăng kể cả về số lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; số lượt đoàn đông người, số đoàn vượt cấp lên Trung ương; lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo… Tuy nhiên, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước, của Thanh tra Chính phủ, tỷ lệ giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo cao hơn so với cùng kỳ giai đoạn trước (2000-2009), đặc biệt đối với các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài.

Công tác quản lý Nhà nước về phòng, chống tham nhũng được tăng cường; theo đánh giá của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI), Việt Nam tăng 24 bậc so với cùng kỳ giai đoạn trước

Công tác phòng, chống tham nhũng được tăng cường, nhất là trong việc tham mưu triển khai các chủ trương, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về công tác này.

Hệ thống thể chế, chính sách được hoàn thiện hơn; công tác tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tham nhũng được tăng cường, nhất là việc tuyên truyền trong hệ thống truyền thông, giáo dục, đào tạo; mở rộng công khai, minh bạch, thực hiện trách nhiệm giải trình; tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng.

Đối thoại về phòng, chống tham nhũng lần thứ 9 với chủ đề "Phòng, chống tham nhũng trong quản lý và khai thác khoáng sản", ngày 25/5/2011. Ảnh: Tư liệu/Báo Thanh tra

Đặc biệt, ngành Thanh tra đã tăng cường hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng; chú trọng phát hiện, xử lý tham nhũng; thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý tham nhũng. Tình hình tham nhũng từng bước được kiềm chế và có chiều hướng thuyên giảm, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính Nhà nước, tạo được sự hưởng ứng sâu rộng trong Nhân dân.

Trên cơ sở kết luận và kiến nghị của ngành Thanh tra, các cơ quan điều tra của Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân các cấp và Tòa án nhân dân các cấp đã tiến hành điều tra, truy tố, xét xử theo quy định của pháp luật nhiều vụ án, trong đó có những vụ án nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng quan tâm, chỉ đạo.

Cùng với các biện pháp tăng cường quản lý Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng, trong năm 2021, theo chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, Việt Nam đạt 39/100 điểm, xếp thứ 87/180 quốc gia, vùng lãnh thổ, tăng 33 bậc so với năm 2009 (đạt 2,7/10 điểm - thang điểm năm 2009 là 10) xếp thứ 96/180 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Công tác xây dựng lực lượng

Công tác xây dựng lực lượng luôn được ngành Thanh tra quan tâm thực hiện, do xác định đây là nhiệm vụ quan trọng; có xây dựng lực lượng tốt thì mới có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước giao.

Toàn ngành Thanh tra đã chấp hành tốt quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ như công tác tuyển dụng, luân chuyển cán bộ; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cả về chuyên môn nghề nghiệp và đạo đức công vụ công chức…

 

Trong 2 ngày 9 - 10/7/2015, Đảng bộ Thanh tra Chính phủ đã tiến hành Đại hội lần thứ XXII nhiệm kỳ 2015 - 2020. Ảnh: Tư liệu/Báo Thanh tra

Tổ chức thanh tra được kiện toàn, hệ thống Thanh tra Nhà nước từ Trung ương tới địa phương bao gồm: Thanh tra Chính phủ; Thanh tra các bộ, cơ quan ngang bộ; Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Thanh tra sở, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; đa số cán bộ, công chức trong ngành có trình độ đại học và sau đại học.

Công tác hợp tác quốc tế

Giai đoạn 2010-2020, hoạt động hợp tác quốc tế của ngành Thanh tra đã đạt được những thành tích vượt bậc cả lĩnh vực hợp tác song phương và hợp tác đa phương, do vậy vị thế và uy tín của ngành Thanh tra Việt Nam trong quan hệ đối với các đối tác ngày càng được củng cố và nâng cao.

Nội dung hợp tác theo các thỏa thuận đi vào chiều sâu ngày càng được chú trọng, nhằm khai thác thế mạnh của các cơ quan, đối tác, phát huy hiệu quả của các thỏa thuận hợp tác đã ký kết, góp phần phục vụ đắc lực cho công cho việc hoàn thành các nhiệm vụ chính trị của ngành Thanh tra.

Nguồn: thanhtra.com.vn/

Dấu ấn thanh tra Bình Dương
Liên kết website
Các Sở,Ban ngành

Các Trang khác

Thống kê truy cập

Lượt xem: 7636674