Hội nghị trực tuyến toàn quốc ngành Thanh tra triển khai nhiệm vụ công tác năm 2022

   Lượt xem: 7292    In bài viết   Độ tương phản  

        Dự, chủ trì Hội nghị tại điểm cầu Trung ương có các đồng chí: Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Đoàn Hồng Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ.

         Tại điểm cầu tỉnh Bình Dương có sự tham dự, chủ trì của đồng chí Mai Hùng Dũng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh, đồng chí Huỳnh Nữ Kiều Ngân – Phó Chánh Thanh tra phụ trách Thanh tra tỉnh, đại diện lãnh đạo Ban Tiếp công dân tỉnh, các Chánh, Phó Chánh Thanh tra các sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.

 

Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bình Dương

        Năm 2021, Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra cả nước nói chung và ngành Thanh tra tỉnh Bình Dương nói riêng đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và thủ trưởng cơ quan hành chính cùng cấp giao. Toàn ngành chú trọng triển khai thanh tra theo chương trình kế hoạch và thanh tra đột xuất, nội dung thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào công tác quản lý nhà nước, quản lý KT-XH của các cấp, ngành và việc chấp hành pháp luật của tổ chức, cá nhân; đã triển khai 6.809 cuộc thanh tra hành chính, 117.245 cuộc thanh tra, kiểm tra (TTKT) chuyên ngành, góp phần chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực; phát hiện vi phạm về kinh tế trên 179 nghìn tỷ đồng, trên 9.250 ha đất; đã kiến nghị, thu hồi trên 22.690 tỷ đồng, 811 ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý trên 156. 330 tỷ đồng, trên 8.440 ha đất; ban hành 132.319 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân với số tiền trên 3.690 tỷ đồng; kiến nghị xem xét, xử lý hành chính 2.341 tập thể, 6.244 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xử lý 437 vụ, 259 đối tượng. Riêng ngành Thanh tra tỉnh Bình Dương đã tiến hành 68 cuộc thanh tra hành chính tại 168 đơn vị và 641 cuộc thanh tra chuyên ngành tại 6.085 tổ chức, cá nhân. Qua công tác thanh tra hành chính, đã phát hiện các đơn vị sai phạm thuộc lĩnh vực tài chính, lĩnh vực đất đai với số tiền 12 tỷ 101 triệu đồng và 121.509m2 đất, kiến nghị thu hồi ngân sách nhà nước 07 tỷ 999 triệu đồng; kiến nghị xử lý khác về kinh tế 04 tỷ 102 triệu đồng và xử lý khác về đất đai 121.509m2, kiến nghị xử lý hành chính 12 tổ chức, 16 cá nhân. Qua công tác thanh tra chuyên ngành, xử phạt vi phạm hành chính đối với 1.599 tổ chức, cá nhân với số tiền 28 tỷ 025 triệu đồng, đã thu nộp ngân sách 28 tỷ 025 triệu đồng.

        Công tác đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra được đẩy mạnh, chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng vào công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) được tập trung chỉ đạo, thực hiện đồng bộ, quyết liệt. Trong năm, Thanh tra Chính phủ và toàn ngành đã chủ trì, phối hợp với cơ quan chức năng thực hiện tốt công tác tiếp công dân. Cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã giải quyết 19.213/23.907 vụ việc KNTC thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 80,4% (giảm 7,1% so với năm 2020). Riêng ngành Thanh tra tỉnh Bình Dương đã tham mưu UBND các cấp giải quyết 1.731/1.843 đơn, đạt tỷ lệ 93,92% đơn thẩm quyền, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra (tỷ lệ giải quyết đơn phải đạt trên 85%). Các vụ việc đông người phát sinh trong kỳ giảm; các cấp, các ngành phối hợp tích cực trong việc xem xét, đề xuất hướng giải quyết, đã góp phần ổn định tình hình trên địa bàn tỉnh.

         Công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) của toàn ngành Thanh tra được đặc biệt coi trọng; trong năm đã phát hiện 51 vụ việc, 83 người liên quan đến tham nhũng. Riêng ngành Thanh tra tỉnh Bình Dương đã duy trì hiệu quả việc phối hợp, trao đổi thông tin về công tác phòng, chống tham nhũng, chú trọng công tác kiểm tra để nhằm chấn chỉnh kịp thời những thiếu sót xảy ra trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; chủ động tham mưu thực hiện các kế hoạch, chương trình về công tác phòng chống tham nhũng năm 2021, cũng như xây dựng Kế hoạch công tác năm 2022”, kết quả: đã xây dựng được được 06 tiểu phẩm, với thời lượng 10 phút/01 tiểu phẩm; in 8.000 tờ rơi tuyên truyền về Luật PCTN; phối hợp với Đài Phát thanh truyền hình xây dựng 03 tiểu phẩm truyền hình; mua sách Tìm hiểu pháp luật về PCTN và Sách Hỏi, đáp pháp luật về PCTN với số lượng 222 cuốn để phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN theo Đề án 861 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, triển khai và hướng dẫn thực hiện kê khai tài sản, thu nhập cho các đối tượng theo quy định và thực hiện công khai bản kê khai đúng quy định; thực hiện tổng kết Chiến lược quốc gia PCTN đến năm 2020 và Kế hoạch thực hiện Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC) và xây dựng Báo cáo số 74/BC-UBND về việc tổng kết Chiến lược quốc gia PCTN đến năm 2020 và Kế hoạch thực hiện UNCAC báo cáo Thanh tra Chính phủ đúng theo quy định. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền pháp luật về PCTN còn được thực hiện lồng ghép với việc thực hiện “Ngày pháp luật” tại các cơ quan, đơn vị với nhiều kết quả quan trọng.

        Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ biểu dương, ghi nhận những kết quả đạt được của toàn ngành Thanh tra trong năm qua. Đồng chí đề nghị năm 2022, ngành cần tiếp tục bám sát chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các tỉnh, thành phố, nhất là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, kế hoạch phát triển KT-XH, công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 để triển khai tốt nhiệm vụ TTKT.

        Cùng với triển khai các kế hoạch thanh tra đã được Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo địa phương phê duyệt, ngành cần tập trung thanh tra công vụ, nhất là việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của cán bộ công chức, thái độ nhũng nhiễu phiền hà, vấn đề có nhiều phản ánh của nhân dân, nhất là về các lĩnh vực như y tế, đất đai… Phối hợp triển khai sớm các cuộc thanh tra tín dụng, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, tăng cường thanh tra chuyên ngành.

        Mặt khác, tiếp tục làm tốt công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư KNTC, PCTN trên các lĩnh vực, xử lý dứt điểm các vụ việc không để tồn đọng kéo dài; phối hợp tham mưu, đề xuất hoàn thiện cơ sở pháp lý kê khai tài sản thu nhập của cán bộ, công chức, góp phần hiệu quả vào công tác PCTN; Xây dựng đội ngũ cán bộ ngành Thanh tra có chuyên môn nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

         Nhân dịp này, nhiều tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác thanh tra đã được các cấp, ngành khen thưởng.

Dấu ấn thanh tra Bình Dương
Liên kết website
Các Sở,Ban ngành

Các Trang khác

Thống kê truy cập

Lượt xem: 5312191