Tặng quà và nhận quà tặng trong cơ quan nhà nước – Một số vấn đề pháp lý đang đặt ra

   Lượt xem: 10426    In bài viết   Độ tương phản  

1. Khái quát về tình hình tặng quà và nhận quà tặng trong thời gian qua

 

Việc thực hiện quy định về tặng quà, nộp lại quà tặng tiếp tục được Chính phủ quán triệt, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc. Để nâng cao hiệu quả thực hiện, kiểm soát chặt chẽ việc tặng quà, nhận quà, ngăn ngừa tình trạng lợi dụng truyền thống tốt đẹp để đưa hối lộ, tham nhũng, Chính phủ đã ban hành quy định mới về tặng quà, nhận quà, nộp lại quà tặng (Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ  thay thế Quyết định số 64/2007/QĐ-TTg ngày 10/5/2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế về việc tặng quà, nhận quà và nộp lại quà tặng của cơ quan, tổ chức, đơn vị có sử dụng ngân sách nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức), quy định cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn không được trực tiếp hoặc gián tiếp nhận quà tặng dưới mọi hình thức liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình. Trường hợp không từ chối được thì phải tổ chức quản lý, xử lý quà tặng theo đúng quy định. Người vi phạm quy định về nhận, tặng quà thì bị xử lý nghiêm theo quy định về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.

 

Trong năm 2019, 06 cá nhân đã nộp lại quà tặng theo quy định với tổng giá trị là 182 triệu đồng, cụ thể: Tại tỉnh Trà Vinh 01 người, 3 triệu đồng; tỉnh Thái Bình 02 người, 100 triệu đồng; tỉnh Long An 02 người, 29 triệu đồng; và tỉnh Tiền Giang 01 người, 50 triệu đồng. Phát hiện, xử lý 03 vụ việc nhận quà không đúng quy định với tổng giá trị là 3,99 tỷ đồng, cụ thể: Phát hiện, xử lý 03 trường hợp nhận quà không đúng quy định: 01 nhân viên hợp đồng của UBND thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, TP. HCM nhận quà không đúng quy định 150 triệu đồng, đã xử lý thu hồi 150 triệu và sa thải người vi phạm (BC số 129/BC-UBND ngày 28/8/2019 của UBND Thành phố HCM); 01 cán bộ công tác tại trạm khuyến nông huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc nhận quà không đúng quy định 120 triệu đồng từ năm 2018, người vi phạm đã nộp lại tiền và đến nay đã xử lý cho nghỉ việc (BC số 232/BC-UBND ngày 20/8/2019 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc); Một số lãnh đạo của Công an tỉnh Cao Bằng nhận quà tặng 01 xe ô tô từ năm 2016 trị giá 3,72 tỷ đồng. Quá trình xác minh, kết luận, Bộ Công an xử lý kỷ luật cảnh cáo 02 trường hợp; Tỉnh ủy Cao Bằng xử lý kỷ luật cảnh cáo 03 trường hợp; Công an tỉnh xử lý kỷ luật cảnh cáo 02 trường hợp, khiển trách 01 trường hợp (BC số 2787/BC-UBND ngày 09/8/2019 của UBND tỉnh Cao Bằng)[1].

 

Năm 2020, có 03 trường hợp nộp lại quà tặng theo quy định, trị giá 31,8 triệu đồng. Qua hoạt động thanh tra phát hiện 01 cơ quan nhận quà tặng không đúng quy định, đã thu hồi số tiền vi phạm là 210 triệu đồng là Sở Công Thương tỉnh Tây Ninh[2].

 

Năm 2021, có 04 trường hợp nộp lại quà tặng theo quy định cho đơn vị, với số tiền 350 triệu đồng[3].

 

Năm 2022, có 07 trường hợp nộp lại quà tặng cho đơn vị, với tổng số tiền là 135,3 triệu đồng, trong đó Đà Nẵng: 05 người với số tiền 131,1 triệu đồng); Trà Vinh: 02 người với số tiền 4,2 triệu đồng[4].

 

2. Quy định của pháp luật về tặng quà và nhận quà tặng và một số vấn đề pháp lý đặt ra  

 

Điều 22 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định mang tính định hướng về tặng quà và nhận quà tặng, theo đó:

 

- Cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn không được sử dụng tài chính công, tài sản công làm quà tặng, trừ trường hợp tặng quà vì mục đích từ thiện, đối ngoại và trong trường hợp cần thiết khác theo quy định của pháp luật.

 

- Cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn không được trực tiếp hoặc gián tiếp nhận quà tặng dưới mọi hình thức của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình.

 

Trên cơ sở quy định của Luật Nghị định 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật Phòng, chống tham nhũng (gọi tắt Nghị định 59) và Hướng dẫn số 25-HD/BCĐTW ngày 01/8/2022 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hướng dẫn một số nội dung về công tác phòng, chống tiêu cực (gọi tắt Hướng dẫn số 25), có thể khái quát các quy định về tặng quà và nhận quà tặng với một số vấn đề pháp lý đặt ra như sau:

 

2.1. Quy định về tặng quà

 

Điều 24 Nghị định 59 xác định rõ các trường hợp cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn được phép được sử dụng tài chính công, tài sản công để làm quà tặng. Và tặng quà phải thực hiện đúng chế độ, định mức, tiêu chuẩn, đối tượng theo quy định của pháp luật; cơ quan, đơn vị tặng quà phải hạch toán kế toán và thực hiện công khai trong cơ quan, đơn vị mình theo đúng quy định của pháp luật.

 

Thực tiễn cho thấy, pháp luật chưa có khung, định mức chung cho việc chi quà tặng của các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Việc xác định định mức chi do các cơ quan, tổ chức, đơn vị quy định trực tiếp trong các văn bản về chi tiêu nội bộ, quản lý và sử dụng tài chính, tài sản công của các cơ quan, tổ chức, đơn vị đó. Do đó, để thực hiện có hiệu quả Hướng dẫn số 25, các quy định về tặng quà, cũng như văn hóa của Việt Nam, chúng ta phải xác định việc tặng quà là một nhu cầu cần thiết, và việc tặng quà là đang sử dụng tài sản công, tài chính công để thực hiện, vì vậy Chính phủ cần phải quy định cụ thể về khung, định mức quà tặng không được vượt quá bao nhiêu để quà tặng vừa mang ý nghĩa khuyến khích, động viên vừa phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực.

 

2.2. Quy định về nhận quà tặng

 

Điều 25 Nghị định 59 quy định cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn không được trực tiếp hoặc gián tiếp nhận quà tặng dưới mọi hình thức của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình. Trường hợp không từ chối được thì cơ quan, tổ chức, đơn vị phải tổ chức quản lý, xử lý quà tặng theo quy định về xử lý quà tặng.

 

Với quy định này, việc nhận quà tặng vẫn còn hạn chế nhất định về trường hợp được nhận quà tặng, đó là cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc gián tiếp nhận quà của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân không có liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc không thuộc phạm vi quản lý của mình. Trường hợp này xử lý như thế nào thì pháp luật vẫn còn bỏ ngỏ, chưa có quy định cụ thể. Mặt khác, đối với những trường hợp được phép được nhận quà tặng thì cũng chưa có quy định về khung, định mức giá trị món quà được phép nhận, đây là nguy cơ dẫn đến việc lợi dụng tặng quà, nhận quà tặng để tham nhũng, tiêu cực.

 

Vì vậy pháp luật cũng cần phải có quy định các trường hợp cụ thể được phép nhận quà và định mức đối với mỗi món quà được nhận của cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn. Mặt khác, pháp luật cũng phải xác định rõ trường hợp có thể nhận quà tặng mà không giới hạn định mức như vì mục đích từ thiện…

 

2.3. Quy định về báo cáo, nộp lại quà tặng

 

Điều 26 Nghị định 59 quy định về báo cáo, nộp lại quà tặng, theo đó:

 

- Cơ quan, tổ chức, đơn vị khi nhận được quà tặng không đúng quy định thì phải từ chối; trường hợp không từ chối được thì phải giao lại quà tặng cho bộ phận chịu trách nhiệm quản lý quà tặng của cơ quan, đơn vị đó để xử lý theo quy định về xử lý quà tặng;

 

- Người có chức vụ, quyền hạn khi nhận được quà tặng không đúng quy định thì phải từ chối; trường hợp không từ chối được thì phải báo cáo Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị mình hoặc Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp trên trực tiếp và nộp lại quà tặng để xử lý theo quy định về xử lý quà tặng trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quà tặng; Báo cáo được thể hiện bằng văn bản và có đầy đủ các nội dung: Họ, tên, chức vụ, cơ quan, địa chỉ của người tặng quà; loại và giá trị của quà tặng; thời gian, địa điểm và hoàn cảnh cụ thể khi nhận quà tặng; mối quan hệ với người tặng quà.

 

Có thể thấy, pháp luật đã có quy định về báo cáo về việc nhận quà tặng cũng như nộp lại quà tặng, tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại hạn chế như:

 

- Trường hợp nhận quả tặng đúng quy định có cần phải báo cáo không? Pháp luật chưa có quy định cụ thể. Do đó, để đảm bảo tính công khai, minh bạch và phòng chống tham nhũng, tiêu cực thì việc nhận quà tặng đúng quy định pháp luật của cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn vẫn cần phải có Báo cáo về việc nhận quà tặng với Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp trên trực tiếp;

 

- Trường hợp cơ quan, tổ chức, đơn vị khi nhận được quà tặng không đúng quy định mà không từ chối được thì pháp luật chỉ quy định cơ quan, tổ chức, đơn vị phải giao lại quà tặng cho bộ phận chịu trách nhiệm quản lý quà tặng của cơ quan, đơn vị đó để xử lý theo quy định về xử lý quà tặng mà không phải có Báo cáo về việc nhận quà tặng với Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp trên trực tiếp. Do đó, pháp luật cần phải bổ sung có Báo cáo về việc nhận quà trong trường hợp này.

 

2.4. Quy định về xử lý quà tặng, xử lý vi phạm quy định về tặng quà và nhận quà tặng

 

Điều 27 Nghị định 59 đã quy định cụ thể về việc xử lý quà tặng, tuy nhiên chưa quy định việc các cơ quan, tổ chức, đơn vị phải có Báo cáo về việc xử lý quà tặng với Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp trên trực tiếp, vì vậy pháp luật cần phải bổ sung thêm quy định về trường hợp này.

 

Điều 28 Nghị định 59 quy định về xử lý vi phạm quy định về tặng quà và nhận quà tặng như sau:

 

Xử lý vi phạm về tặng quà: Cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng tài chính công, tài sản công tặng quà không đúng quy định thì phải bồi hoàn giá trị quà tặng cho Nhà nước. Cá nhân sử dụng tài chính công, tài sản công tặng quà không đúng thẩm quyền, không đúng quy định thì phải bồi hoàn giá trị quà tặng và tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài nhà nước.

 

Như vậy, pháp luật chỉ quy định xử lý đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị và các nhân sử dụng tài chính công và tài sản công để tặng quà. Tuy nhiên, đối với những đơn vị, tổ chức, cá nhân ngoài nhà nước có hành vi tặng quà mà đã bị từ chối nhận vẫn cố tình tặng quà dẫn đến việc xử lý quà tặng gặp khó khăn, gây thiệt hại cho cơ quan nhà nước thì có phải xử lý không? Ví dụ như trường hợp xử lý quà tặng là động vật, thực vật, thực phẩm tươi, sống và hiện vật khác khó bảo quản thì  pháp luật quy định “Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị căn cứ tình hình cụ thể và quy định của pháp luật về xử lý tang vật trong các vụ việc vi phạm hành chính để quyết định xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo Cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định xử lý”. Do đó, pháp luật cần phải có quy định cụ thể hơn về việc xử lý vi phạm về trường hợp này.

 

Xử lý vi phạm quy định về nhận quà tặng: Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị vi phạm quy định về nhận quà tặng, xử lý quà tặng, người có chức vụ, quyền hạn vi phạm quy định về nhận quà tặng, báo cáo, nộp lại quà tặng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài nhà nước.

 

Pháp luật chỉ quy định xử lý kỷ luật và xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm về nhận quà tặng, tuy nhiên đối với trường hợp nhận quà tặng với giá trị lớn và không báo cáo về việc nhận quà tặng có xử lý hình sự không? Đó là vấn đề cần phải bàn và pháp luật cần phải có quy định cụ thể về vấn đề này./.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018

2. Nghị định 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật Phòng, chống tham nhũng

3. Hướng dẫn số 25-HD/BCĐTW ngày 01/8/2022 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hướng dẫn một số nội dung về công tác phòng, chống tiêu cực

4. Báo cáo số 488/BC-CP ngày 15/10/2019 của Chính phủ báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019

5. Báo cáo 525/BC-CP ngày 14/10/2020 của Chính phủ báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020

6. Báo cáo số 407/BC-CP ngày 13/10/2021 của Chính phủ báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021

7. Báo cáo số 301/BC-CP ngày 06/9/2022 của Chính phủ báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022

 


[1] Báo cáo số 488/BC-CP ngày 15/10/2019 của Chính phủ báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019

[2] Báo cáo 525/BC-CP ngày 14/10/2020 của Chính phủ báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020

[3] Báo cáo số 407/BC-CP ngày 13/10/2021 của Chính phủ báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021

[4] Báo cáo số 301/BC-CP ngày 06/9/2022 của Chính phủ báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022

Nguồn:  http://www.issi.gov.vn/

Dấu ấn thanh tra Bình Dương
Liên kết website
Các Sở,Ban ngành

Các Trang khác

Thống kê truy cập

Lượt xem: 5326328