Bàn về việc xây dựng kế hoạch xác minh nội dung khiếu nại, tố cáo

   Lượt xem: 5448    In bài viết   Độ tương phản  

Hiện nay, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và các Nghị định hướng dẫn thi hành không quy định bắt buộc phải xây dựng kế hoạch xác minh. Tuy nhiên, xem xét trên khía cạnh chuyên môn, nghiệp vụ và thực tiễn công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo thời gian qua, nhận thấy việc xây dựng kế hoạch xác minh nội dung khiếu nại, tố cáo là quan trọng và cần thiết. Người có trách nhiệm xác minh cần ý thức rõ tầm quan trọng của việc lập kế hoạch xác minh, nắm vững nội dung, phương pháp và cách thức xây dựng kế hoạch xác minh để kế hoạch xác minh đạt chất lượng, có tính khả thi.

Qua nghiên cứu về chuyên môn, nghiệp vụ và thực tiễn giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo cho thấy: việc xây dựng kế hoạch xác minh khiếu nại, nội dung tố cáo là rất cần thiết bởi những lý do sau đây:

Một là, theo khoa học về tổ chức, quản lý, để thực hiện một hoạt động công vụ nói chung thì người được giao nhiệm phải lập kế hoạch làm căn cứ để tiến hành các công việc cần thiết trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đó. Xác minh nội dung khiếu nại, tố cáo cũng là một hoạt động công vụ, có tính chất khá phức tạp, đòi hỏi phải được tiến hành bài bản, đúng pháp luật. Chính vì vậy, người được giao nhiệm vụ xác minh cần xây dựng kế hoạch xác minh trình người có thẩm quyền phê duyệt làm căn cứ để thực hiện việc xác minh;

 Thứ hai, kế hoạch xác minh nội dung khiếu nại, tố cáo là một loại văn bản nghiệp vụ quan trọng trong quá trình xác minh, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Quá trình lập kế hoạch này chính là việc tổ xác minh lập phương án để thực hiện nhiệm vụ trong quá trình xác minh. Kế hoạch xác minh nội dung khiếu nại, tố cáo là một loại văn bản có giá trị là căn cứ, định hướng cho hoạt động của Tổ xác minh, là cơ sở để Tổ trưởng Tổ xác minh, các thành viên Tổ xác minh tổ chức thực hiện nhiệm vụ;

Thứ ba, kế hoạch xác minh nội dung khiếu nại, tố cáo là phương tiện để xác định các hoạt động nghiệp vụ cụ thể, đồng thời là công cụ để Tổ trưởng Tổ xác minh quản lý, điều hành mọi hoạt động của Tổ xác minh một cách toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm ở từng thời gian nhất định trong toàn bộ quỹ thời gian của Tổ xác minh;

Thứ tư, căn cứ vào nội dung Kế hoạch xác minh khiếu nại, tố cáo Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo hoặc người ban hành quyết định xác minh tiến hành kiểm tra, giám sát hoạt động của Tổ xác minh khiếu nại, tố cáo;

Thứ năm, xây dựng kế hoạch xác minh nội dung khiếu nại, tố cáo là quá trình xác định những mục tiêu mà một cuộc xác minh cần phải hướng tới cùng với những yêu cầu phải đạt được và các biện pháp tốt nhất trong điều kiện nhân lực, thời gian và phương tiện nhất định. Nếu quyết định xác minh mới chỉ xác định mục tiêu cần xác minh để phục vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo, thì kế hoạch xác minh nội dung khiếu nại, tố cáo phải xác định và giải quyết cụ thể hơn các nội dung của quyết định xác minh.

Do vậy, hiện nay mặc dù pháp luật khiếu nại, tố cáo không bắt buộc phải xây dựng kế hoạch xác minh nội dung khiếu nại, nội dung tố cáo nhưng việc xây dựng kế hoạch xác minh nội dung khiếu nại, tố cáo là rất cần thiết. Điều đó giúp ích cho người có trách nhiệm xác minh, định hình được công việc cần làm, có sự sắp xếp, bố trí thời gian công việc hợp lý, khoa học, chủ động trong việc xác minh nội dung vụ việc khiếu nại, tố cáo. Từ đó góp phần nâng cao chất lượng trong công tác giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo./.

Trường cán bộ thanh tra.

Dấu ấn thanh tra Bình Dương
Liên kết website
Các Sở,Ban ngành

Các Trang khác

Thống kê truy cập

Lượt xem: 5332295