Kinh nghiệm của môt số quốc gia về công khai bản kê khai tài sản,thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn và bài học rút ra cho Việt Nam

   Lượt xem: 11062    In bài viết   Độ tương phản  

     Ở các nước Tây Âu và các nước xã hội chủ nghĩa trước đây có cách tiếp cận khác nhau về vấn đề này. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, Anh là quốc gia coi trọng tính bảo mật cá nhân, quốc gia này không sẵn sàng để yêu cầu người có chức vụ quyền hạn công khai bản kê khai tài sản, thu nhập của họ[1]. Nói cách khác, ở Anh không có yêu cầu chung về việc kê khai tài sản, thu nhập với lý do tránh xâm phạm quyền riêng tư của mỗi cá nhân và không phải một mình quốc gia này có quan điểm như vậy. Mặt khác, có rất nhiều quốc gia đã cởi mở trong việc công khai bản kê khai tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn như là ở Nauy, quốc gia này công bố tài sản, thu nhập của tất cả các cá nhân phải trả thuế thay vì chỉ có cán bộ, công chức người giữ chức vụ quyền hạn. Việc tiếp cận bản kê khai tài sản, thu nhập ở quốc gia này rất thuận tiện và có thể tiếp cận qua kênh Internet[2]. Qua nghiên cứu khái quát về kinh nghiệm của một số nước trên thế giới về công khai bản kê khai tài sản, thu nhập của người có chức vụ quyền hạn nhận thấy cần xem xét vấn đề này dưới các góc độ sau đây: (1) phạm vi công khai; (2) hình thức và điều kiện công khai; (3) sự chia sẻ thông tin với các tổ chức, cá nhân; (4) bảo vệ các thông tin của cán bộ, công chức.

     I. Kinh nghiệm của một số nước về công khai bản kê khai tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn

     1. Phạm vi công khai

     Có các mức độ khác nhau để công khai bản kê khai tài sản, thu nhập của người có chức vụ quyền hạn như sau:

     Công khai đầy đủ: nghĩa là toàn bộ các thông tin được cung cấp trong bản kê khai tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn luôn sẵn sàng cho sự giám sát từ phía cộng đồng. Ở Đan Mạch, Nauy, Bỉ, người dân có quyền tiếp cận với toàn bộ các thông tin kê khai tài sản, thu nhập của các cán bộ cấp cao như các thành viên quốc hội và các bộ trưởng (các thành viên hạ viện, Thủ tướng và các thành viên chính phủ, công chức cấp cao và quan chức chính trị)[3]. Các thông tin về bản kê khai tài sản của các đối tượng thuộc diện kê khai cũng được công khai đầy đủ ở Romania. Bosnia, Montenegro.

     Công khai một phần: ở nhiều quốc gia, việc công khai bản kê khai tài sản của người có chức vụ, quyền hạn được xem xét để hạn chế những tác động đến quyền riêng tư của cá nhân người kê khai. Đa số các quốc gia đều thực hiện việc công khai bản kê khai tài sản ở mức độ này để có thể bảo vệ quyền riêng tư của đối tượng kê khai. Ví dụ như Tòa án Liên Bang Đức đã ra quyết định về vấn đề này, đó là chỉ công khai một phần thông tin để đảm bảo quyền riêng tư của cán bộ, công chức. Không có bất cứ một tiêu chuẩn, quy định quốc tế nào buộc các quốc gia phải có nghĩa vụ đảm bảo công khai toàn bộ các thông tin trong bản kê khai tài sản, thu nhập và cũng có thể sẽ không bao giờ có một tiêu chuẩn toàn cầu về việc cân bằng giữa việc công khai thông tin và sự riêng tư cho cá nhân kê khai. Truyền thống pháp luật và xã hội là nhân tố quan trọng để xác định chính sách phù hợp nhất.

      Ở một số quốc gia, việc công khai bản kê khai tới người dân thường bị hạn chế. Một số trường hợp, số liệu, thông tin nằm ngoài phạm vi công khai. Điển hình là Latvia, Estonia và Indonesia, ở các quốc gia này, dữ liệu được công khai không bao gồm mã định danh cá nhân, địa chỉ và các thông tin liên quan đến các mối quan hệ thân thích và vợ/chồng của đối tượng kê khai. Tương tự như vậy, mức độ công khai này cũng được thực hiện ở các nước Tây Âu như Georgia, Albania, Bosnia và Macedonia. Trong đó, luật bảo vệ thông tin cá nhân được thiết kế để hạn chế việc tiết lộ thông tin cá nhân. Một ví dụ cụ thể hơn được tìm thấy ở Đức đó là, chỉ 1/3 mức của thu nhập được công bố công khai thay vì toàn bộ mức thu nhập của đối tượng kê khai. Ở Bồ Ban Nha, người dân có thể tự do tiếp cận bản kê khai tài sản nhưng việc tiếp cận này bị giới hạn đối với những người có động cơ liên quan (ví dụ như quyền và lợi ích của bên thứ ba) trong quá trình chờ quyết định của tòa án. Ở một khía cạnh khác, việc hạn chế công khai được hiểu là một số thông tin của người có nghĩa vụ kê khai có thể không được công khai rộng rãi, ví dụ như các nhân viên dịch vụ an ninh ở Latvia và công chức ở Macedonia. Hay như danh mục miễn trừ cho các các bộ, công chức ở Mỹ. Ở một số quốc gia khác như Lithuania và Ukraine, dữ liệu có thể được công bố dựa trên quyết định của Trưởng ban đạo đức[4].

     Công khai khi có yêu cầu: các thông tin được công khai là nhân tố quan trọng tạo nên kết quả của xác minh tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức. Các cơ quan có thẩm quyền có yêu cầu công khai bản kê khai tài sản, thu nhập của người giữ chức vụ, quyền hạn để phục vụ cho hoạt động chuyên môn của họ. Ở Latvia, dữ liệu về tài sản và thu nhập từ bản kê khai tài sản của người có chức vụ, quyền hạn có thể được tiếp cận miễn phí thông qua hệ thống trực tuyến, trong trường hợp nghi ngờ, việc kiểm toán có thể thực hiện theo các thủ tục được thiết lập cho bất kỳ cá nhân và người kê khai nào. Theo quy định pháp luật về thuế, kết quả của kiểm toán là bí mật và người dân có thể không được tiếp cận thông tin hoặc tiếp cận hạn chế từ bản kê khai tài sản của đối tượng kê khai. Ở một số nước, tình trạng không thể tiếp cận toàn bộ số liệu ở khâu này có thể xảy ra.

     Công khai hạn chế: Một số quốc gia có quy định về các nguyên tắc bí mật. Điều nay dẫn đến việc tiếp cận thông tin bản kê khai tài sản, thu nhập bị thu hẹp như ở Kosovo, Belarus, Afghanistan. Ở Slovenia, luật cũng quy định rằng, số liệu, thông tin đạt được trong quá trình thanh tra tài chính và các số liệu khác được xác định bởi Uỷ ban Phòng chống tham nhũng được xử lý như bí mật. Sự tiếp cận hạn chế này được thấy rõ ở các nước Tây Âu. Ở Pháp, bản kê khai tài sản của các bộ trưởng, thành viên của quốc hội và công chức là không được công khai rộng rãi[5].

     Phạm vi công khai của một số quốc gia Đông Á được thể hiện qua bảng thông tin dưới đây[6]

     Bảng 1: Công khai tài sản thu nhập của các nước Đông Á

 

Khu vực

Công khai

Không công khai

Công khai khi có yêu cầu

Đông Á

 Indonesia, Thái Lan, Việt Nam, Philippines

Malaysia, Mongolia, PNG, Vanuatu

Cam-pu-chia, Trung Quốc, Lào, Timor Leste. Tonga. Fiji, Myanmar

     2. Hình thức và các điều kiện tiếp cận thông tin

     Việc công khai bản kê khai tài sản, thu nhập của người có chức vụ quyền hạn có thể được thực hiện một cách chủ động. Ở nhiều quốc gia, các thông tin kê khai được công khai với người dân và được công bố dưới dạng định dạng giấy. Ví dụ như một bản tin chính thức tại trụ sở cơ quan, đơn vị. Ngoài ra, các hình thức công khai phổ biến khác là công khai điện tử và công khai khi có yêu cầu.

     Bảng 1: Các hình thức công khai

Quốc gia

Công khai dạng giấy

Công khai điện tử

Công khai khi có yêu cầu

Đan Mạch

 

X

 

Đức

 

X

 

Anh

 

X

 

Albania

 

 

X

Azebaijan

 

Không công khai

 

Afghanistan

 

 

X

Belarus

 

Không công khai (ngoại trừ các ứng viên bầu cử)

X

Bosnia và Herzegovina

X

 

 

Bulgaria

 

X

 

Bangladesh

X  (công khai bản kê khai của thành viên quốc hội nhưng lại bí mật bản kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức)

 

 

Croatia

 

Thiếu dữ liệu

 

Estonia

 

X (Một số công chức cấp cao)

 

Georgia

 

X

 

Hồng Kông

X (công khai bản kê khai của tất cả cán bộ công chức bậc I, bí mật bản kê khai tài sản cán bộ, công chức bậc II)

 

X (yêu cầu Văn phòng dịch vụ dân sự cung cấp bản sao)

Kazakhstan

 

Không công khai (Các thông tin về công chức cấp cao và ứng viên bầu cử  có thể được không khai khi có một số những điều kiện nhất định)

 

Kosovo

 

Không công khai

 

Kyrgyzstan

 

X

 

Latvia

 

X

 

Lithuania

X (Một số công chức cấp cao và chính trị gia)

X (Một số công chức cấp cao và chính trị gia)

 

Nepal

X (thành viên chính phủ)

 

 

Macedonia

 

X (Ngoại trừ công chức)

 

Montenegro

 

X

 

Romania

 

X

X

Slovenia

 

Không công khai

 

Tajikistan

 

Không công khai

 

Ukraine

X (Một số công chức cấp cao)

 

 

Pakistan

X (Một số công chức cấp cao)

 

 

Ấn Độ

 

X (Thủ tướng, các bộ trưởng tình nguyện công khai)

 

     Việc công khai bản kê khai tài sản của người có chức vụ, quyền hạn có thể được yêu cầu từ phía xã hội như người dân hoặc truyền thông. Ở một số quốc gia, chỉ có thể tiếp cận các thông tin về bản kê khai tài sản khi có yêu cầu. Việc truy cập vào hệ thống dữ liệu đó có thể không có điều kiện hoặc bị ràng buộc bởi các điều kiện cụ thể. Ví dụ như yêu cầu chỉ rõ tên người yêu cầu, người được hưởng lợi từ việc đạt được các thông tin đó, trách nhiệm trả phí để khôi phục chi phí hành chính. Các trường hợp khác thì có thể sẽ bị giới hạn thông tin. Ví dụ, như yêu cầu công khai số liệu thu được đầy đủ hoặc cấm sử dụng thông tin cho mục đích thương mại ở Mỹ hoặc đưa ra như bằng chứng trước tòa (Albania). Đa số các điều kiện này được đặt ra để bảo vệ lợi ích hợp pháp nhất định của người kê khai. Tuy nhiên, ở tất cả các hệ thống kê khai tài sản thu nhập có quy định về công khai bản kê khai tài sản, thu nhập của người có chức vụ quyền hạn và có xu hướng không áp đặt các điều kiện.

     Ở Mỹ, việc tiếp cận bản kê khai tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn được thực hiện dựa trên các quy tắc/điều kiện dưới đây:

     - Được phép thanh tra bản kê khai tài sản, thu nhập hoặc bản sao của bản kê khai tài sản được cung cấp cho bất cứ người nào yêu cầu;

     - Một khoản phí hợp lý có thể được yêu cầu phải trả cho việc cung cấp thông tin về bản kê khai tài sản, thu nhập;

     - Bản kê khai tài sản, thu nhập có thể không được cung cấp tự do cho bất kỳ ai trừ khi người đó có đăng ký bằng văn bản, nêu rõ: tên, nghề nghiệp, địa chỉ; tên và địa chỉ của người hoặc tổ chức đại diện thanh tra hoặc sao chép được yêu cầu; người nhận thức được những quy định cho việc lấy và sử dụng bản kê khai;

     - Sự tiếp cận này sẽ được công bố rộng rãi trong suốt thời gian bản kê khai tài sản, thu nhập được công bố rộng rãi[7].

     Những điều kiện khác có thể được áp dụng đối với người sử dụng bản kê khai tài sản, thu nhập. Việc tiếp cận bản kê khai tài sản, thu nhập này phải không được sử dụng cho bất kỳ mục đích phi pháp; mục đích thương mại; hay các mục đích khác như việc đưa tin, truyền thông, phổ biến cho công chúng; cho việc xác định hoặc thiết lập danh sách tín dụng của bất cứ cá nhân nào; hoặc cho việc sử dụng trực tiếp hoặc gián tiếp kêu gọi tiền cho bất kỳ mục đích chính trị, từ thiện hay các mục đích khác.

     Ở Nga, sự tiếp cận có điều kiện là quyền truy cập của truyền thông đa phương tiện đối với các thông tin đã được kê khai bởi thẩm phán. Tất cả các kênh truyền thông ở Nga có thể yêu cầu tiếp cận thông tin về tài sản, thu nhập của thẩm phán. Các thông tin này phải được công bố nếu chỉ ra được mục đích của việc công khai số liệu cũng như là thừa nhận nghĩa vụ công khai thông tin một cách đầy đủ và theo các vấn đề công khai (không muộn hơn 07 ngày làm việc). Bên cạnh đó, nếu việc công khai này có thể gây ra những áp lực lên thẩm phán liên quan đến từng vụ việc cụ thể hoặc có thể dẫn đến vi phạm về tính độc lập của thẩm phán, thì đơn yêu cầu sẽ bị từ chối[8].

     Ngoài việc đặt ra những yêu cầu để tiếp cận bản kê khai tài sản thu nhập, thì một số quốc gia khác như Indonesia có hệ thống công khai tài sản thu nhập hiệu quả trên hệ thống điện tử nhằm tăng cường sự minh bạch và trách nhiệm giải trình của hệ thống kê khai tài sản, thu nhập. Uỷ ban bài trừ tham nhũng đã xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu từ năm 2001 đến nay. Cơ sở dữ liệu này được công khai để người dân và các cơ quan chức năng có thể truy cập thông qua cổng thông tin https://elhkpn.kpk.go.id or http://acch.kpk.go.id. Người dân có thể tìm kiếm dựa trên tên, ngày, tháng, năm sinh, chức vụ, quyền hạn của người kê khai tài sản, thu nhập. Tuy nhiên những thông tin cá nhân về số thẻ định danh, số ngân hàng, địa chỉ cá nhân không được công khai[9]

     Như vậy, bản kê khai tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn có thể được công khai bằng các hình thức khác nhau. Hiện nay, việc công khai thủ công bằng giấy đã giảm dần và thay vào đó là việc công khai dưới hình thức điện tử và công khai khi có yêu cầu. Ở một số quốc gia, chỉ có bản kê khai tài sản thu nhập của công chức cấp cao mới được công khai trực tuyến.

     3. Sự chia sẻ thông tin tới các tổ chức, cá nhân

     Đối với một hệ thống kê khai tài sản, thu nhập nơi mà bản kê khai được công khai toàn bộ hoặc một phần, quyền truy cập dữ liệu của các cơ quan khác phối hợp có thể gặp phải những trở ngại. Các cơ quan này đều mong muốn có thể tiếp cận các thông tin kê khai kể cả các phần thông tin đã không được công khai. Sự tiếp cận này tùy thuộc vào quan niệm và hệ thống pháp luật của mỗi quốc gia. Các cơ quan có thẩm quyền thường bao gồm cơ quan thực thi pháp luật, cơ quan tố tụng, tòa án, cơ quan thuế…Ví dụ, cơ quan thực thi pháp luật hoặc toàn án có thể yêu cầu để tiếp cận các thông tin thu thập được của cơ quan thuế liên quan đến tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ, kê khai. Điều này tạo cơ hội thuận lợi cho các cơ quan nhận sự trợ giúp, phối hợp từ các cơ quan có liên quan khác để giải quyết công việc hiệu quả hơn (Ví dụ như Kyrgyzstan, Kazakhstan, Latvia…).

     Toàn bộ bản kê khai tài sản, thu nhập hoặc một phần thông tin trong bản kê khai tài sản thu nhập là bí mật. Cấp trên trực tiếp của người có nghĩa vụ kê khai thường không có thẩm quyền truy cập thông tin kê khai tài sản, thu nhập của công chức (lưu cho các hệ thống mà cấp trên tự thu thập và lưu trữ dữ liệu). Trong khi để hạn chế những vi phạm về quyền riêng tư của người có nghĩa vụ kê khai, một số tính hữu ích của kê khai để theo dõi xung đột lợi ích đã không được phép duy trì. Nếu không có yêu cầu để bảo vệ quyền riêng tư của cá nhân thì cơ quan điều tra có thể tiếp cận bất kỳ và toàn bộ các dữ liệu có trong bản kê khai tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn.

     4. Sự bảo vệ thông tin của người kê khai

     Hiện nay, nhiều quốc gia có xu hướng công khai bản kê khai tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, đồng thời cũng đưa ra những điều khoản nhằm bảo vệ quyền riêng tư hoặc an toàn cho người kê khai tài sản, thu nhập. Đặt trong bối cảnh này, vấn đề đảm bảo quyền riêng tư của cá nhân và quyền tiếp cận thông tin của người dân có thể có những xung đột nhất định. Tuy nhiên, những lo ngại về quyền riêng tư và an ninh liên quan đến việc công khai bản kê khai tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn vẫn là vấn đề được rất nhiều quốc gia quan tâm. Một số nước cho phép sự bảo vệ nhất định đối với người kê khai tài sản, thu nhập. Hai hình thức bảo vệ chủ yếu đó là:

      - Sự chấp thuận của người kê khai tài sản, thu nhập: Đây được coi là phương thức bảo vệ chính thức bởi lẽ có các thông tin không thể công khai một cách rộng rãi đến công chúng nếu việc đó không nhận được sự chấp thuận của người kê khai tài sản, thu nhập. Tuy nhiên, ở một số nước, trong khi luật cho phép công khai bản kê khai tài sản, thu nhập khi có sự chấp thuận của cá nhân người kê khai nhưng văn hóa cởi mở, minh bạch dẫn đến việc công khai gần như là bắt buộc đối với quan chức để tránh sự phẫn nộ, phản ứng từ phía xã hội. Ở Estonia, nguyên tắc này ngụ ý rằng quan chức được phép công khai nội dung của bản kê khai tài sản của họ nếu họ muốn điều đó. Điều này có thể dẫn đến chỉ có những quan chức trong sạch, liêm chính thì mới công khai chính thức bản kê khai tài sản của họ.

     - Yêu cầu định danh người yêu cầu công khai: Sự bảo vệ này gần như là yếu hơn, nhằm mục đích tập hợp các thông tin về cá nhân yêu cầu cung cấp số liệu, thông tin (có thể thấy điển hình như ở Mỹ). Trong nguyên tắc này, cần phải thận trọng để tránh sự lạm dụng thông tin, số liệu có được.

    - Đánh giá khi cần thiết: đây không phải là một hình thức phổ biến trên thực tế, nhằm đánh giá sự an toàn của người kê khai tài sản, thu nhập. Một ví dụ ở đây là Đạo luật Đạo đức của Chính phủ Mỹ, Đạo luật này không đòi hỏi cán bộ cấp cao, nhân viên tư pháp phải công khai ngay lập tức bản kê khai tài sản, thu nhập của họ nếu họ nhận thấy việc tiết lộ thông tin này có thể gây nguy hiểm cho cá nhân và các thành viên trong gia đình của họ[10]. Bên cạnh đó, ở một số ít quốc gia khác (ví dụ như Liên Bang Nga), điều khoản này cũng có thể được áp dụng khi nhận thấy sự phức tạp, không rõ ràng trong bản kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai.

     II. Bài học rút ra cho Việt Nam

    Quy định về việc công khai bản kê khai tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn được xây dựng dựa trên truyền thống xã hội, đặc điểm kinh tế và hệ thống khuôn khổ pháp luật của quốc gia đó. Có những điểm khác nhau trong hệ thống công khai bản kê khai tài sản, thu nhập ở mỗi quốc gia. Một số nước đã đạt được kết quả tốt trong phòng chống tham nhũng nhờ có hệ thống công khai khả thi, minh bạch. Việt Nam có thể coi đó như bài học kinh nghiệm để lựa chọn và phát triển trong thời gian tới.

    Thứ nhất, về phạm vi công khai: công khai toàn bộ hoặc công khai một phần là hai hình thức công khai phổ biến nhất ở các quốc gia trên Thế giới. Ở Việt Nam hiện nay, cơ quan, cá nhân được phép tiếp cận toàn bộ các nội dung bản kê khai tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam chưa xem xét đến khía cạnh bảo vệ quyền riêng tư của cá nhân người kê khai tài sản, thu nhập. Đây là vấn đề rất được quan tâm bởi các quốc gia phát triển. Sự bảo vệ này nhằm tránh việc sử dụng lại thông tin của người kê khai vào những mục đích phi pháp, thương mại và ảnh hưởng đến sức khỏe, danh dự và tính mạng của người kê khai tài sản, thu nhập cũng như người thân của họ. Do đó, Việt Nam cũng nên xem xét khía cạnh công khai toàn bộ hay công khai một phần đối với đối tượng nào và kết hợp với việc bảo vệ người kê khai tài sản, thu nhập trong trường hợp nhận thấy những mối nguy hiểm, đe dọa người có nghĩa vụ kê khai tài sản.

     Thứ hai, về hình thức và các điều kiện công khai: hiện nay việc công khai bản kê khai tài sản thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn ở Việt Nam chỉ dừng lại ở việc công khai bản giấy tại một số địa điểm quy định tại Điều 39 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018. Hình thức công khai này đang hạn chế sự tiếp cận của người dân, truyền thông đối với bản kê khai. Để tạo ra những hiệu quả rõ nét trong phòng, chống tham nhũng cần có sự thay đổi và bổ sung hình thức công khai bản kê khai như công khai điện tử và công khai khi có yêu cầu. Có thể phối kết hợp áp dụng công khai dạng giấy và công khai điện tử cùng lúc, cũng có thể xem xét  quy định các trường hợp đặc biệt yêu cầu công khai bản kê khai.

     Thứ ba, về sự chia sẻ thông tin tới các tổ chức, cá nhân có liên quan: các cơ quan thực thi pháp luật, cơ quan thuế, cơ quan quản lý tài sản, tòa án, cơ quan tố tụng… có thể phối hợp để chia sẻ nguồn dữ liệu làm cơ sở để đối chiếu bản kê khai tài sản, thu nhập của người có chức vụ quyền hạn. Pháp luật Việt Nam nên quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan có liên quan trong việc phối hợp công khai các thông tin liên quan đến bản kê khai tài sản, thu nhập của  người có nghĩa vụ kê khai cũng như xác định rõ những thông tin nào được coi là thông tin bí mật không được công khai.

     Thứ tư, về sự bảo vệ thông tin của người kê khai tài sản, thu nhập: Pháp luật Việt Nam vẫn còn thiếu quy định về bảo vệ người kê khai tài sản, thu nhập nhằm hạn chế việc lạm dụng thông tin bản kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai vì mục đích thương mại hoặc phi pháp khác như chiếm đoạt tài sản, đe dọa tính mạng của người kê khai. Do đó, cần cân nhắc xem xét và bổ sung vấn đề này trong quy định pháp luật liên quan.

 

Nguồn: Theo Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra

 


[1] OECD/SIGMA (2007), “Chính sách xung đột lợi ích và thực tiễn ở 9 nước thành viên Liên Minh Châu Âu”, Sigma Paper Số 36, 18 June, p. 18, www.olis.oecd.org/olis/2006doc.nsf/linkto/ gov-sigma(2006)1-rev1

[2] Danh sách Thuế 2008 (Skattelister 2008), http://skattelister.aftenposten.no/skattelister/start.htm.

[3] Quy định về đăng ký tình nguyện các cam kết và lợi ích kinh tế của thành viên Folketing

[4] Nghiên cứu của Ngân Hàng Thế giới về hệ thống kê khai tài sản, thu nhập của 74 Quốc gia trên thế giới chỉ ra rằng bản kê khai tài sản thu nhập của vợ/chồng, con của người kê khai được công khai là 40%; cán bộ công chức là 52%, bộ trưởng 56% và người đứng đầu nhà nước là 63%. Xem thêm tại Burdescu et al., 2009, p. 43.

[5] Ngân Hàng Thế giới (2010), “ Cơ chế trách nhiệm giải trình công: Pháp” https://www.agidata.org/pam/ Profile.aspx?c=69&cc=1.

[6] Ngân hàng Thế giới (2006), “Yêu cầu công khai tài sản, thu nhậpcho các quốc gia đối tác của ngân hàng thế giới”

[7] Luật Đạo Đức của Chính phủ Mỹ, Mục 105 (b)

[8] Luật Liên bang Nga về chống tham nhũng

[9] Tổ chức minh bạch quốc tế, 2014, Kê khai tài sản: Một công cụ hiệu quả để chống tham nhũng

[10] Luật Đạo đức của Chính phủ của Chính phủ Mỹ, Mục 105 (B)

Dấu ấn thanh tra Bình Dương
Liên kết website
Các Sở,Ban ngành

Các Trang khác

Thống kê truy cập

Lượt xem: 5329140